Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Phan Châu Trinh (15-9-1952-15-9-2022): Tìm lại để đừng quên

Thứ ba, 13/09/2022 08:38
Bạn và tôi, chúng ta đang đứng ở sân trường thân yêu có từ 70 năm trước. Trên khoảng sân trường ấy, cây cỏ hẳn đã đổi thay phòng học, hành lang, mái hiên, cổng trường đều ít nhiều khác lạ. Cảnh vật đổi thay nhưng tôi tin có một thứ chẳng hề thay đổi, chẳng hề xa lạ với chúng ta- những cô bé cậu bé học trò mang trên ngực áo chiếc bảng tên thân quen này: Đó là khung trời nhìn ra từ lớp học, nơi những cành bàng còn đẫm sương đêm xuyên qua tán lá ấy, đập vào mắt chúng mình là đám mây trắng lững lờ trên cao. Đó là màu nắng mới của những sáng đầu tuần chúng ta đứng tề chỉnh chào cờ trong sân trường hay những sớm mai xếp hàng ngay ngắn trước lúc vào lớp. Đó là nỗi rạo rực bâng khuâng của tuổi trẻ vừa háo hức vừa hồi hộp bước vào giờ học với biết bao điều mới lạ đón chờ.
Sân trường, ghế đá, cây bàng bao mùa thay lá trong sân trường lưu dấu kỷ niệm của bao thế hệ thầy trò Trường THPT Phan Châu Trinh.
Tác giả- Luật sư Đỗ Pháp

Chẳng hề thay đổi cái không gian ấy dù năm tháng cứ dài ra - không gian làm nên một học hiệu với các giá trị tưởng vô hình nhưng luôn hữu hình gần gũi. Không gian ấy ngự trị tâm hồn chúng ta, trong nỗi háo hức bước vào năm học mới, trong những ngày sửa soạn hành trang và tâm thế đón nhận cái mới cho trí tuệ, tình cảm và cả nghị lực vào đời. Không hề suy suyễn giá trị vô hình mà hiển hiện trong ký ức và đời sống hiện giờ của mỗi chúng ta - giá trị mang tên Phan Châu Trinh, giá trị của một ngôi trường nuôi dưỡng, dắt dìu và nâng bước bao thế hệ.

Ngang qua cổng trường những ngày này, lấp lánh đập vào mắt chúng ta dòng chữ “Tự hào là học sinh Phan Châu Trinh”. Tôi đọc dòng chữ ấy với tâm thế tiếp nhận lời nhắc nhở rằng, hãy xứng đáng với chiếc bảng tên mà mình từng mang trên ngực áo mấy năm ròng. Nhưng lòng tự hào sẽ chẳng mang ý nghĩa, chẳng khơi gợi giá trị tinh thần nào nếu nó chỉ dừng lại ở trạng thái kiêu căng, hãnh tiến, nếu chỉ ru rú trong nỗi tự phụ về một một quá khứ đèn sách có thể đã ngủ quên trong những chồng vở cũ nằm lăn lóc trong xó góc rêu mốc. Chắc chắn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng “tự hào Phan Châu Trinh” xa lạ với sự kiêu căng, trịch thượng, thiếu thân thiện. Niềm tự hào ấy tất yếu phải dung dị, hòa ái trong ý hướng vươn tới cái mới và trên tinh thần hợp tác, sẻ chia. Bởi lẽ, ngay trong không gian này, dưới các phòng lớp thân yêu nồng mùi phấn trắng và hương thơm của tuổi học trò này, chúng ta đã làm quen với tinh thần tôn trọng các giá trị làm người và được cổ vũ khuyến khích không ngừng học hỏi tìm đến cái mới nhằm khai sáng tâm hồn, mở mang trí óc và nung nấu khí chất, phẩm hạnh con người thời đại. Cả trăm năm rồi mà chủ trương “Chi bằng học” cùng tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của chí sĩ Phan Châu Trinh hãy còn sinh động giá trị thời đại, không riêng trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc mà cả trên bình diện toàn cầu, không riêng trong thời bình gắn kết mà cả vào lúc chiến tranh, ly loạn. Nó như một nguyên tắc chính yếu dẫn con người tìm đến hạnh phúc cho bản thân, gia đình, dân tộc và cả cộng đồng.

Hình ảnh trường THPT Phan Châu Trinh những năm đầu mới thành lập.

