“Kỹ sư”chân đất và máy cày đa năng
(Cadn.com.vn) - Chưa một lần bước chân vào ngưỡng cửa đại học thế nhưng ông Lê Tất Dũng (1965, thôn Phú Lộc, xã Đại An, H. Đại Lộc, Quảng Nam) đã làm nên kỳ tích có một không hai: xây cầu bắc qua sông cho dân đi lại và chế tạo máy cày giải phóng sức lao động của người dân.
Từ kỹ sư xây cầu...
Cuối năm 2012, cả nước ngạc nhiên và thán phục khi chiếc cầu phao có giá trị gần 300 triệu đồng bắc qua sông Quảng Huế (một nhánh của sông Vu Gia) được xây dựng bởi nông dân Lê Tất Dũng. Cầu có chiều dài 78m, mặt cầu rộng 2m, tải trọng 750kg, được làm từ 146 cái thùng phuy, 1,8 tấn sắt làm sườn cầu, 4m3 gỗ ván lát mặt cầu, 300m dây cáp, 2 trụ bê-tông 20 m3... Để xây dựng chiếc cầu này, ông Dũng đã mất 20 năm gom góp từng đồng bạc lẻ bằng nghề sửa xe.
Hơn một năm qua, cây cầu do ông Dũng đầu tư đã đưa biết bao người qua sông. Người dân bây giờ không còn sợ cảnh đi ghe mỗi khi nước to lũ lớn. Trẻ em đến trường đạp xe vi vu qua cầu mà không sợ rơi xuống sông như đi cầu tre trước đây. Ông Trần Chính (1956, thôn Phú Lộc, xã Đại An) tấm tắc: “Từ khi có chiếc cầu này, bà con chúng tôi vui lắm. Người như anh Dũng rất đáng để chúng ta khâm phục. Trong khi kinh tế không giàu có gì nhưng anh Dũng đã sẵn sàng bỏ cả gia tài ra để xây cầu cho nhân dân qua lại...”.
Ông Lê Tất Dũng mày mò nghiên cứu... |
...Đến kỹ sư sáng chế máy cày
Tháng 6-2014, người dân Đại Lộc lại một lần nữa vui mừng và tự hào khi ông Dũng chế tạo thành công chiếc máy cày đa năng. Trao đổi với chúng tôi ông Dũng cho biết, ở làng quê của ông, rất nhiều nông dân canh tác đất màu, thường trồng xen canh, luân canh để tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Khi gieo hạt bắp xen canh giữa 2 hàng đậu xanh, bà con khá vất vả vì khoảng cách giữa 2 hàng đậu hẹp nên phải dùng cuốc đánh rãnh chứ không có máy móc nào thay thế được.
Trong khi đó, thời điểm gieo hạt bắp là lúc cây đậu xanh đang cho thu hoạch, nếu không khéo léo sẽ ảnh hưởng đến năng suất đậu. Chứng kiến cảnh khó khăn của bà con nông dân, ông Dũng quyết tâm chế tạo một nông cụ có thể giúp bà con tăng năng suất lao động. Cũng như ngày xưa xây cầu, lần này ông Dũng một mình mày mò nghiên cứu. Cuối cùng, ý tưởng của ông đã trở thành hiện thực. Chiếc máy cày của ông gồm một lưỡi cày, một bánh lồng làm bằng hai vành xe máy có lưỡi bám đất khi di chuyển, động cơ xe máy 100 phân khối, hệ thống côn, ga, nhông xích tải...
...và vận hành chiếc máy cày của mình. |
Khung sườn máy cày làm bằng sắt V5 hàn nối theo cấu tạo xe lôi, có 2 bánh trước và 1 bánh sau. Lưỡi cày thiết kế ở giữa 2 bánh xe trước và sau, có thể điều chỉnh nâng lên, hạ xuống để tạo độ nông, sâu theo ý muốn. Bình điện ắc-quy 6V, 5A được dùng để khởi động máy. Ông Dũng cho biết, tính năng khó nhất ở máy cày này là làm sao cân đối được vòng tua giữa hệ thống nhông xích với động cơ để kéo được chiếc máy cày đi với tốc độ người đi bộ chậm đồng thời thiết kế tổng thể làm sao để chỉ sau một, hai lần sử dụng thì người dân có thể điều khiển dễ dàng loại máy cày này.
Theo ông Dũng chi phí ban đầu cho chiếc máy này khoảng 2 triệu đồng. Mặc dù giá thành khá đắt nhưng nếu sản xuất hàng loạt thì giá thành sẽ hạ xuống thấp hơn. Vả lại, với tính năng ưu việt, chiếc máy làm lợi nhiều nhân công lao động nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Chiếc máy của ông nhỏ gọn, rất có ý nghĩa khi gieo tỉa các loại cây xen canh trên đất đang trồng các loại cây khác trong lúc các máy cày hiện có không làm được. “Với chiếc máy cày này, chỉ cần 3 lít xăng A92 là nông dân có thể làm đến 5 mẫu (50 sào/ngày)”, ông Dũng so sánh khẳng định đây là chiếc máy cày phiên bản đầu tiên, sắp tới ông sẽ nghiên cứu cải thiện để lắp đặt thêm bộ phận gieo hạt, ráp động cơ bơm hút nước, kết hợp vừa rọc hàng, vừa cày, tỉa, khỏa lấp và vừa tưới nước để bà con bớt đi công lao động.
Phương Nam