Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021: Đảm bảo mục tiêu “kép”: Chất lượng và an toàn

Thứ sáu, 28/05/2021 13:41

Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ tổ chức vào sáng 27-5. 

HS lớp 12 THPT Đà Nẵng trao đổi cách làm bài sau khi kết thúc giờ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Đảm bảo chất lượng kỳ thi và an toàn toàn phòng, chống dịch

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giữ ổn định về phương thức như năm 2020 và được tổ chức trong hai ngày 7 và 8-7 tới. 

Thí sinh sẽ dự thi 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) với các môn thi thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) với các môn thi thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 trong năm học 2019-2020 và 2020-2021 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. 
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 7 nội dung trọng tâm đề nghị các địa phương cần lưu ý. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tinh thần quyết tâm tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch đặt ra (thi trong ngày 7 và 8-7). Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, trong trường hợp rất đặc biệt vì dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, địa phương đề xuất và Bộ GD-ĐT sẽ cùng các địa phương quyết định phương án thi. 

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, kỳ thi năm nay cần dựa trên 2 nền tảng căn bản đó là kinh nghiệm tổ chức kỳ thi năm 2020. Trong đó, thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến kinh nghiệm tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt II của Đà Nẵng, bao gồm thí sinh diện F1, F2. Thứ trưởng cho biết thêm, Bộ đã sớm xây dựng các kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác nhau của dịch COVID-19. Đồng thời đề nghị các địa phương cũng xây dựng phương án tổ chức kỳ thi an toàn, đúng mục đích tại địa phương trong điều kiện chịu tác động của dịch bệnh…

Liên quan đến công tác thanh tra kỳ thi, ông Nguyễn Đức Cường- Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD-ĐT cũng như của UBND cấp tỉnh, Sở GD-ĐT và cơ sở giáo dục ĐH trong hoạt động thanh, kiểm tra kỳ thi theo hướng: rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp, rõ trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của công tác tổ chức kỳ thi, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đúng pháp luật.      
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ các địa phương, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sẽ có nhiều thách thức, vất vả. Tuy nhiên, ông tin tưởng, với sự chỉ đạo chu đáo, quyết tâm cao, phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, kỳ thi sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra. Bộ trưởng đề nghị không được chủ quan, lơ là nhưng cũng đừng quá lo lắng, cực đoan.

Theo đó, tất cả cùng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu “kép”: chất lượng, khách quan, công bằng, nghiêm túc, song hành cùng việc bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh cũng như các thành phần có liên quan khác. 

 Đà Nẵng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: P.T

Đà Nẵng lập 1 điểm thi dự phòng cho các thí sinh F1, F2 và vùng cách ly y tế

Về phía Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, toàn ngành đã triển khai thực hiện 6 nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ thi.
Theo đó, Sở đã lập 30 điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của học sinh, trong đó 27 điểm thu hồ sơ ĐKDT tại các trường THPT và 3 điểm thu nhận hồ sơ tại các trung tâm GDTX dành cho thí sinh đang học lớp 12 tại đơn vị và thí sinh tự do. Các điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT  đã hoàn thành việc nhập dữ liệu lên phần mềm quản lý, có 12.716 thí sinh đăng ký dự thi. Đặc biệt, sở đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức điểm thi cho các thí sinh là đối tượng F1, F2, thuộc khu vực cách ly y tế (nếu có). Cùng với đó, ngành đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để lên kế hoạch đảm bảo an toàn, quy định phòng chống dịch khi tổ chức các công tác coi thi, chấm thi. 

“Một trong những nội dung nữa được ngành đặc biệt quan tâm đó là hướng dẫn, chỉ đạo các trường THPT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ôn tập, hướng dẫn cho học sinh lớp 12 ôn tập các kiến thức trong quá trình học cũng như phối hợp với cha mẹ học sinh tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em ôn tập trước kỳ thi. Việc tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với từng nhóm đối tượng...; phổ biến và hướng dẫn học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của bộ trong quá trình dạy học và ôn tập trước khi các em tham gia kỳ thi quan trọng này”- bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo sở, thời gian tới, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng dự kiến thành lập 31 điểm thi, trong đó có 1 điểm thi dự phòng cho các thí sinh  F1, F2 và vùng cách ly y tế tại trường THPT Võ Chí Công. Đà Nẵng cũng dự kiến đặt 14 điểm thi dự phòng để dự phòng các tình huống đặt biệt của yêu cầu phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi phải thay đổi điểm thi. 
Dự kiến từ ngày 20 đến 30-6, Sở GD-ĐT sẽ tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi, giám sát thi, thanh tra thi cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, giám sát, thanh tra thi trước khi tổ chức coi thi; và tiếp tục chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức các hoạt động in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

P.Thủy