Kỳ vọng vụ hoa Tết
Thời điểm này, nhiều hộ dân trồng hoa ở vùng ven TP Đà Nẵng, Quảng Nam đã hoàn tất việc xuống giống, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Kỷ Hợi 2019. Đa số nông dân trồng các giống hoa phổ biến có giá bình dân với số lượng tăng cao hơn mọi năm. Theo lý giải của các nhà vườn, xu hướng của người dân trong những năm gần đây cũng thay đổi theo hướng tiết kiệm, hạn chế mua các loại kiểng lớn, đắt tiền. Vì vậy, các loại hoa kiểng có giá bán bình dân đang được các nhà vườn tập trung đầu tư trồng khá phổ biến. Nhận định về giá hoa dịp Tết năm nay, hầu hết những người trồng hoa đều cho rằng, khó có thể định giá được vì còn phụ thuộc vào thời tiết từ đây đến cuối năm. Để tránh tình trạng dội chợ, giá hoa bấp bênh, nhiều nhà vườn chủ động liên kết với các cơ sở buôn bán, thương lái để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Lịnh nỗ lực chăm sóc vườn hoa Tết. |
Thôn Hà Đông (xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam) có hàng chục hộ nông dân chuyên trồng hoa cúc chậu không chỉ cung cấp cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất bán cho các địa bàn lân cận, nhiều nhất là TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Tần cho biết: "Sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng hoa do Hội Nông dân xã tổ chức, năm nay, gia đình tôi xuống giống khoảng 3.000 chậu cúc đại đóa. Loại cúc này có màu tươi, hoa to, đẹp, giá cũng bình dân nên được nhiều người ưa chuộng. Dịp Tết, người dân thích chưng bày loại hoa này do hợp túi tiền mà hoa lại giữ được lâu hơn". Cũng theo ông Tần, trước kia, hầu hết người dân ở thôn Hà Đông đều trồng lúa và các loại hoa màu để bán, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều vụ lúa thất thu, cuộc sống ngày càng bấp bênh, mọi người hội ý nhau tìm cách cải tạo đất để trồng hoa. Nhờ trồng hoa cúc, đời sống các hộ gia đình dần khấm khá. Hộ có vườn rộng thu về gần 1 tỷ đồng, hộ ít lao động cũng kiếm hơn 100 triệu đồng/năm... Ở thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), gia đình anh Ngô Đoàn Phương Lịnh cũng đang ra sức chăm sóc hơn 4.000 chậu cúc pha lê, đại đóa và vạn thọ đang đâm chồi. Theo anh Lịnh, để đón lứa hoa Tết, người trồng hoa thường xuống giống từ đầu tháng 9 âm lịch. Bên cạnh đó, phải đảm bảo phương pháp kỹ thuật canh tác, thường xuyên chăm sóc và theo dõi cây phát triển. Vì thế, thời gian này, cả ngày anh phải thường xuyên túc trực ngoài vườn...
Có thể thấy, những năm gần đây, nghề trồng hoa mang lại lợi nhuận cao nên diện tích trồng hoa ở các địa phương ngày càng tăng. Nếu trước đây, các hộ dân trồng hoa thương phẩm chỉ với quy mô nhỏ, mang tính manh mún, lợi nhuận kinh tế không cao, thì nay nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nên nghề trồng hoa mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa xuống giống vụ hoa Tết, người trồng hoa vẫn nơm nớp lo sợ trước những diễn biến thất thường của thời tiết. Anh Lịnh chia sẻ, mấy năm nay, càng về cuối năm, thời tiết càng biến đổi theo hướng tiêu cực nên gây bất lợi cho người trồng hoa. Tôi trồng hoa Tết lâu năm nhưng ngại nhất là thời tiết. Bởi, chỉ cần 1 hay 2 cơn mưa trái mùa là cây bị thối rễ, thối lá, năng suất giảm... "Khác với mọi năm, để chuẩn bị hoa phục vụ Tết, năm nay, tôi xuống giống nhiều hơn 200 chậu so với năm rồi. Sở dĩ tôi quyết định tăng số lượng là do tình hình thời tiết bất lợi, mưa nắng thất thường, sợ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng hoa" - ông Tần cho biết thêm.
Không những lo lắng về thời tiết, người trồng hoa còn lo lắng khi chi phí sản xuất không ngừng tăng cao, diễn biến sâu bệnh phức tạp. Tuy chưa thể khẳng định được vụ hoa năm nay có đem lại lợi nhuận cao hay không, nhưng bằng niềm đam mê và những nỗ lực của người trồng hoa, chúng tôi tin rằng, với những kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, người trồng hoa sẽ có cách xử lý giúp hoa nở đúng dịp và kỳ vọng có một vụ hoa Tết mỹ mãn.
VY HẬU