Ký ức về những người mẹ anh hùng
(Cadn.com.vn) - Cán bộ Công an hưu Trương Văn Khương bùi ngùi nhớ lại những ký ức gắn liền với mẹ: Mẹ VNAH Lê Thị Thục. Mẹ Thục mới mất năm 2010 nên khi nhớ về Mẹ, dù đã lớn tuổi nhưng ông vẫn không kìm được nước mắt: “Năm 1965 khi cha tôi (ông Trương Bãi, Trưởng ban kinh tế xã Điện Dương, H. Điện Bàn, Quảng Nam), hy sinh thì chị tôi là Trương Thị Chước, du kích, bị địch phát hiện và bắt giam. Bên ngoài căn nhà tranh rách nát, chúng lôi chị Chước ra ảng nước, trói ngoặc hai tay ra sau, trùm đầu, pha nước xà phòng, bóp miệng và đổ xà phòng vào. Mỗi đợt chúng tra tấn là mỗi đợt mẹ tôi khóc ngất. Tra tấn mãi nhưng chị tôi không khai, chúng đạp vào ngực và bụng chị cho ói nước ra, rồi tiếp tục đổ xà phòng vào. Đến khi không còn nghe thấy tiếng chị thở, chúng mới bỏ đi.
May sao, mẹ tôi thấy chị cựa quậy nên mang vào nhà chăm sóc, cứu sống. Hình ảnh mẹ ôm chị khóc trong mừng tủi và căm hờn ấy cứ hằn sâu mãi trong trái tim tôi. Từ đấy, mẹ tiếp tục công tác nuôi quân, phát triển mạng lưới cơ sở cách mạng. Một thời gian, địch hay tin chị Chước còn sống. Chúng trở lại lùng sục, truy bắt, nhốt chị ở nhà lao Hội An. Lại tra tấn, mua chuộc đủ thứ. Có thể nói, lúc ấy tôi thơ dại, chưa thấm thía hết nỗi đau và nỗi căm thù giặc trong lòng mẹ lớn đến mức nào, song ánh mắt lóe lên sự kiên cường bất khuất của mẹ cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ, và vào cả trong những giấc mơ của tôi!”.
Sáng nay 22-5 tại Nhà hát Trưng Vương, thực hiện Quyết định số 822/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” trên địa bàn TP, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 478 Mẹ. Như vậy, Đà Nẵng hiện có 2.498 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 309 Mẹ còn sống. (Trong ảnh UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH còn sống vào ngày 31-3-2014). |
Câu chuyện về Mẹ VNAH Bùi Thị Bường (1930- 2008) cũng là những thước phim bi tráng. Mẹ của Mẹ cũng là Mẹ VNAH, Mẹ Phan Thị Dương (với 3 con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp- Mỹ). Mẹ Bường là thương binh hạng 4, từng là chiến sĩ tù đày và được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1951 đến 1954, Mẹ Bường tham gia nữ dân quân du kích, năm 1955 đến 1957 Mẹ là cơ sở nuôi cán bộ mật, từ năm 1958-1963 Mẹ là tổ trưởng hội phụ nữ giải phóng.
Đến năm 1966 Mẹ là nòng cốt đấu tranh chính trị, sau đó làm ban kinh tế thôn, nuôi thương binh. Nhắc đến Mẹ, người con trai là Trung tá công an về hưu Lê Văn Sinh nhớ lại: “Năm 1970, khi mẹ tôi đang hoạt động thu mua lúa gạo cho quân giải phóng thì địch bắt đầu để ý. Trước đó, chị tôi thoát ly theo cách mạng. Lấy cớ này địch san bằng căn nhà làm chưa được 1 năm, mang vật dụng về làm đồn bốt. Sợ tôi bị địch bắt làm con tin để buộc mình khai ra hoạt động cách mạng, nên mẹ tôi tìm cách liên lạc, gửi tôi ra miền Bắc học tập. Để tránh địch nghi ngờ, mẹ bắt tôi dắt trâu ra con sông Bàu Lác (Điện Thọ, H. Điện Bàn, Quảng Nam), mẹ ở nhà bỏ tất cả áo quần vào thúng rồi hẹn tôi ở bên vùng giải phóng.
Vào một ngày cuối đông năm 1970, mẹ tiễn tôi đi trong nước mắt. Ôm đứa con trai còn chưa đến 14 tuổi, mẹ nấc lên như đứt từng khúc ruột. Mẹ thì thầm, tình huống có xấu nhất là mẹ có mất con đi nữa, bọn địch sẽ không thể hại con hoặc lôi kéo con hại đồng bào. Nói rồi mẹ đã đẩy tôi ra, gửi gắm cho người cán bộ Tỉnh ủy viên mang tôi ra Bắc. Quay lại nhìn, tôi biết mẹ ở nhà sẽ còn rất vất vả để vừa lo cho cách mạng vừa phải lo lắng cho đứa em gái út. Hình ảnh mẹ kiên cường, bất khuất là động lực thôi thúc tôi học tập, chiến đấu. Cho đến bây giờ, đấy cũng là động lực để tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mẹ tôi mất trong một ngày cận Tết 2008. Cậu tôi, Bùi Hồng Khanh có làm tặng chị mình một bài thơ: “Chị tôi về lại vườn xưa/Căn nhà trống vắng, chiều mưa lặng chờ/Chị đi thật hay trong mơ?/ Trời tuôn nước mắt, sương mờ đêm trăng!”.
Hai câu chuyện về hai người Mẹ trong hàng ngàn Mẹ VNAH của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung khiến chúng tôi nhớ đến lời bình của tập phim tài liệu “Huyền thoại Mẹ Việt Nam Anh hùng” do Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện mà mình đã thuộc lòng: “Nhiều ngàn năm qua, hàng triệu triệu người mẹ đã cắn răng tiễn con ra trận chỉ để giữ vững mảnh đất và bầu trời này. Hàng triệu triệu chiến binh ra đi không trở về là nỗi đau xé lòng làm tan nát trái tim người mẹ. Đó là một phần lịch sử bi tráng và anh hùng của đất nước, là bản trường ca bất tử đau thương và kiêu hãnh của người Mẹ Việt Nam, và là lý do trường tồn, bất diệt của dân tộc”...
Hai hình tượng mà chúng tôi vừa tôn vinh quả quá ít, so với cuộc đời của chính hai Mẹ chứ chưa nói đến hàng vạn người Mẹ tiếp bước Mẹ Âu Cơ, Trưng Vương, Bà Triệu... Nó có thể như một điểm nhấn, bù đắp lại phần nào lòng mong mỏi của toàn xã hội được chiêm ngưỡng những biểu tượng thiêng liêng đã bao năm khắc sâu vào lòng chúng ta niềm tôn kính, bâng khuâng, cảm phục: Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nói như Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) khi được hỏi trên thực tế ai là người đề xuất việc đề nghị Nhà nước ban hành chính sách phong tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: tác giả đích thực của Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là chính các Bà mẹ Việt Nam anh hùng!.
Lê Anh Tuấn
QUẢNG NAM - Sáng 21-5, UBND tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 104 mẹ còn sống và 75 mẹ đã hy sinh, từ trần.
Đông Phương |