Ký sự Đà thành (Kỳ 6: Những ngôi trường kỷ niệm)

Thứ bảy, 18/11/2017 12:01

Tôi ra Đà Nẵng khi học xong bậc tiểu học và lần lượt vào học các trường Bồ Đề, Phan Châu Trinh, Sao Mai suốt thời Trung học. Sau khi tạm trú ở đường Hoàng Diệu mấy tháng, cha tôi mua lại một ngôi nhà ván lợp tôn ở đường Cô Bắc. Những con đường đi bộ từ nhà đến các trường học đã trở nên thân thuộc với tôi suốt tuổi hoa niên...

Một góc phố Đà Nẵng xưa.

Những con đường cây dài bóng mát  

Mỗi buổi sáng, bọn tôi mỗi đứa ăn vội một gói xôi bắp của bác hàng xóm rồi rủ nhau lội bộ đến trường. Từ đường Triệu Nữ Vương đi qua Hùng Vương (Rue de la Republique thời Pháp), Ngô Gia Tự  (tên cũ là Yersin), rồi băng qua một con đường mòn giữa vạt đất rộng trước nhà thờ Cao Đài để đến trường Bồ Đề.     Ngã tư Hùng Vương- Ngô Gia Tự hồi đó có quán sách Bình dân thư quán chuyên cho thuê truyện kiếm hiệp và diễm tình và nhà may Song Châu, chủ nhà là thi sĩ Trần Gia Thoại, thân sinh thầy giáo kiêm nghiên cứu lịch sử Trần Gia Phụng, sau này có dạy tôi ở trường Phan Châu Trinh. Trên chút nữa, ở ngã tư Triệu Nữ Vương là phòng mạch của bác sĩ- nhà thơ tiền chiến Thái Can với câu thơ nổi tiếng: Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với nhân gian một nụ cười. Qua các ngã tư đó là đến sân vận động Chi Lăng, lúc đó chỉ có một khán đài chính, sân đất. Chúng tôi thường đến đây chia phe ra đá banh vào những giờ nghỉ học. Từ sau 1975, sân bắt đầu có các khán đài bằng ri sắt  và mặt  cỏ bắt đầu được trồng lại…

Hồi ấy chúng tôi hay lội bộ băng qua khu đất rộng, cỏ mọc um tùm trước nhà thờ Cao Đài (sau này có hai bệnh viện được xây sát nhau, nay là Bệnh viện Đà Nẵng  và Bệnh viện C) để đến đường Quang Trung (đại lộ Boulevard Clémenceau thời Pháp thuộc), chạy dài từ Thanh Khê xuống sông Bạch Đằng (sông Hàn), bên hông Tòa Thị Chính. Trường Bồ Đề của giáo hội Phật giáo xây dựng sau năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Hai bên đường là hàng cây xà xừ cao lớn rợp bóng mát. Phía dưới trường, về hướng bờ sông là những biệt thự xây theo kiểu Pháp nối tiếp nhau trong những khu vườn rộng luôn kín cổng của các quan chức và người giàu có. Đoạn dưới có biệt thự của bác sĩ sản khoa nổi tiếng Đinh Văn Tùng, gần khu nhà cà phê Long hiện nay. Tiếp tục đi xuống, bên trái là khu Thành Điện Hải cũ và khuôn viên trường Pascal, bên phải là khu gia binh của sĩ quan VNCH. Từ đây hướng về phía nam là các trường học bán công Nguyễn Công Trứ, tư thục Phan Thanh Giản, Nam Tiểu học, công lập Phan Châu Trinh và nữ trung học Hồng Đức trên trục đường Lê Lợi mà cha tôi vẫn quen gọi tên Pháp là đường Francis Garnier…

Nhờ nằm trong khu vực nhiều trường học và cây cao bóng mát nên đường Quang Trung, Thống Nhất trở thành những “con đường tình yêu” của nhiều lứa tuổi học trò Đà Nẵng. Có lẽ thế hệ tôi hoặc lớn hơn chút ít, ai cũng có những mối tình học trò ở đây và thuộc nằm lòng ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị với bao kỷ niệm đắm say của tuổi mới lớn.

Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng cũ.

Phan Châu Trinh hành khúc

Một năm sau, tôi chuyển từ trường Bồ Đề sang trường trung học công lập Phan Châu Trinh trên đường Lê Lợi. Quần dài trắng, sơ mi trắng vào ngày thứ hai và đồng phục quần xanh áo trắng những ngày còn lại, trên ngực luôn có bảng tên thêu tên trường Phan Châu Trinh là niềm hãnh diện chung của các thế hệ học trò của ngôi trường công lập xây dựng từ năm 1952 lớn nhất Đà Nẵng này. Khi tôi vào Phan Châu Trinh một năm sau thì trường nữ Trung học Hồng Đức mới xây nên lớp chúng tôi vẫn còn học chung với nữ sinh. Ở trường Phan Châu Trinh, chúng tôi được học với các thầy giáo dạy môn Toán nổi tiếng như thầy Bùi Tấn, Trần Đại Tăng, Phan Thanh Kế, Nguyễn Ngọc Thanh, học Anh văn với các thầy Trần Quốc Bảo, Nguyễn Giai và các giáo viên người Mỹ, học nhạc với thầy Hoàng Bích Sơn- tác giả ca khúc Phan Châu Trinh hành khúc nổi tiếng và cũng là “hiệu đoàn” của trường; học vẽ với cô giáo Hồng Diệp; học Văn với các thầy Trần Xuân Mai, Nguyễn Đình Trọng, Triết học do thầy Nguyễn Lương Hiền, học vật lý với thầy Ngô Hào, thầy Kính, học sử với các thầy Trần Gia Phụng, Đỗ Viết Lê…

Nhưng niềm hãnh diện của học trò Phan Châu Trinh còn là những lớp đàn anh cựu học sinh tài năng như các nhạc sĩ Nhật Ngân, nhà văn-nhà báo Phan Nhật Nam, Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Hồ Thành Đức… và các lớp kế cận trước chúng tôi hoặc đồng thời như Lương Thái Sĩ, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nguyễn Hữu Viện, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Lương Vỵ, Đoàn Thạch Biền, Trần Ngọc Châu… hoặc sau này trong văn chương, báo chí có Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Công Khế, Lê Minh Quốc, Phạm Sĩ Sáu…Nhiều học sinh Phan Châu Trinh đậu ưu hạng trong các kỳ thi Tú Tài và sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư, các nhà khoa học nổi tiếng mà chúng tôi không nhớ hết…

Cuối năm đệ Tam tôi chuyển sang trường Sao Mai học lớp đệ Nhị để thi Tú tài bán và Tú Tài toàn phần. Ở đây lại được học với các thầy cũ từ Phan Châu Trinh qua, nên coi như chẳng có gì thay đổi nhiều. Trong thời gian học trung học, tôi tham gia đoàn thanh thiếu niên Hồng Thập Tự do các bác sĩ Mẫn và thương gia nổi tiếng Đà Nẵng tổ chức, chuyên đi làm từ thiện xã hội ở các vùng ngoại ô, nông thôn. Nhiều bạn tôi tham gia vào các hoạt động của Phật giáo, Tổng đoàn học sinh hoặc thoát ly lên chiến khu. Nhiều bạn bè học xong Tú Tài bị động viên vào quân đội. Chiến tranh và thời cuộc đã xô đẩy mỗi chúng tôi đến với mỗi ngã rẽ khác nhau, nhưng truyền thống học sinh Phan Châu Trinh đã hun đúc trong mỗi người tình hữu ái và yêu nước như nhau. Sau khi đất nước đổi mới, các lớp cựu học sinh Phan Châu Trinh chúng tôi đã tổ chức được nhiều hoạt động rất ý nghĩa đóng góp nhiều việc làm mang lại lợi ích cho cộng đồng hoặc hỗ trợ những bạn cũ gặp khó khăn…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Kỳ tới: “Từ Quai Courbet đến Bạch Đằng”