Xúc động tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chiều 26/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Quốc tang. Cùng thời điểm này, tại Hội trường Thống nhất, TP Hồ Chí Minh và quê nhà Tổng Bí thư - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội cũng diễn ra Lễ truy điệu.
Trong sân Nhà tang lễ, đại xa có pháo kéo đã được Đội nghi lễ và tiêu binh Quân đội chuẩn bị sẵn sàng. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đã đến dự Lễ truy điệu, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đúng 13h, Lễ truy điệu được cử hành trọng thể.
Đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang cho biết, để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong những ngày qua đã có gần 6.000 đoàn đại biểu với số lượng khoảng 200.000 người đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, các tổ chức cá nhân trong nước và 100 đại biểu quốc tế đến viếng đồng chí Tổng Bí thư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quê nhà.
Gần 500.000 lượt người dân truy cập, chia buồn qua sổ tang điện tử. Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao các nước và bạn bè quốc tế gửi thư, điện chia buồn cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Tổng Bí thư.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Quốc thiều Việt Nam được cử hành để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
13h04: Với niềm thương tiếc vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Lễ tang đã đọc Lời điếu truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hôm nay, trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế và gia đình long trọng tổ chức lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú.
"Chúng ta thành kính, tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao, cống hiến vô cùng to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Ghi nhận những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất; nhưng hơn hết, đồng chí mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân" - Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động bày tỏ.
Vĩnh biệt đồng chí, nhà lãnh đạo kết tinh phẩm giá, nhân cách của Đảng, hiện thân của hòa bình, thống nhất và tiến bộ; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện một lòng thực hiện ước nguyện của đồng chí, khắc cốt ghi tâm lời căn dặn “Nếu là người, hãy là người Cộng sản”, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí đã lựa chọn; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, Nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng một thế giới tiến bộ, văn minh và đạo đức.
Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.
13h17: Đại diện gia đình, ông Nguyễn Trọng Trường, con trai Tổng Bí thư phát biểu, xúc động chia sẻ: "Bố chúng cháu, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, y bác sĩ đầu ngành và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 13h38 ngày 19/7/2024, tức ngày 14/6 năm Giáp Thìn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), hưởng thọ 80 tuổi. Bố chúng cháu không còn nữa, để lại nỗi đau sâu sắc với gia đình, nhất là mẹ cháu. Từ khi bố chúng cháu lâm bệnh đến tận những giây phút cuối cùng và trong suốt quá trình tổ chức tang lễ, gia đình luôn nhận được rất nhiều tình cảm động viên, chia sẻ chân thành, giúp đỡ tận tình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, các ông bà, các bác, các cô chú, anh chị em, tình cảm của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Mẹ cháu và toàn thể gia đình xin bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất. Tại thời khắc này, một lần nữa, cháu xin gửi lời cảm ơn tới các bác, các cô, các chú lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đoàn thể Trung ương, địa phương, các quý vị đại biểu, các ông bà, các bác, các cô chú, anh chị em, đồng bào ta và bạn bè quốc tế đã đến viếng và tiễn đưa bố chúng cháu về nơi an nghỉ cuối cùng".
Gia đình cũng chân thành cảm ơn các cơ quan đoàn thể Trung ương, địa phương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Nhà tang lễ Quốc gia đã chuẩn bị chu đáo trong những ngày tang lễ; các cơ quan thông tấn, báo chí đã đưa tin kịp thời về lễ tang. Trong quá trình tổ chức tang lễ, chắc chắn không tránh khỏi sơ suất và gây ra phiền hà cho bà con, gia đình xin được lượng thứ.
13h16: Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu và đại diện gia đình đã dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
13h17: Đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu gửi lời cảm ơn.
13h21: Lễ truy điệu kết thúc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu và đại diện gia đình đi một vòng quanh linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
13h30: Lễ di quan đồng chí Tổng Bí thư được tiến hành.
Trong âm hưởng ca khúc "Hồn tử sĩ" trầm buồn, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đội tiêu binh di chuyển khỏi lễ đài. Với niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng đại diện gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt tay lên linh cữu, cùng tiến ra đại xa giữa sân Nhà tang lễ.
13h42: Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt trang trọng lên đại xa gắn pháo kéo, được phủ Quốc kỳ đỏ thắm và lồng khung kính theo nghi thức cao nhất.
13h46: Đại xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu lăn bánh, rời Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến đồng chí Tổng Bí thư, cùng đông đảo đại biểu, nhân dân chậm rãi bước sau xe tang, bày tỏ niềm xúc động tiễn biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bên ngoài Nhà Tang lễ, người dân xếp hàng dài lặng nhìn, tiễn đưa đại xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hướng về Nghĩa trang Mai Dịch, nơi diễn ra Lễ an táng đồng chí với niềm xúc động khôn nguôi...
