Kỳ vọng, tham vọng

Thứ tư, 31/08/2016 10:26

(cadn.com.vn) - Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng quan trọng cho nỗ lực đảo chiều xu hướng bảo hộ thương mại và tạo  động lực tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Trung Quốc, các bộ trưởng thương mại G20 thường xuyên gặp nhau bàn về những vấn đề này. Trong một bước đi quan trọng đầu tiên, các thành viên G20 cũng đang dẫn đầu quá trình thúc đẩy tạo quy định đầu tư toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra vào ngày 4 và 5-9 tới tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, vào đúng thời điểm khi sự tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một hiện thực “thực sự hiếm”.

Một số người trích dẫn nguyên nhân do sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ tại thời điểm thách thức kinh tế gia tăng, trong khi nhiều người khác cho rằng. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 6 kêu gọi các nền kinh tế G20 dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại nhưng mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vì vậy, có thể nói, đây là thời điểm để G20 “di chuyển về phía trước với một chương trình nghị sự chủ động” về thương mại, nếu không, các nền kinh tế phát triển sẽ chịu hậu quả lớn hơn nữa.

Trung Quốc, với tư cách là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 11 năm nay, đã đưa thương mại và đầu tư quốc tế vào ưu tiên trong chương trình nghị sự. Điều này đặc biệt quan trọng vì các nước G20 chiếm khoảng 80% thương mại toàn cầu. 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế toàn cầu và thương mại chưa có dấu hiệu rõ ràng về một sự hồi sinh. G20 có thể đóng một vai trò lãnh đạo quan trọng nhằm giúp tìm ra chìa khóa cho những bất đồng thương mại này. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu nó có hiệu quả hay không?

Tương lai thì chưa thể nói trước nhưng bước đầu mọi việc xem ra đang đi đúng hướng. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G20 tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc hồi đầu tháng 7, các thành viên G20 thông qua chiến lược cho sự tăng trưởng thương mại toàn cầu. Các thành viên G20 cũng cam kết sẽ đi đến một thỏa thuận về xúc tiến thương mại vào cuối năm 2016. Thỏa thuận này ước tính giúp tăng khối lượng thương mại toàn cầu 1 tỷ USD/năm, và tạo 21 triệu việc làm mới trên toàn thế giới, trong đó có 8 triệu người ở các nước đang phát triển.

Thanh Văn