Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du: “Tiếng thơ ai động đất trời”!

Thứ hai, 07/12/2015 09:25

(Cadn.com.vn) - Tối 5- 12, tại Quảng trường trung tâm TP Hà Tĩnh, Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du- Danh nhân văn hóa thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bà Katherine Muller Marin- Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương về dự.

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời

ngàn thu.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru

những ngày.

Hỡi người xưa của ta nay

Khúc vui xin lại so dây

cùng người.

(Thơ Tố Hữu)

Một nghệ sĩ thiên tài, một nhân cách lớn

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du là sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Suốt chiều dài lịch sử văn hiến của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng xuất hiện những bậc hiền tài, anh hùng, hào kiệt, danh nhân làm rạng danh đất nước. Trong đó, Đại thi hào Nguyễn Du với di sản thi ca đồ sộ, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều nổi tiếng không chỉ trong nước mà khắp cả thế giới.

Từ hiện thực sinh động trong thời kỳ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với bao biến động, chế độ phong kiến mục nát suy tàn, nhân dân sống trong lầm than, cơ cực; trải bao thăng trầm dâu bể của thời cuộc, chứng kiến bao cảnh đời trái ngang những khi làm quan, khi đi sứ, khi ở các miền quê; từ mạch nguồn văn phái Hồng Sơn, nối tiếp dòng văn Tiên Điền, Nguyễn Du đã rung động tận tâm can để viết nên những tác phẩm văn chương kiệt xuất. Tiêu biểu như “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”, “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”, “Thác lời trai phường nón”, “Văn tế thập loại chúng sinh” và đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều-tập đại thành của văn học nước nhà. Đại thi hào Nguyễn Du là một nghệ sĩ thiên tài, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một tài năng-Danh nhân văn hóa thế giới. Tên tuổi và di sản của ông để lại với giá trị xuyên thời đại, mãi là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau. Trong ngày lễ trọng đại này, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những đóng góp thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du đối với đất nước và nhân loại; nguyện mãi mãi gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào để lại, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi lễ: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều- đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Hơn 250 năm đi qua, Truyện Kiều và các tác phẩm của ông đã gắn bó với đời sống của nhân dân ta từ Bắc chí Nam, vượt qua biên giới đến với kiều bào ta ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Tư tưởng triết học nhân sinh đã đưa tác phẩm của Nguyễn Du vượt qua thời gian, vượt mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, nhân dân cả nước cũng như người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa vô giá của Nguyễn Du đến các thế hệ mai sau; tích cực giới thiệu, quảng bá tác phẩm của ông đến với công chúng trong nước và nước ngoài, làm rạng danh văn hóa Việt Nam.

Còn với bà Katherine Muller Marin: Tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại. Ở tác phẩm Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO như: liên quan đến khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa... Các tác phẩm của Nguyễn Du chứa đựng tình cảm, lương tri và tình yêu của toàn thể nhân dân Việt Nam, khiến cho ông không chỉ là một kho báu văn hóa dân tộc mà còn được biết đến như người soi sáng nhân loại tới nền hòa bình, tình yêu và lòng khoan dung. Thế giới luôn luôn thay đổi, các tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du cần được gìn giữ và chia sẻ thông qua nỗ lực không ngừng và quảng bá làm cho các thế hệ được biết đến và học tập từ ông.

Một hoạt cảnh trong chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời”.

 “Tiếng thơ ai động đất trời”

 Đan xen trong buổi lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời”. Chương trình do Bộ VH-TT&DL và tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện, NSND Nguyễn Minh Thông, NSƯT Lê Khánh Toàn viết kịch bản văn học, NSND Trần Bình viết kịch bản sân khấu và tổng đạo diễn. Kịch bản nghệ thuật gồm 5 chương, huy động 650 diễn viên, nghệ nhân tham gia diễn xuất.

Mở đầu chương trình là chủ đề “Vùng đất địa linh nhân kiệt- Áo gấm về làng” tái hiện toàn cảnh mảnh đất Hà Tĩnh với núi Hồng sông Lam và hình ảnh chim phượng hoàng tung cánh, những anh hùng hào kiệt qua các thời kỳ. Gắn với sự thành đạt về khoa bảng và quan lộ là truyền thống hiếu học, tôn vinh những con người có công với dân, với nước. Áo gấm về làng đã tái hiện cảnh trăm họ háo hức đón rước các vị khoa bảng về làng.

Chương 2 là những hình ảnh đặc trưng về miền quê mẹ Kinh Bắc- vành nôi của văn hóa quan họ. Kinh Bắc là vùng văn vật ngàn đời hiện lên trên sân khấu nghệ thuật với những con sông, mái đình, cây đa, các liền anh, liền chị hát đối bằng làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh làm xao động lòng người. “Tiếng thương như tiếng mẹ ru" là chủ đề của chương 3, tái hiện các tác phẩm của Nguyễn Du qua các hình thức văn học nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa dân gian từ đọc văn tế, ngâm thơ Kiều, cải lương diễn Kiều, tuồng diễn Kiều, ca trù. “Nguyễn Du viết Kiều- đất nước hóa thành Văn” được thể hiện trong chương 4 với bối cảnh nàng Kiều làm nhân vật trung tâm, tái hiện các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Kiều, từ gia biến, đến sự hy sinh, vào lầu xanh và đoàn tụ. Như lời ca khải hoàn, chương 5 được thể hiện với chủ đề “Khúc vui xin lại so dây cùng người” đã khép lại chương trình nghệ thuật với nhiều ấn tượng, làm đắm say lòng người.

X.S

Sáng 5-12, tại Hà Tĩnh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 blốc do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế với khuôn khổ tem 32x43 mm, blốc 90x90 mm. Mẫu tem là những hình ảnh được khai thác từ chất liệu dân gian về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Xung quanh nền blốc là cốt truyện của tác phẩm bất hủ này.

Trung tâm blốc là tem hình Nguyễn Du đang miệt mài đèn sách trong thư phòng và ấn bản tác phẩm Truyện Kiều bằng chữ Nôm, phía xa là vầng trăng tỏa sáng như tạo thêm chất thơ cho tác giả. Với gam màu ấm vàng và tông nâu hoài cổ, mẫu blốc đưa người xem lùi về thời kỳ quá khứ xa xưa nơi có câu chuyện đã được Đại thi hào tạo dựng nên tuyệt tác Truyện Kiều, tác phẩm kinh điển của Việt Nam.

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng bức tranh bộ tem Nguyễn Du cho tỉnh Hà Tĩnh; Báo Bưu điện Việt Nam trao tặng 1.500 cuốn sách cho H. Nghi Xuân; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tặng Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh bộ tranh tem.