Ký sự Đà thành (Kỳ 2: Đà Nẵng cuối thế kỷ XIX)
Ngay từ khi đến Đà Nẵng, Toàn quyền Paul Doumer có lẽ đã đến khảo sát rất kỹ cảng Tiên Sa và ông đã đến đồi Hài cốt của liên quân Pháp- Tây Ban Nha đã bỏ mình tại đây nửa thế kỷ trước sau khi thất bại trong việc tấn công Đà Nẵng. Ông cho rằng "Mù mờ về địa hình ven biển, liên quân (Pháp- Tây Ban Nha) đã chọn một vị trí đóng quân tệ hại đến mức không thể tệ hại hơn ở bán đảo Tiên Sa... Chiếm Đà Nẵng để tiến công ra Huế thật sự là một sự điên rồ... Những người lính của Hoàng Đế An Nam không ngu xuẩn đến độ thay đổi vị trí (đèo Hải Vân) mà ở đó họ không bị nguy hiểm gì và thời gian đang ủng hộ họ... Đơn vị liên quân bị tơi tả bởi những chứng bệnh nhiệt đới khủng khiếp... Mỗi ngày quân triều đình lại thắng một trận mà không phải ra quân. Nghĩa trang mà chúng ta thấy (ý nói Đồi hài cốt) đã đủ nói lên những tổn thất cả chúng ta...". Ngoài những bình luận ngắn ngủi về chiến trận như trên, Paul Doumer hầu như đã có nhiều đoạn mô tả một Đà Nẵng cuối thế kỷ XIX khá sinh động.
Một góc Đà Nẵng năm 1859. |
Trong khi vào năm 1897, Huế chỉ có một chức năng là phục vụ hoàng gia và các thành viên và không mấy náo nhiệt thì Đà Nẵng khá hơn khi bước vào phía nam đèo Hải Vân. Theo Đại Nam chính biên thực lục, năm 1809, Gia Long ra lệnh cho dân làm đường từ Huế đến đèo Hải Vân, rộng đến 3 trượng (tức 12m) và có trồng các loại danh mộc, nhất là cây mù u (nam mai mộc) ở hai bên. Nhưng con đường đến Đà Nẵng từ phía Bắc đến Liên Chiểu vẫn là một thách đố của các chuyến đi... Khi Paul Doumer đi đường bộ vượt Hải Vân đến ngôi làng Liên Chiểu, tại đây đã có một tuyến đường sắt dài 15 km đi vào thành phố và cả tàu của nha thuế vụ. Ông đã xuống ngựa để tiếp tục hành trình vào nội thị...
Xe lửa chạy bằng máy hơi nước do một cựu sỹ quan Thủy quân Pháp lái chạy dọc bờ biển. Đà Nẵng là nhượng địa được đặt dưới sự cai quản của một phủ Công sứ, một số nhỏ cơ quan chính quyền như Nha Thuế vụ và Bưu điện, đồn bộ binh và sở cảnh sát. Một bệnh viện được xây dựng trên một pháo đài cổ gần biển "thật thoáng mát, sạch sẽ và thoải mái" và một phòng Canh nông và Thương mại Trung kỳ. Ở Đà Nẵng tuy dân cư còn thưa thớt, nhưng lúc đó đã có một chủ trang trại trồng chè tên là Lombard, trồng và chế biến chè bán đi châu Âu, một hãng vận tải biển của ông chủ Berttrand, mỗi tuần hai chuyến gởi hàng đi Sài Gòn và Hải Phòng. Paul Doumer cho biết Đà Nẵng cũng có một luật sư và một dược sĩ kinh doanh thuốc, nhưng cả hai đều than phiền ít khách hàng! Cảng Đà Nẵng rất thô sơ, giao thông nối liền cảng với đất liền đã bị các dãy núi chắn ngang gây bất lợi cho trao đổi hàng hóa... Paul Doumer tỏ ra không đồng tình với sự phát triển mà đáng lẽ ra nó phải có sau 10 năm trở thành nhượng địa...
Ga chợ Hàn vào thế kỷ XIX. |
"Năm 1897, Đà Nẵng hiện ra thật nghèo nàn với một hiện thực đáng buồn. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, khoảng 12 ngôi nhà theo phong cách Châu Âu, một ngôi làng đặc trưng miền Trung với những túp lều tranh tre. Tất cả như những dấu chấm trên biển cát bao la. Thành phố buồn. Không đường. Không cây cối, không vườn, không bến sông. Chỉ có những cây keo và một vài bức tường sắp đổ!...Để đi từ sông ra bến tàu, người ta sử dụng ghe hoặc thuyền và phải đi qua một con kênh. Đó là một quãng không dễ dàng gì...". Từ khi nhận nhiệm vụ ở Đông Dương, Paul Doumer đã đánh giá vịnh Đà Nẵng khá quan trọng. "Đó là cửa ngõ của Trung kỳ mở ra thế giới, để tận dụng lực đẩy kinh tế mà các nước văn minh đem lại. Cần phải làm gì để thúc đẩy sự chây ỳ để tạo ra sự đột phá về tầm nhìn vốn đang gây trì hoãn vô thời hạn sự phát triển và ngăn cản dòng chảy hàng hóa vào đây!", ông viết. Trên cái nền mà Paul Doumer đã mô tả đó, có thể một phần do cái nhìn của một quan Toàn quyền, đã không thể hiện được cuộc sống và tư tưởng của cư dân bản địa lúc đó mà chúng ta đã biết từ những sách vở trong nước. Chỉ biết, có lúc ông đã đổ tất cả trách nhiệm về sự phẫn nộ của dân chúng An Nam với chế độ thực dân là do các quan An Nam đã đánh sưu cao thuế nặng và hà hiếp dân chúng.
Tuy vậy, qua hồi ký Đông Dương, Paul Doumer lại có đoạn mô tả hoạt động kinh doanh của người Trung Hoa ở Đà Nẵng khá sinh động. Ngoài một chiếc sà-lúp thỉnh thoảng chở người (phần lớn là quan và lính ) hoặc hàng hóa ra Huế bằng đường biển khi thời tiết thuận lợi, còn có một thương nhân mang tên A Tac rất bí ẩn. Anh này từ Quảng Châu sang, trà trộn với Hoa kiều đưa hàng hóa ra tận Tiên Sa để bán cho lính liên quân Pháp- Tây Ban Nha từ những năm 1859-1860 bằng cách "xoay xở" mọi kiểu từ quan hệ đến hàng hóa, vốn liếng và sự khéo léo. Sự hiện diện của một người Trung Hoa thời đó ở Đà Nẵng đã được Paul Domer ghi lại: "Câu chuyện về A Tac, sự táo bạo và khéo léo của anh ta, thậm chí cung ứng cho anh ta những món hàng mà anh không có tiền mua- đó là toàn bộ câu chuyện về thương mại của người Hoa ở Viễn Đông. A-Tac là người mà ta có thể tìm thấy hàng nghìn dọc tuyến đường từ Thiên Tân đến Singapore...". Câu chuyện A-Tac và vai trò thống trị kinh tế của người Hoa không chỉ có ở riêng Đà Nẵng mà còn cả nền kinh tế của miền nam cho đến năm 1975.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Kỳ tới: "Từ Cảng Tourane đến tư duy liên vùng"