Người dân nghẹn ngào chờ tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch
12h trưa ngày 26/7, hàng nghìn người dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã đội nắng tập trung ở khu vực trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch để chờ tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân; có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trên tuyến đường Điện Biên Phủ - Trần Phú, từ 12h đã có rất đông người dân đứng chờ 2 bên đường để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiếc thương và mong muốn được tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối, bà Nguyễn Thị Thuý (76 tuổi, ngõ 33 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) cùng nhóm người cao tuổi khu phố đã đi bộ từ nhà ra khu vực vườn hoa Trần Phú đứng chờ từ 12h. Nắng nóng, chân đau nhưng nhóm của bà vẫn kiên trì đứng chờ.
Tiếc thương một lãnh đạo luôn hết lòng vì dân, vì nước, nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lưu Văn Quỳ (sinh năm 1948) lại rưng rưng nước mắt. Quê ở tận trong huyện Ứng Hoà, các trung tâm Hà Nội hơn 40 km nhưng nay cũng ra đây sớm để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với ông Quỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là nỗi mất mát rất lớn của đất nước và nhân dân. Riêng đối với bản thân ông, ông vô cùng thương cảm Tổng Bí thư vì tuổi cao nhưng bác vẫn luôn cống hiến hết mình để lo cho dân, cho đất nước.
Nhà Tang lễ Quốc gia Trần Thánh Tông nghi ngút trầm hương, bên trên lễ đài, giữa phông đen là Quốc kỳ có gắn dải băng tang cùng dòng chữ: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam". Phía dưới là ban thờ trang trọng đặt lư hương, di ảnh đồng chí Tổng Bí thư cùng nhiều Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý. Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn trang trọng giữa lễ đài, phủ Quốc kỳ đỏ thắm, xung quanh là đài hoa ngát hương.
Bà Trần Thị Ngọc Kim - ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: "Trưa nay, tôi cùng nhiều người đã bỏ ăn để ra đứng ở đây chờ đoàn xe chở linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua xin được tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối. Dù chưa một lần được gặp gỡ trực tiếp mà chủ yếu nhìn thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên báo chí, truyền hình nhưng khi biết tin ông mất tôi rất muốn một lần được đứng trước linh cữu để tiễn biệt ông về với Đất Mẹ nhưng tôi chưa làm được điều này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là sự mất mát to lớn của đất nước của dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế, dù nhiều việc còn dang dở nhưng ông cũng đã lo cho nước, cho dân đến cuối cuộc đời…”.
Tại sân Nhà văn hoá thôn Lại Đà
Tại sân Nhà văn hoá thôn Lại Đà, không khí trầm mặc, mọi ánh mắt đều hướng lên màn hình theo dõi Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua buổi tường thuật trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam. Tiếng khóc cũng lan đi từ đây dưới nắng thu, tiễn biệt người con ưu tú của quê hương về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Đúng 13h ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại quê nhà Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Hàng ngàn người dân đã có mặt tại Nhà văn hoá thôn Lại Đà, nghẹn ngào trong giây phút tiễn biệt Tổng Bí thư.
Mấy ngày qua, trên mọi ngả đường đến thôn Lại Đà, những đoàn khách và người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc về viếng đồng chí Tổng Bí thư không ngớt. Dù đường xa, dù nắng gắt hay mưa tuôn, những dòng người vẫn lặng lẽ và thành kính trên đường làng Lại Đà. Những đôi mắt tiếc thương ngấn lệ. Càng đến gần Lễ truy điệu, lòng người dân Lại Đà và đồng bào cả nước càng nhớ tiếc, mong thời gian trôi thật chậm những giây phút tiễn biệt này.
Ông Ngô Anh Tuấn, 72 tuổi, sáng nay bắt xe từ Bắc Ninh đến thôn Lại Đà, mong được vào thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư lần cuối. Giữa đường xe gặp trục trặc, thành ra ông đã đến muộn, không kịp tham gia Lễ viếng. Đứng lặng nơi sân tang chờ đợi đến giây phút diễn ra Lễ truy điệu Tổng Bí thư, ông chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm quê hương đồng chí Tổng Bí thư. Từ cổng làng Lại Đà, tôi đã được ngắm nhà thờ của gia đình Tổng Bí thư, được đi trên con đường làng gắn với bước chân Tổng Bí thư từ ngày thơ bé. Vậy là mong ước của tôi bấy lâu nay đã thành hiện thực”.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức lúc 13h ngày 26 tháng 7, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ an táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Theo CAND
Dòng sự kiện:TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Ra mắt tác phẩm "Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng"
Sự vĩ đại sinh ra từ giản dị!
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Chủ tịch nước Tô Lâm: Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam
Hình ảnh người dân lưu luyến tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng