Kỷ niệm 135 năm Ngày Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương (13-7-1885 - 13-7-2020): Tri ân hội tụ
Tháng 7 -2010, nhân kỷ niệm 125 năm ngày Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương, Quảng Trị đã lần đầu tổ chức Lễ hội Cần Vương trên chính vị trí "kinh đô kháng chiến" Tân Sở thuộc thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, H.Cam Lộ. Từ lễ hội, kỳ vọng mở ra một tầm nhìn mới, khẳng định tính xác thực của lịch sử trong chủ trương phục dựng, tôn tạo và phát huy tiềm năng của một khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như vị thế đã có trong lịch sử. Và tròn 10 năm sau, tại khu di tích thiêng, tự hào ấy, H.Cam Lộ đang chuẩn bị chu đáo lễ khánh thành Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, thỏa lòng mong đợi của nhân dân lâu nay.
Vua Hàm Nghi cùng quần thần chọn Tân Sở để xây dựng thành căn cứ kháng chiến và ban Chiếu Cần Vương. |
Ông Ngô Quang Chiến - Chủ tịch UBND H.Cam Lộ cho biết, công trình Đền tưởng niệm được khởi công vào tháng 7-2019 và sẽ khánh thành vào đúng kỷ niệm 135 năm Ngày vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương nhằm tri ân vua Hàm Nghi và các tướng sĩ, văn thân sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương, qua đây khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc trong nhân dân. Trong chuỗi hoạt động, từ ngày 12 -7- 2020, H. Cam Lộ sẽ tổ chức các nghi lễ rước Long vị, bài vị của vua và tướng sĩ đúng truyền thống địa phương về đền tưởng niệm. Theo đó, vào sáng 12 -7 -2020, tổ chức rước Long vị vua Hàm Nghi tại Thế miếu - Đại nội Huế. Cũng sáng này, tổ chức rước bài vị Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết tại Dinh Tôn Thất Thuyết, làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) và nhập vào đoàn rước Long vị tại Ngọ Môn, sau đó ra Khu di tích quốc gia thành Tân Sở. Trong khi tại thôn An Cư, xã Triệu Phước, H.Triệu Phong (Quảng Trị), tổ chức lễ rước Bài vị Kỳ vĩ quận công Nguyễn Văn Tường và sẽ nhập cùng đoàn rước Long vị vua Hàm Nghi. Vào sáng 13-7, lễ khánh thành Đền tưởng niệm chính thức được diễn ra. Cùng với đó là nghi lễ an vị Long vị và bài vị vua và các tướng sĩ Cần Vương. Tại đây, cũng sẽ kêu gọi ủng hộ đúc tượng đồng vua Hàm Nghi để cung thỉnh vào đền thờ tự.
Những ngày này, Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ được nhiều người dân đến thăm. Công trình được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc của kinh thành Huế, bao gồm một ngôi đền 5 gian, 2 chái, khuôn viên, hàng rào, sân vườn... Kinh phí được bố trí từ nguồn vốn mục tiêu phát triển của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Quảng Trị, H. Cam Lộ và nguồn xã hội hóa. Và đây sẽ là địa chỉ nhắc nhở chúng ta và thế hệ mai sau về một thời bi hùng lịch sử, tự hào của cha ông chống giặc ngoại xâm.
Thành Tân Sở không chỉ là di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn mà còn là một địa chỉ ghi dấu những sự kiện quan trọng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của dân tộc ta, được khởi công từ năm 1883 đến năm 1885. Tuy là căn cứ xây dựng dã chiến, tạm thời nhưng lẫy lừng nuôi dưỡng những hoài bão lớn về phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sau sự kiện kinh thành Huế thất thủ (đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-7-1885), đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định đưa vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành đi tìm đường cứu nước. Và Tân Sở đã được vua Hàm nghi cùng quần thần chọn là nơi để xây dựng thành căn cứ kháng chiến. Cũng tại đây, ngày 13-7-1885, chiếu Cần Vương đã được ban ra như một bài hịch kêu gọi đấu tranh giành lại giang sơn Tổ quốc.
Tái hiện hào khí "Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương" trong dịp lễ kỷ niệm 125 năm (2010). |
Nhắc đến Kỳ vĩ quận công Nguyễn Văn Tường, bà con Quảng Trị không khỏi tự hào. Nguyễn Văn Tường (1824-1886, quê xã Triệu Phước, H.Triệu Phong), là đại thần phụ chính của nhà Nguyễn. Năm 1853, H.Thành Hóa, thuộc tỉnh Quảng Trị được thành lập, ông được bổ nhiệm làm tri huyện và làm việc ở đó 9 năm. Thành Hóa là một nơi xung yếu, "hậu lộ của kinh đô", chỉ những người được tin cậy mới được giao trọng trách, nhất là trong thời điểm Pháp đã tấn công Đà Nẵng - Gia Định. Năm 1862, ông vào kinh đô Huế giữ chức biện lý Bộ Binh, rồi tiếp tục vào Quảng Nam. Từ 1866 đến 1868, Nguyễn Văn Tường trở lại H. Thành Hóa, với chức trách bang biện, tiếp tục xây dựng căn cứ địa Thành Hóa (Tân Sở về sau).
Năm 1867, mặc dù đang ở H. Thành Hóa, ông vẫn được triều đình và vua Tự Đức điều động vào sứ bộ để vào Gia Định đàm phán với Pháp. Những năm sau đó, ông là một quan văn cầm gươm từng trải trận mạc trên vùng núi phía Bắc, phối hợp tiễu phỉ nhà Thanh. Nguyễn Văn Tường là một trọng thần và có công rất lớn trong xây dựng hệ thống sơn phòng miền núi các tỉnh miền Trung làm căn cứ kháng chiến phòng khi kinh thành Huế thất thủ. Và sau sự kiện đêm ngày 4 rạng ngày 5-7-1885, đại thần Nguyễn Văn Tường được lệnh của bà Từ Dũ và vua Hàm Nghi, đồng thời thực hiện phương án ngăn cản Pháp truy kích xa giá, đã quay lại điều đình, giành giật lại một số điều kiện có lợi cho đất nước.
"Bà con tôi vẫn còn ấn tượng về Lễ hội Cần Vương 10 năm trước, nay lại hòa trong không khí thấm đẫm tri ân, cảm thấy thêm dâng tràn tự hào về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc", chị Nguyễn Thị Liễu (xã Cam Chính) chia sẻ khi đến thăm công trình Đền tưởng niệm.
Bảo Hà