Kỷ niệm 37 năm ngày Giải phóng Quảng Nam và Đà Nẵng: Thượng Đức-mùa thu 1974 (2)

Thứ hai, 26/03/2012 00:00

>> Kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng Quảng Nam và Đà Nẵng: Thượng Đức - mùa thu 1974

Bước ngoặt

(Cadn.com.vn) - 5 giờ sáng 7-8-1974, các trận địa pháo từ xa của ta bắn cầm canh vào tiểu đoàn biệt động quân 79, vừa làm cho địch cố thủ trong hầm ngầm, lô cốt bất ngờ. Khi sương tan, đưa ống nhòm quan sát nhìn thấy lính lố nhố và những lỗ châu mai, chỉ huy ta lệnh cho các cây pháo trên đồi hạ tầm, đồng loạt bắn thẳng vào mục tiêu. Nóng chịu không nổi, Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng bị thương nặng, tự sát, binh lính la ré, kêu cứu, bứt chạy xuống sông, nơi tiểu đoàn 10 của Quảng Đà và quân dân Đại Lộc đã đón lõng... Thiếu tá tiểu đoàn trưởng 79 biệt động quân Hà Văn Lầu và Quận phó Vũ Trung Tín bị bắt sống...

Nhận tin Thượng Đức bị thất thủ, từ Sài Gòn,  Nguyễn Văn Thiệu bay ra để thị sát, rất lo vì biết Đà Nẵng bị uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 10-8-1974, Thiệu lệnh cho tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh sư đoàn dù điều 2 lữ đoàn từ Sài Gòn ra Đà Nẵng "Tái chiếm Thượng Đức''. Dư Quốc Đống huyênh hoang: Nếu không lên đến Thượng Đức xin giải tán binh chủng dù!

Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. 

Ngày 19-8-1974, quân dù triển khai đội hình quyết chiếm các điểm cao 1062, 283, 126. Bộ đội giải phóng Quân khu V và tỉnh Quảng Đà đánh tiêu diệt các đồn Gò Đình, Lộc Quang, Hà Nha, Lâm Phụng, Bàn Tân, Động Hà Sống, tạo thế liên hoàn bảo vệ Thượng Đức từ xa. Bộ tư lệnh Sư 304 chuyển quân sang phòng ngự đánh phản kích. Khi quân chủ lực của ta chống lấn chiếm không cho 2 lữ đoàn dù chiếm được điểm cao 1062-nơi quân địch hy vọng chiếm được sẽ tái chiếm Thượng Đức, thì tướng Nguyễn Chánh nhận lệnh của Khu ủy V ra Hà Nội báo cáo tình hình, xin ý kiến của Trung ương. Sau khi gặp tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ, tướng Nguyễn Chánh được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn mời cơm trưa.Vừa ăn, tướng Nguyễn Chánh trả lời những câu hỏi của Bí thư thứ nhất:

-Sao, đánh Thượng Đức giỏi đó. Liệu có giữ được không?

-Dạ, giữ được, nhưng phải nhờ Trung ương chi viện phương tiện.

-Anh nhận định lực lượng địch như thế nào?

-Báo cáo anh. Đây là chiến dịch có tính cách cục bộ, địa phương, trên một địa bàn chiến lược thôi. Ta mới dùng một lực lượng không lớn lắm, xáp mặt với chủ lực địch. Đánh thắng và đánh khá giằng co.

Đang ngồi chú ý nghe tướng Nguyễn Chánh báo cáo chủ lực địch đưa quân tổng dự bị chiến lược ra phản kích và đang bị chủ lực ta cầm chân, Bí thư thứ nhất bỗng đứng dậy, nhìn tướng Nguyễn Chánh, hồ hởi:

- Nè, tôi nói cho các anh biết. Khu Chín đánh giỏi. Các anh đang đánh rất giỏi. Những trận đánh thắng vừa qua ở miền Nam trả lời cho suy nghĩ của tôi ba tháng nay.

-Thưa anh Ba...

Tướng Nguyễn Chánh định hỏi suy nghĩ gì thì, Bí thư Lê Duẩn nói:

- Giải phóng miền Nam!

Nghe mấy từ đầy khát khao giải phóng miền Nam, tướng Nguyễn Chánh mừng quá, không chút đắn đo, hỏi:

- Khi nào, thưa anh Ba. Bảy lăm hay bảy sáu?

-Khu V định thế nào? Bí thư Lê Duẩn hỏi lại và cười.

-Khu V thì quyết tâm giải phóng. Nhưng cũng phải do trên.

Cơm nước xong, Bí thư Lê Duẩn nói với tướng Nguyễn Chánh:

- Anh lo về ngay. Mời anh Năm Công và anh Hai Mạnh ra họp...

Lúc bấy giờ Thường vụ Khu ủy V đang họp ở Phước Trà-Phước Sơn.

Khi quân giải phóng cắm lá cờ chiến thắng do đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 phất phới tung bay trên bầu trời cứ điểm Thượng Đức, đưa trên 13 ngàn dân thoát khỏi các khu dồn ra vùng giải phóng thì cuộc giao chiến chống quân lấn chiếm trở nên khốc liệt, kéo thêm gần bốn  tháng trời, trong mùa mưa gió. Đến ngày 20-12-1974, sư đoàn dù ngụy mang đầy thương tích đã phải rút quân, không những không lấy lại được Thượng Đức, mà đành bỏ ngỏ cánh cửa thép án ngữ phía tây Đà Nẵng, còn bị quân của Sư đoàn 304 bám sát gót truy kích...

 Quang cảnh lễ kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Thượng Đức.

Sau ngày hòa bình, người Đại Lộc đã dựng một tượng đài chiến thắng Thượng Đức để nhớ ơn chiến sỹ, cán bộ và nhân dân đã đóng góp công của và máu xương để làm nên một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược.

Ngày nay, Thượng Đức là một điểm cao xanh màu cây soi mình xuống dòng sông Côn của làng Hà Tân nhộn nhịp người xe, sầm uất bán mua. Người Thượng Đức-Hà Tân, người Đại Lộc đang không ngừng phát huy truyền thống và sức mạnh của chính mình, khai thác mọi tiềm năng làm giàu cho cuộc sống của nhân dân, làm giàu thêm kho tàng truyền thống văn hóa để có một Đại Lộc giàu và đẹp, không phụ những tình cảm quý báu, những máu xương và những hy sinh mất mát của hôm qua cho đất này.

Hồ Duy Lệ