Ký ức về "Một thời mũ rơm, mũ cối" của "ông vua" phóng sự Huỳnh Dũng Nhân

Thứ tư, 18/03/2020 10:11

"Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối" - ấn phẩm đặc biệt của nhà văn, nhà báo, nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân vừa được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ra mắt, gây tiếng vang lớn với độc giả, công chúng.

Tác giả ký tặng sách cho quý độc giả.

Ký ức không quên

 "Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối" là câu chuyện của những cô cậu bé dưới nhà mái nhà khu tập thể và tòa soạn Báo Nhân Dân, với những chuyển dịch bám sát theo thời cuộc của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên trong ký ức mỗi người Hà Nội và cả nước: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc sống ấy, Huỳnh Dũng Nhân là một cậu bé được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm báo, với ba là nhà báo Huỳnh Hùng Lý và mẹ, anh hai cũng là nhà báo. Cậu bé Nhân nghịch phá với "có nhiều tài lẻ", lém lỉnh, có thiên bẩm viết lách và khả năng quan sát bằng những góc nhìn riêng - yếu tố để hình thành nên cây viết phóng sự Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng cả nước về sau - đã mang đến những góc nhìn khác biệt, thú vị về mọi sự vật, hiện tượng, con người, mọi câu chuyện nhỏ từng diễn ra đầy chọn lọc.

Một thời mũ rơm Hà Nội trong chiến tranh.

Từ câu chuyện mỗi lần được gặp Bác, chuyện sinh hoạt của các gia đình, các cô, chú, anh chị là những nhà văn nhà báo nổi tiếng cùng làm việc và ở cạnh nhau trong tập thể ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội một thuở, đến những chuyện đậm dấu ấn cuộc sống người Hà Nội thời chiến tranh với những chuyến sơ tán bằng xe bò, xe đạp về miền quê tránh máy bay Mỹ rải B52, chuyện các cô cậu bé thiếu sinh quân, anh bộ đội, bạn hàng xóm, hay những niềm vui từ phong trào viết thư giao lưu quốc tế quên cả những nỗi đau của những cái chết vì bom đạn, bệnh tật, vì thời gian...

Xen cùng những bài viết thấm đẫm hồi ức sinh động như được khắc nhớ từng chi tiết, từng gương mặt, từng địa chỉ ngõ nhỏ phố nhỏ, từng vết rêu xanh trên bức tường gạch của 55 năm qua như không hề phong hóa, là những "đoạn chat" của các thành viên -các cô cậu bé năm xưa giờ đây là những ông, những bà, những người trưởng thành và có vị trí trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước hôm nay. Từ đó, những vỉa mạch hồi ức chồng trong hồi ức, tô đậm hơn bức tranh cuộc sống của thời "mũ rơm, mũ cối", thời bi tráng hào hùng mà đơn sơ giản dị nay đã đi qua.

Bìa sách "Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối".

Trang viết thấm đẫm tình người

Một Huỳnh Dũng Nhân nhà văn, nhà báo, một giảng viên của nhiều lớp sinh viên khoa báo chí trường Đại học KHXH & NV TPHCM, là một cây viết phóng sự thuộc hàng "tốp đầu" của thế hệ phóng viên sau những năm 1975. Anh đã kể về "một thời đạn bom, một thời hòa bình" của thế hệ 5X, 6X... Cầm cuốn sách trên tay, nhiều nhà văn nhà báo đã chia sẻ về ngòi bút đầy chất văn học và đầy tình người của Huỳnh Dũng Nhân. Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND chia sẻ: "Em nghiện đọc bài anh Huỳnh Dũng Nhân từ lúc chưa làm báo. Quyển sách như lòng tri ân của anh đối với báo Nhân dân, với Hà Nội và miền Bắc của chúng ta những năm đói kém mà anh dũng. Một tài năng, một tâm hồn, một thành công đều có lịch sử của nó anh ạ. Dù sao anh em mình cũng là người may mắn của thời cuộc, em biết anh viết như một sự trả ơn". 

