Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973 - 27-1-2013): Hiệp định Paris 1973, dấu ấn không phai mờ

Thứ sáu, 25/01/2013 00:00

>>  Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973 - 27-1-2013): Hiệp định Paris 1973, dấu ấn không phai mờ

* Bài 2: Cuộc chiến giữ cờ

(Cadn.com.vn) - Nằm sát quận lỵ Ái Nghĩa và đồn Giao Thủy, Lộc Hưng (nay thuộc xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam) là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, phong trào nhân dân du kích chiến tranh ở đây phát triển khá mạnh. Được cấp trên thông báo Hiệp định Paris có hiệu lực vào lúc 24 giờ (giờ GMT) ngày 27-1-1973 tức 8 giờ ngày 28-1-1973 (giờ Sài Gòn), trong đêm 27 rạng ngày 28-1, ta đã tổ chức treo xong cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng dọc tuyến đường 100 (nay là tuyến ĐT 609) và tuyến đường 104 (nay là tuyến ĐT 609B) đi qua địa bàn xã và các thôn, xóm để khẳng định đây là vùng giải phóng. Đề phòng địch lấn chiếm, ta bố trí tuyến mìn đánh bộ binh xen kẽ các chốt và một bãi mìn đánh xe tăng ở Bàu Mèo (Giáo Đông). Chiến sĩ ở các chốt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Khoảng 5 giờ 30 ngày 28-1, 5 trung đội nghĩa quân địch kéo đến treo cờ ngụy quyền Sài Gòn trước các chốt của ta. Còn đại đội 117 địa phương quân từ  đồn Ái Nghĩa hành quân đi Giao Thủy kiểm soát việc treo cờ dọc theo tuyến đường 104. Không ngờ đi đâu cũng gặp cờ ta, chúng cay cú gọi pháo binh bắn cấp tập phá cờ và điên cuồng tấn công vào các chốt, đặc biệt là chốt Giáo Tây (chốt chỉ huy). Theo quy định, quân đội và cờ của mỗi bên ở đâu thì được công nhận quyền kiểm soát ở đó. Như vậy, về nguyên tắc, vùng địch tạm kiểm soát chỉ còn gói gọn ở khu vực chi khu quận lỵ và đồn Ái Nghĩa mà thôi. Vấp phải bẫy mìn ngụy trang, nhiều tên bị thương vong. Thời gian này, do chưa đến giờ thi hành Hiệp định nên hai bên đánh trả quyết liệt để giữ từng cột cờ.

Đúng 8 giờ, lệnh ngừng bắn theo Điều 2 của Hiệp định Paris có hiệu lực, ta chấp hành nghiêm chỉnh song địch vẫn tiếp tục tấn công và quyết phá cho bằng được phường môn ta dựng tại Giáo Tây để đón phái đoàn quốc tế đến giám sát ngừng bắn. Xã đội trưởng Võ Đình An, trực tiếp chỉ huy chốt Giáo Tây, chụm tay thành loa liên tục kêu gọi đối phương ngừng bắn và yêu cầu chỉ huy hai bên gặp nhau để nói chuyện. Mãi một lúc sau, địch mới chấp thuận. Hai bên thống nhất: mỗi bên cử đi 2 người và vị đại diện phải là người chỉ huy cao nhất; khi đi không được mang vũ khí mà chỉ mang cờ; địa điểm nói chuyện là khoảng giữa hai bên đóng quân, tức ở dốc đình Giáo Tây, cách đường 104 chừng 100m.

 Nguyên Xã đội trưởng Võ Đình An xác định nơi diễn ra cuộc nói chuyện 40 năm trước.

Được Bí thư chi bộ Dương Thành đồng ý, Xã đội trưởng Võ Đình An và Trưởng Ban đấu tranh chính trị Nguyễn Tôn (tức Nhân) cùng thực hiện một nhiệm vụ chưa có tiền lệ và cũng rất nguy hiểm này. Lúc 9 giờ, đại diện hai bên đồng loạt xuất phát. Đi một đoạn, phát hiện cán cờ ta ngắn hơn cán cờ địch, hai đồng chí ta cơ động nhanh đến gò mả cao để cắm cờ và đứng ở đó chờ đối phương. Trong lúc đó, tên đại đội trưởng và một lính truyền tin chậm chân hơn phải cắm cờ ở dưới ruộng, thấp hơn gò mả chừng nửa mét. Xã đội trưởng chủ động giơ tay trái cho y bắt. Sau màn chào hỏi, tên đại đội trưởng vào đề vẻ mặt căng thẳng: “Nói gì thì nói chứ các anh không được nói chuyện chính trị với lính tôi đó nghe!”. Xã đội trưởng ôn tồn: “Trước khi nói chuyện, tôi yêu cầu anh lệnh lính truyền tin báo thượng cấp chấm dứt ngay việc bắn pháo vào vùng giải phóng. Thứ hai, chúng tôi và các anh đều là máu đỏ, da vàng. Ta nói chuyện với nhau về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, về lẽ phải chứ cần gì nói chuyện chính trị”. Không để y kịp trả lời, Xã đội trưởng tiếp lời: “Tôi đề nghị anh cho binh sĩ toàn đại đội được gặp, nói chuyện với chúng tôi, mỗi lần 5 người để họ làm chứng cho anh là đại diện Quân giải phóng và Mặt trận không nói chuyện chính trị. Có rứa Quận trưởng mới không quở phạt anh được!”. Thấy có lý, y đồng ý ngay.

