Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Rút ngắn thời gian xét tuyển
(Cadn.com.vn) - Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. Về cơ bản giữ nguyên các môn thi như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Trong đó, các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận với thời gian làm 180 phút/môn. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài: 90 phút/môn. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức viết kết hợp với trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Thời gian tổ chức thi từ ngày 1 đến 4-7-2016.
Cũng giống như năm 2015, những thí sinh (TS) dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì đăng ký dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm có 3 môn bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn thi còn lại đã nêu trên. Những TS không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được phép chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn kể trên. Đối với những TS đăng ký dự thi để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ thì đăng ký dự thi 4 môn thi tối thiểu và đăng ký thêm các môn thi theo khối, ngành học để xét tuyển...
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 về cơ bản giữ nguyên các môn thi như kỳ thi năm 2015, với 8 môn thi. Trong ảnh: các thí sinh trao đổi cách làm bài sau khi thi xong môn thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Ảnh: P.T |
Những điểm mới phương án tuyển sinh năm 2016
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, trong phương án tuyển sinh năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có một số điều chỉnh, đổi mới.
Điểm điều chỉnh đầu tiên đó là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đều tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (gọi tắt là cụm thi ĐH, hay cụm thi chung) do ĐH vùng hoặc ĐH chủ trì phối hợp Sở GD-ĐT. Việc đổi mới này góp phần giảm chi phí đi lại của các TS, giảm lượng TS đổ dồn về các cụm thi chung như năm 2015. Được biết, năm 2015, cả nước có 38 cụm thi chung.
Đối với cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT giao toàn quyền cho địa phương đó quyết định. Theo đó, tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương mà có thể chỉ tổ chức cụm thi chung để xét luôn tốt nghiệp (như cách làm của TP Đà Nẵng năm 2015). Riêng đối với cụm thi để xét tốt nghiệp thì giao cho Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với ĐH vùng hoặc trường ĐH tổ chức.
Điểm điều chỉnh thứ hai: Việc công bố kết quả điểm thi giao về cho các đơn vị chủ trì cụm thi thực hiện (không giống như năm 2015, Bộ GD-ĐT công bố, gây ra tình trạng nghẽn mạng, thí sinh tra cứu rất khó khăn).
Điều chỉnh thứ ba: Thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) được rút ngắn xuống còn 12 ngày (năm 2015: 20 ngày), mỗi TS được quyền đăng ký xét tuyển tối đa 2 trường, mỗi trường được đăng ký xét tuyển tối đa 2 ngành. Đối với các NV tiếp theo, mỗi TS được xét tuyển tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành. Thời gian xét tuyển của các NV tiếp theo này là 10 ngày. Để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn như năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định, mỗi đợt xét tuyển, TS không được thay đổi NV đăng ký xét tuyển.
Điểm điều chỉnh cuối cùng đó là: ĐH vùng hoặc trường ĐH chủ trì sẽ cấp duy nhất một giấy chứng nhận kết quả thi có mã số cho các TS. TS sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển trong các đợt. TS có thể đăng ký xét tuyển qua bưu điện và trực tuyến.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị chủ trì cụm thi chú trọng đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ về chủ trương tổ chức thi, tuyển sinh để các TS và gia đình thí sinh được nắm rõ...
ĐH Đà Nẵng công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chủ trương tổ chức thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) cũng chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH thành viên. Theo đó, năm 2016, ĐHĐN tuyển sinh 10.925 chỉ tiêu đối với hệ ĐH chính quy; Liên thông ĐH: 515 chỉ tiêu; Bằng 2 ĐH chính quy: 10 chỉ tiêu; CĐ chính quy: 2.900 chỉ tiêu; Liên thông CĐ: 250 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu cụ thể của các trường thành viên như sau:
Trường ĐH Bách khoa: 3.150 chỉ tiêu, gồm: ĐH chính quy: 2.840 chỉ tiêu; Bằng 2 chính quy: 10 chỉ tiêu; Liên thông chính quy: 300 chỉ tiêu.
Trường ĐH Kinh tế: 3.365 chỉ tiêu, gồm: ĐH chính quy: 3.200 chỉ tiêu; Liên thông chính quy: 165 chỉ tiêu.
Trường ĐH Ngoại ngữ: 1.660 chỉ tiêu dành cho hệ ĐH chính quy.
Trường ĐH Sư phạm: 2.155 chỉ tiêu dành cho hệ ĐH chính quy.
Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum: 650 chỉ tiêu, trong đó ĐH chính quy: 600 chỉ tiêu; Liên thông chính quy: 50 chỉ tiêu.
Khoa Y-Dược hệ ĐH chính quy: 220 chỉ tiêu (Y Đa khoa: 150 chỉ tiêu; Điều dưỡng: 70 chỉ tiêu).
Viện nghiên cứu và đào tạo Việt Anh hệ ĐH chính quy: 250 chỉ tiêu.
Trường CĐ Công nghệ: 2.150 chỉ tiêu, gồm: CĐ chính quy: 2.050 chỉ tiêu; Liên thông chính quy: 100 chỉ tiêu.
Trường CĐ Công nghệ thông tin: 1.000 chỉ tiêu, trong đó, CĐ chính quy: 850 chỉ tiêu; Liên thông CQ: 150 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu cụ thể từng ngành của các trường ĐH, CĐ thành viên sẽ được ĐHĐN công bố trong vài ngày tới.
Báo Công an TP Đà Nẵng sẽ đăng tải chỉ tiêu chi tiết của từng ngành ngay sau khi ĐHĐN công bố trên trang điện tử cadn.com.vn.
P.Thủy (tổng hợp)