65 năm tuổi đời, hơn 35 năm làm nghề, anh để lại một gia tài khá đồ sộ với hơn 20 đầu sách, gồm thơ, truyện, tuyển tập phóng sự, giáo trình báo chí... Cuốn nào của anh cũng có dấu ấn nhất định". Tình yêu chữ nghĩa và tâm huyết với nghề trong HDN là suối nguồn vô tận. Học trò của Huỳnh Dũng Nhân-Nhà báo Mai Minh Thảo (VTV 9) thì tâm sự: "Thời gian một chiều. Đi, yêu và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời" slogan câu cửa miệng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dạy lớp mình 22 năm trước khi đang là một phóng viên lão làng được xưng tụng là ông vua phóng sự không ngờ đến nay, khi đã 65 tuổi, về hưu, thầy vẫn tiếp tục viết, cho ra mắt tập sách. Đọc những trang đầu tập sách của thầy, mình nhớ ba da diết và như gặp lại ba mình trong chuyến tàu cùng với biết bao nhiêu người con miền Nam tập kết ra Bắc, lúc ba đi bà nội còn dặn đi 2 năm rồi về bà nội cưới vợ cho. Không ngờ hai năm ấy lại dài đằng đẵng hai mươi năm". 

Họa sĩ Nhím, người cùng đi bộ đội với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân năm 1973 kể: "Non 17 tuổi, chúng tôi cùng nhập ngũ, cùng một đơn vị huấn luyện của Trung đoàn 59 Quân khu Thủ đô, cùng thời mũ cối. Nhưng khi tôi đi sang Lào và vào chiến trường miền Nam thì tôi không gặp Nhân. Và sau khi xuất ngũ Nhân đã trở thành một nhà văn nhà báo nổi tiếng và tham gia giảng dạy ở nhiều trường báo chí. Nhà thơ Vương Thiên Nga cũng viết trong trang cá nhân của mình: "Thời gian không lùi lại. Nhưng ký ức được tái hiện lại qua trang sách "Chúng tôi, một thời mũ rơm mũ cối". Anh ghi lại những chặng đường đi qua trong đời không thể nào quên, bối cảnh được anh mô tả khá chi tiết... nhiều xúc cảm gây ấn tượng trong lòng người đọc. Những tình cảm con người đùm bọc lẫn nhau đi qua thời gian khổ, không ruột thịt mà như ruột thịt. Có vui và có buồn, trải qua gian nan mới lột tả hết cái dũng khí trong anh thể hiện qua ngòi bút thành công trên chiến trận văn chương qua hai thời kỳ chiến tranh và hòa bình".

QUANG HUY

"Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối" ra mắt nhân dịp kỷ niệm 55 năm chống chiến tranh ném bom phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, kỷ niệm 55 năm thành lập Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân, kỷ niệm 20 năm tác giả sinh sống và học tập ở Hà Nội. Sách được viết lời giới thiệu bởi nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, con trai Nhà báo nổi tiếng Tạ Quang Đạm, cháu ruột nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và sự đóng góp các bài viết đầy ắp tư liệu của nhà văn cựu chiến binh Châu La Việt, doanh nhân Nguyễn Hồ Nguyên (con trai nhà văn Nguyễn Văn Bổng) nhà báo Huỳnh Dũng Nhi- anh trai của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân), bìa của Họa sĩ Võ Anh Thơ... cùng nhiều câu chuyện bây giờ mới kể của các thành viên Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân - nay đã là các nhà văn nhà báo, doanh nhân, trí thức - từng cùng nhau trải qua một thời đạn bom, một thời hòa bình. Sách dày hơn 300 trang, giá bán 125 nghìn đồng/cuốn có mặt trên các kệ sách và trang online của các nhà sách trên cả nước từ ngày 7-3-2020.