Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam Việt Nam 10-8 (1961-2023): Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ năm, 10/08/2023 08:15
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả do nó gây ra thì vẫn còn hằn sâu lên các thế hệ hôm nay, trong đó có những nạn nhân của chất độc da cam. Nỗi đau da cam là nỗi đau không của riêng ai mà là nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tri và trách nhiệm của mọi người.
Hơn 20 năm qua, bà Võ Thị Nhâm (trú Bồ Bản, xã Hòa Phong) luôn túc trực, chăm sóc những đứa con bị phơi nhiễm CĐDC.
Ông Tô Năm - Chủ tịch Hội NNCĐ da cam/dioxin TP Đà Nẵng tặng quà Tết Qúy Mão 2023 cho nạn nhân chất độc da cam.

Đeo đẳng “bóng ma” thời hậu chiến

Đà Nẵng hiện có hơn 5.000 người nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó 1.400 trẻ em, có 2.476 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 815 người là con cháu của họ và trên 13.078 người dân nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, chỉ riêng Hòa Vang hiện có hơn 900 trường hợp bị phơi nhiễm CĐDC, phần lớn là nạn nhân gián tiếp đang phải gánh chịu nỗi đau này…

Cựu binh Trần Văn Hòe (trú Hương Lam, xã Hòa Khương) trải lòng: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại vùng biên giới Kon Tum - Ratanakiri (Campuchia), ông về quê lập gia đình với bà Ngô Thị Tình và sản phẩm kết tinh từ tình yêu của vợ chồng ông là cháu Trần Thị Hương. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ chưa tày gang thì lên 4 tháng tuổi, cháu Hương có nhiều biểu hiện khang khác với những đứa trẻ cùng trang lứa. Đưa con đi khám chữa bệnh nhiều nơi nhưng bệnh tình của cháu vẫn không thuyên giảm. 3 năm sau, vợ chồng anh sinh thêm cháu Trần Thị Nhân. Song, niềm khao khát có một đứa con lành lặn lại không thành hiện thực, bé Nhân ngày càng giống chị... Mãi đến sau này, trải qua nhiều công đoạn xét nghiệm, vợ chồng ông mới biết, các con mình bị di chứng CĐDC và đang trong giai đoạn phơi nhiễm. Hằng ngày, vợ chồng ông phải thay nhau chăm sóc con trong sự túng quẫn về kinh tế. Trước hoàn cảnh đó, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động, hỗ trợ giúp gia đình ông xóa nhà tạm…

Tương tự, ông Phạm Xong (trú An Trạch, Hòa Tiến) cũng là bộ đội xuất ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, ông về quê lập gia đình. Cứ ngỡ niềm hạnh phúc dung dị của người thôn quê rất dễ tìm thấy, nhưng với vợ chồng ông sao quá đỗi xa vời. 3 đứa con của vợ chồng ông sinh ra suốt ngày nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có người túc trực chăm lo. Tài sản trong nhà cứ thế mà lần lượt ra đi... “Những năm tháng ở chiến trường Campuchia, cái chết luôn rình rập nhưng tôi chẳng hề biết run sợ. Vậy mà giờ đây, tôi lại thấy sợ cái “bóng ma” thời hậu chiến đã đeo bám gia đình tôi và đồng đội tôi hàng chục năm trời” - ông Xong ngậm ngùi. Cùng cảnh ngộ, bà Võ Thị Nhâm (trú Bồ Bản, xã Hòa Phong) cùng chồng là cựu binh Tán Đồng từ chiến trường biên giới Tây Nam trở về, sinh con ra cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chẳng biết đã bao lần, bà phải ép nước mắt chảy vào trong khi nhìn những đứa trẻ khác trong thôn tung tăng cắp sách đến trường, trong khi đó con mình thì… Niềm vui nhỏ nhoi ấy quá đỗi bình thường với bao người mẹ, nhưng với bà là cả một ước mơ không có ở đời thường. Mỗi lần cho con ăn uống, sâu thẳm từ đáy lòng là sự xót xa của người mẹ. Đeo đẳng chăm sóc con đau ốm, tâm can bà Nhâm như bị ai cào xé…

Được biết, trong tổng số gia đình có nạn nhân phơi nhiễm và nghi nhiễm CĐDC hiện nay, Hòa Vang có khoảng 50% gia đình thuộc diện khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu từ nguồn trợ cấp xã hội. Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, huyện còn triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế cải thiện đời sống và trợ cấp, trợ dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, thông qua các cấp Hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm cho những đối tượng có khả năng lao động…

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng được sự quan tâm của lãnh đạo của Trung ương Hội và thành phố, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và các tổ chức quốc tế luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ bằng nhiều hành động thiết thực vào các dịp lễ, Tết và ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8) hằng năm. Thông qua nhiều chương trình hoạt động thiết thực, Thành Hội Đà Nẵng đã kết nối nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước luôn đồng hành sẻ chia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Hơn 20 năm qua, bà Võ Thị Nhâm (trú Bồ Bản, xã Hòa Phong) luôn túc trực, chăm sóc những đứa con bị phơi nhiễm CĐDC.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Thành Hội cùng các cấp Hội đã kêu gọi vận động, tổ chức tặng hơn 6.111 suất quà với tổng số tiền 3 tỷ 980 triệu đồng; trợ dưỡng thường xuyên cho 45 người, với số tiền gần 148 triệu đồng; trao 7 suất học bổng với số tiền 33 triệu đồng; cấp 14 chiếc xe lăn với số tiền 42 triệu đồng; đầu tư sửa chữa nâng cấp hạ tầng các cơ sở hạ tầng Trung tâm; xây dựng nhà làm hương, với tổng trị giá cho Trung tâm hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt Hội duy trì việc nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề, dạy học, phục hồi chức năng cho 110 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm với chi phí trên 750 triệu đồng; tổ chức xông hơi giải độc cho nạn nhân chất độc da cam được 17 trường hợp. Ngoài ra Hội còn hỗ trợ sinh kế, khám bệnh, đột xuất cho nạn nhân chất độc da cam...; tổng số tiền Thành Hội Đà Nẵng hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam là 5 tỷ 451 triệu đồng. Ngoài ra các cấp Hội còn chủ động kêu gọi, vận động nhiều nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam có hiệu quả, mang lại niềm vui và đời sống cho nạn nhân chất độc da cam ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, năm 2023, được Ban Dân vận Trung ương cho phép, Thành hội Đà Nẵng đã tổ chức phát động chương trình Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” từ ngày 1 đến 31-8-2023 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin, đồng thời khơi dậy lòng nhân ái, sự sẻ chia của toàn xã hội, vận động tham gia ủng hộ về tinh thần, vật chất giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin thành phố khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tại chương trình này đã kêu gọi vận động được với số tiền 3,7 tỷ đồng

Kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam Việt Nam 10-8(1961-2023) và hưởng ứng tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023 từ ngày 1-8 đến ngày 31-8 là dịp để chúng ta khơi dậy lương tâm và trách nhiệm, lòng nhân ái của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam; đồng thời cổ vũ, động viên, lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”,“Lá lành đùm lá rách”; với mục đích “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Vy Hậu - Thanh Lành

Tại Việt Nam, có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân chất độc da cam thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 và thứ 4 đang sống cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò…