Ký sự Trường Sa (2)

Thứ bảy, 21/06/2014 08:40

* Kỳ 2: Thấm đẫm nghĩa tình đất liền với Trường Sa

(Cadn.com.vn) - Hành trình của chúng tôi thực sự là sự trao đổi tình cảm, cảm xúc, trải nghiệm giữa những người ở đất liền với CBCS trên các đảo trong quần đảo Trường Sa. Được đặt chân lên các đảo xa xôi, được ngắm một phần máu thịt của Tổ quốc, được trải nghiệm với những cảm xúc đặc biệt, được nghe kể chuyện sinh hoạt, chiến đấu trên đảo và sâu xa hơn là được hun đúc tình yêu biển đảo nói riêng và đất nước nói chung.

Đến mỗi đảo, các thành viên đều đến cột mốc chủ quyền để chụp ảnh, kể cả chụp ảnh chiến sĩ hải quân đang đứng gác ở đây. Nhiều người muốn lưu lại tấm ảnh kỷ niệm đã không ngần ngại cười tươi và đứng cạnh chiến sĩ, khiến có anh phải mỉm cười dù vẫn nghiêm chỉnh nhìn thẳng và không rời nhiệm vụ. Có người muốn chụp ảnh chiến sĩ đang trực sẵn sàng chiến đấu nhưng các anh đều vui vẻ từ chối do quy định. Một số chiến sĩ may mắn được bạn Trần Văn Thược, sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trưởng nhóm tác giả thực hiện tác phẩm điêu khắc gốm Âm vang Điện Biên – Hào khí Trường Sa, chọn thực hiện bức ký họa chân dung. Các chiến sĩ được vẽ giữ chặt bức họa hớn hở chia sẻ niềm vui với các đồng đội. Thấy được niềm vui này, đến các đảo, Thược cố gắng thực hiện nhiều bức họa hơn, cũng là cách Thược có được nhiều niềm vui hơn cho chính mình, như có lúc bạn chia sẻ với tôi.

Họa sĩ trẻ Trần Văn Thược ký họa chân dung cho chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông.

Tôi nhớ mãi song ca “ngẫu hứng” Tình ta biển bạc rừng xanh của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương do ca sĩ Ngọc Hiên của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và thượng úy Nguyễn Xuân Hoàn trên đảo Sơn Ca thể hiện, sao mà da diết, tình cảm thế. Từng câu, từng lời, từng ánh mắt thiết tha cứ như là một đôi chuyên nghiệp. Khán giả gồm cả các chiến sĩ và thành viên đoàn hành trình vỗ tay nhiệt liệt. Hay cũng ở đây, các nghệ sĩ múa trẻ đã minh họa rất tuyệt vời cho bài độc tấu sáo Về quê của đại úy Đỗ Đức Nam. Hay ở đảo Phan Vinh A, các chiến sĩ đã lẳng lặng ra vườn rau hái một chùm... ngồng cải vàng ươm để tặng ca sĩ Hồng Hạt với ca khúc sâu lắng Tình em biển cả của Nguyễn Đức Toàn, làm mọi người vô cùng bất ngờ và phấn khích. Rồi các liên khúc, các bài hát tập thể đều được mọi người hát nhiệt tình, hào hứng, không phải chỉ cho người khác nghe mà như giải tỏa lòng mình! Hay các trò chơi vô cùng vui nhộn do MC Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu “bày trò” về tên các loài cá, về điều yêu và ghét của các chiến sĩ... được mọi người cười nghiêng ngả...

Nghệ sĩ Hồ Liên (Nhà hát Kịch Hà Nội), một trong số ít các thành viên của đoàn được diễn văn nghệ và ở lại trên đảo Nam Yết, kể lại: “Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo hết sức nhiệt tình và yêu quý văn công. Các anh không chỉ thưởng thức say sưa mà còn tham gia rất nhiệt tình. Nếu như các thủ trưởng cho phép, chúng tôi có thể diễn đến hết đêm...”. Tình cảm đó được thể hiện rất rõ khi đoàn chúng tôi rời đảo Trường Sa lớn vào lúc gần 22 giờ sau buổi chiều thăm và buổi tối giao lưu văn nghệ. Các chiến sĩ và người dân xếp hàng dài trên cảng vẫy tay chào tàu HQ 571 khi tàu cất hồi còi dài nhổ neo tiếp tục hành trình. Hay hôm chia tay nhà giàn DK1/19, CBCS trên nhà giàn liên tục vẫy cờ chào chúng tôi, trông thấy, các thành viên trên tàu đã lên boong vẫy tay chào lại cho đến khi nhà giàn chỉ còn là một chấm nhỏ...

Phút giây đầy tình cảm giữa lính đảo và một thành viên nữ.

Một phần không kém quan trọng trong các chuyến thăm CBCS ở Trường Sa là gửi tặng các phần quà từ đất liền. Có những món quà có trị giá cao như máy siêu âm tặng trạm xá đảo Sơn Ca (800 triệu đồng) cùng các phần quà có ý nghĩa giúp đỡ thiết thực cho CBCS và nhân dân trên các đảo, như thực phẩm, cây xanh, xe đạp (chỉ riêng ở đảo Trường Sa Lớn)..., cũng có những món quà có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, như đàn guitar, đĩa nhạc, phim, thư của các bạn trẻ gửi chiến sĩ hải quân... Trong những phần quà ấy, các chiến sĩ Hải quân đã có sự đón nhận rất nhiệt tình và xúc động các cánh thư của giáo viên và học sinh từ thành phố Thái Nguyên. Nhìn những nét chữ nắn nót, chia sẻ bao tình cảm, gửi gắm bao kỳ vọng, có không ít chiến sĩ rưng rưng nước mắt. Những món quà đó giúp đất liền và Trường Sa gần nhau hơn, như không còn khoảng cách giữa hậu phương và nơi tuyến đầu Tổ quốc nữa.

Một chương trình quà tặng có ý nghĩa đặc biệt đối với đảo Trường Sa Lớn nói riêng và các đảo trong quần đảo Trường Sa nói chung là chương trình “Trường Sa xanh” do Báo Tuổi trẻ phát động. Theo nhà báo Bùi Văn Thanh, biên tập viên cao cấp, Phó ban điều hành Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi trẻ, từ năm 2011, Báo Tuổi trẻ phát động phong trào “Góp đá xây Trường Sa” và nhận được sự ủng hộ to lớn của bạn đọc và nhân dân trong, ngoài nước. Chương trình đã xây dựng được hai ngôi nhà kiên cố cho CBCS đảo Đá Tây A và Đá Tây C, trao tặng một số xuồng CQ và các trang thiết bị khác trong chương trình “Thắp sáng nhà giàn DK1”. Tuy nhiên, Ban biên tập Báo vẫn nhận thấy rằng như thế là chưa đủ, còn nhiều việc phải làm cho Trường Sa.

“Trường Sa xanh” ra đời như một hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ngay tại lễ phát động, 80 cây dừa, 200 cây tra được trồng tại các khu vực trên đảo Trường Sa. Thời gian tới, Báo sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng Hải quân trồng thêm nhiều loại cây xanh, cây ăn trái, cây chắn gió và đặc biệt là rau xanh trên các điểm đảo. Để làm được điều đó, Báo Tuổi trẻ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà khoa học nghiên cứu cải thiện điều kiện thổ nhưỡng trên các đảo, điểm đảo; đầu tư trồng những loài cây thích hợp có khả năng tạo môi trường trong lành, giữ nước. Nhà báo Bùi Văn Thanh nhấn mạnh, “Chương trình Trường Sa xanh ra đời nhằm mục đích huy động mọi nguồn lực vật chất, tinh thần, kiến thức khoa học để cải tạo thổ nhưỡng, trồng các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây tạo bóng mát, cây chắn sóng, rau xanh... góp phần biến các đảo và điểm đảo ngày càng xanh, đẹp hơn”.

Đổi lại, ngày ra về, một số thành viên trong đoàn, nhất là các văn công, đã được tặng những kỷ vật rất đặc biệt, như quả bàng vuông, những chiếc lá bàng màu đỏ thắm, những đóa hồng làm bằng vỏ ốc biển hay các mẩu san hô... Có lẽ đó là những quà tặng có ý nghĩa đặc biệt nhất của mỗi người sau chuyến hành trình, bởi nó không chỉ mang về từ đảo xa mà còn được gửi gắm bao nhiêu tình cảm của các chiến sĩ từ nơi xa xôi ấy. Có người còn mang cả cây bàng vuông non về đất liền, hy vọng nay mai cây non ấy sẽ kết rễ, đâm chồi. Tôi được biết, ở một số nơi tại Tiền Giang, TPHCM, Hà Nội, giống bàng vuông ở Trường Sa đã phát triển, trổ hoa kết trái... Và như vậy, tình cảm giữa đất liền và đảo xa luôn bền chặt!

Trúc Giang
(còn nữa)