Cuộc nói chuyện kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ. Đại diện bên ta tận dụng cơ hội quý báu này để tuyên truyền cho binh lính địch về nội dung của Hiệp định Paris, về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và khuyên răn: “Các anh đều là người Việt Nam, máu đỏ, da vàng. Hãy tuân thủ nghiêm túc Hiệp định Paris, đừng nên nghe lệnh chỉ huy giết hại dân lành mà có tội với đồng bào, với dân tộc”. Từng tốp lính im lặng lắng nghe. Đại diện bên địch buộc phải thừa nhận nơi nào có quân đội và cờ Giải phóng là thuộc vùng kiểm soát của ta.

Điều khá thú vị nữa là tin cuộc nói chuyện phút chốc lan nhanh, lan xa. Nhân dân các thôn ùn ùn kéo đến đông nghẹt. Có cả đông đảo hành khách đi trên các xe khách tuyến Đà Nẵng- Đức Dục cũng ùa xuống tham dự. Ta nhanh chóng biến cuộc gặp mặt hai bên thành cuộc mít-tinh đề cao chính nghĩa của Cách mạng, hạ uy thế địch. Hình ảnh lá cờ Giải phóng phấp phới bay cao hơn cờ địch đã tác động mạnh đến cử tọa. Mọi người không ngớt vỗ tay, hoan hô đại diện Quân giải phóng.

Sau cuộc nói chuyện, địch lui quân về khu vực đồn Chợ Cá cũ và cả buổi chiều hôm ấy không tổ chức đánh phá nữa. Thấy dấu hiệu bất thường, Xã đội trưởng nhận định: “Chắc chắn Quận trưởng Đại Lộc không dễ dàng chịu thua, y sẽ tìm cách trả đũa. Tình hình im ắng như vầy có khả năng địch nghi binh. Chúng có thể lợi dụng đồng mía, đi từ đồn Chợ Cá theo hướng xóm Ấp Bắc đến Trường Tiểu học Lộc Xuân cũ để bọc hậu đánh úp chốt Giáo Tây”. Ban chỉ huy Xã đội quyết định tổ chức đón lõng tại khu vực Trường Tiểu học Lộc Xuân cũ. Lực lượng chủ yếu là của chốt Giáo Tây (4 chiến sĩ) và có bổ sung thêm quân số của các chốt còn lại. Vũ khí cũng được tăng cường, gồm 1 khẩu B 40, một khẩu B 41, 3 súng AK, 2 súng AR 15 (là chiến lợi phẩm thu được của địch). Các chiến sĩ được lệnh đào gấp công sự dã chiến để hạn chế thương vong.

Chập choạng tối, lực lượng cảnh giới báo tin: trong đồng mía có tiếng xì xào và cả tiếng mía cây bị gãy. Địch đang dẫn xác đến trận địa phục kích của ta. Chúng còn đặt cả súng đại liên M60 trên thành mả Tổ tộc Văn Quý nhắm thẳng về hướng chốt Giáo Tây chuẩn bị nhả đạn. Rõ ràng địch đã cố tình vi phạm Hiệp định Paris. “Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ”, quyết chặn bàn tay tội ác của chúng lại, lệnh nổ súng được ban ra. 4 quả đạn B 40, B 41 đồng loạt trúng mục tiêu. Các súng tiểu liên liên tiếp tấn công ở tầm thấp. Quá chủ quan, địch chống trả yếu ớt: 21 tên bị tiêu diệt, 10 tên bị thương, khẩu đại liên M 60 bị phá hủy. Lực lượng trực tiếp chiến đấu của ta không có thương vong nào.

40 năm đã đi qua, chiến trường xưa giờ hầu như không còn để lại dấu vết gì ngoài đồng lúa xanh lộng gió. Thiết nghĩ, cần sớm có một bia chiến tích tại đây ghi nhớ cuộc nói chuyện pháp lý và tiếp sau đó là chiến công xuất sắc của lực lượng du kích xã Lộc Hưng ngày đầu thực thi Hiệp định Paris. Đây là hành động thiết thực để giáo dục truyền thống cách mạng, trân trọng và và tôn vinh một thời đánh giặc hào hùng của bao lớp cha anh.

Phan Văn Trình
(còn nữa)

(Viết theo lời kể của đồng chí Võ Đình An,
nguyên Xã đội trưởng Lộc Hưng và các tư liệu khác)