Có một thực tế đáng để mỗi chúng ta thấy lòng vui: Không chỉ là một ngôi trường đào tạo học sinh ở bậc học THPT, trường Phan Châu Trinh qua nhiều thế hệ đã là hạt nhân chính góp phần hình thành, nuôi dưỡng môi trường văn hóa, trở thành nhân tố tạo dựng, bồi bổ phần hồn giàu bản sắc, thấm đượm truyền thống của đất Quảng. Từ nơi đây trưởng thành và ra đời nhiều thế hệ trí thức, nhân sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Cùng với các cơ sở giáo dục khác trong vùng, học hiệu Phan Châu Trinh đi đầu trong việc đào tạo, hun đúc phẩm chất, tri thức, năng lực nền tảng cho công dân thuộc nhiều thế hệ, tạo dựng bước đi đầu tiên để cung cấp cho xã hội những công dân chân chính, ngay thẳng, lành mạnh. Đừng ngạc nhiên khi nhắc đến Đà Nẵng, Quảng Nam, người ta thường nhắc đến học hiệu Phan Châu Trinh và cũng vậy, những học trò đi ra từ mái trường này - bằng năng lực và nếp sống của mình - lắm lúc gợi cho khách phương xa sự liên tưởng về ngôi trường giàu truyền thống mang tên nhà yêu nước ra đời và trưởng thành ngay ở xứ sở này.

“Tự hào Phan Châu Trinh”, vì thế, không còn là báu vật riêng có của những ai từng ngồi dưới mái trường này mà còn là niềm rung cảm gần gụi, nỗi thao thức chung của con dân đất Quảng, con dân đất Việt. Lan tỏa niềm tự hào ấy rộng hơn, xa hơn, biến nó thành các giá trị thực chất làm cuộc sống chúng ta ngày nay an hòa, tươi đẹp hơn chính là một thôi thúc giàu ý nghĩa đối với các thế hệ học trò lớn lên từ mái trường này.

Cùng với các bạn, tôi trở lại trường của chúng ta hôm nay với biết bao xúc cảm khi được sống trong không gian xưa, rưng rưng bên hình ảnh các thầy cô hiếm hoi còn vất vả chống cự với bệnh tật và tuổi già, tay bắt mặt mừng với bao bạn cũ giờ cũng tóc bạc da nhăn. Bên cạnh họ, sống cùng họ trong khoảnh khắc quý giá này, tôi tìm thấy mình năm xưa, cậu học trò ngoại ô lần đầu đứng ngơ ngác trước cổng trường phía đường Lê Lợi trong ngày nhập học. Tìm thấy tôi - chàng trai 16, 17 tuổi băn khoăn, thao thức trước ngưỡng cửa vào đời cùng bao giục giã, thách thức trước vận nước khi mà kỳ thi tú tài đã cận kề. Tìm thấy tôi cả trong những khoảnh khắc xao xuyến, hoang mang với bao hoài bão, lãng mạn của tuổi trẻ.

Sân trường, ghế đá, cây bàng bao mùa thay lá trong sân trường lưu dấu kỷ niệm của bao thế hệ thầy trò Trường THPT Phan Châu Trinh.

Khoảnh khắc này đưa tôi trở lại thời thanh xuân trai tráng, trở lại với khát vọng học tập để phụng sự hiến dâng. Trong mắt tôi bây giờ vẫn khoảng trời xanh mây trắng ngày nào của hơn 50 năm trước; trong tai tôi còn vang động tiếng giảng bài của thầy cô trong lớp, tiếng chuông báo giờ ra chơi, tiếng líu lo, ríu rít gọi bạn trên hành lang vào giờ học và cả cái dáng lầm lụi cần mẫn của bác cai trường…

Cũng chính khoảnh khắc này, về bên các bạn, hòa cùng các bạn thuộc đủ mọi thế hệ đồng môn, tôi nhận ra niềm hạnh phúc tìm lại chính mình, trở về với một quãng đời hồn nhiên, trong trẻo, với các giá trị thanh tân hàm dưỡng từ mái trường thân yêu. Và tôi hiểu cuộc trở về nhiều xúc cảm này đang thúc giục bản thân tôi phải góp tay gìn giữ các giá trị truyền thống ngôi trường của chúng ta, trân quý và làm giàu thêm tinh thần, phẩm chất của học hiệu Phan Châu Trinh.

Để mai này, không riêng 70 năm mà là 170 năm, 270 năm và xa hơn nữa, con cháu chúng ta lại có dịp đứng ở khoảng sân này, dưới những tán bàng thân yêu nhìn lên khoảng trời xanh mây trắng trên cao…

Luật sư Đỗ Pháp

(Trưởng Ban Liên lạc Cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh)