Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không có nhiều thay đổi

Thứ tư, 29/04/2020 15:03

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, dù đổi tên nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không có nhiều thay đổi so với năm 2019.

Ngày 28-4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã có những chia sẻ về nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, phương án tổ chức thi sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Kỳ thi sẽ được tổ chức gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT khẳng định, dù đổi tên nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 không có nhiều thay đổi. Trong ảnh: Thí sinh Đà Nẵng sau khi kết thúc môn thi cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: P.T

Vẫn có điểm các môn thành phần trong bài thi tổng hợp

Theo dự thảo phương án thi, 3 đối tượng tham gia dự thi gồm: Người học đã hoàn thành chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm học 2019-2020; Người học đã hoàn thành chương trình THPT hoặc đã dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng chưa tốt nghiệp; Người học đã đỗ tốt nghiệp nhưng vẫn có nguyện vọng dự thi để lấy điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổng hợp KHTN và KHXH. Trong đó, bài thi tổng hợp KHTN gồm các câu hỏi của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; bài thi tổng hợp KHXH gồm các câu hỏi của ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm các câu hỏi của hai môn Lịch sử, Địa lý (đối với thí sinh là học viên GDTX). Bài thi tổng hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có điểm các môn thành phần phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thí sinh là học sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh là học viên GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp. Thí sinh GDTX có thể dự thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi của thí sinh được chấm bằng máy tính với phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, bám sát nội dung tinh giản chương trình đã được bộ công bố, với tinh thần "học gì thi nấy". Đề thi sẽ giảm độ khó so với năm trước, nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa phù hợp.

Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi

Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung và sự khách quan, công bằng trong xét công nhận tốt nghiệp.

Điểm khác biệt trong cách thức tổ chức kỳ thi năm nay, đó là, thay vì Bộ GD-ĐT phải điều động gần 50.000 cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra như những năm gần đây, năm nay, Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi ở địa phương mình, từ các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm, chấm thi tự luận, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của Quy chế thi.

Trước những lo lắng rằng, kỳ thi THPT 2020 với mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp sẽ khiến thí sinh gặp khó khăn khi muốn tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, bộ đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đại học, trường đại học, học viện, cao đẳng cần tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang cho học sinh.

T.H