Kỳ vọng vụ rau Tết

Thứ năm, 14/01/2021 22:44

Không riêng gì những ngành nghề khác, năm qua cũng là năm thất bát của người trồng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, bão lũ. Khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dần chạm ngõ cũng là thời điểm người dân ở thành phố du lịch nổi tiếng thế giới này kỳ vọng vào vụ rau cuối cùng trong năm sẽ thắng lớn để họ có cái Tết no ấm, đủ đầy.

Người trồng rau Trà Quế đang hối hả cho vụ rau Tết.

Cặm cụi bên những luống rau xanh tươi tốt, mơn mởn, ông Trần Văn Hưng, người có thâm niên hơn 10 năm trồng rau nói với lên khi thấy khách đến: "Mừng lắm mấy chú à! Cả năm thất bát không làm ăn gì được, giờ đầu tư vụ rau Tết nhìn những luống rau lớn lên từng ngày mà mở cờ trong bụng. Nếu mọi chuyện thuận theo tự nhiên thì Tết này làng rau Trà Quế sẽ thắng lớn để vớt vát lại một năm đầy biến cố, khổ đau". Theo ông Hưng, nếu những năm trước người trồng rau Trà Quế hứng chịu một hai đượt mưa bão rồi sau đó tái sản xuất bình thường thì năm nay mưa bão xuất hiện nhiều hơn khiến những cánh đồng rau biến thành sông, mênh mông toàn là nước. Không những bị thất nghiệp, người dân còn hứng chịu thêm những đợt dịch kéo dài khiến họ lao đao. "Người dân ở đây trồng rau quanh năm quen rồi. Thế nên khi mưa lũ kéo dài thì họ chẳng biết làm gì cả. Trồng rau không phải đầu tư quá nhiều vốn liếng nhưng phải cần cù, chịu khó thì trời mới thương mới có cái ăn, cái để", ông Hưng cho hay.

Trà Quế từ lâu vốn được biết đến là làng rau nức tiếng miền Trung. Rau nơi đây đã có thương hiệu sạch nên nhiều nhà hàng, quán ăn ở khắp nơi như Đà Nẵng, Huế, kể cả các tỉnh thành phía trong cũng đều đặt mua rau Trà Quế. Theo thống kê, nơi đây có khoảng 200 hộ trồng rau trên diện tích 18 ha. Trung bình mỗi năm, người dân cung ứng hàng trăm tấn ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Sáu là người trồng rau có thâm niên ở Trà Quế cho hay, bà rất kỳ vọng vào vụ rau Tết này. Gia đình bà những ngày này đang "tăng ca" để trồng cho kịp Tết. Các loại rau được bà đầu tư trên diện tích gần 1.000 m2 gồm: cải, xà lách, rau thơm... "Những loại rau này thường trồng vài chục ngày là có thể thu hoạch. Nếu thời tiết ủng hộ, rau xanh, đạt chất lượng thì nhiều thương lái sẽ đến đặt hàng chở đi ngay. Rau Trà Quế có tiếng lành đồn xa nên giá nhỉnh hơn các loại rau bình thường một ít. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng rau của bà con Trà Quế trồng", bà Sáu tiết lộ.

Theo nhẩm tính của những người trồng rau nơi đây, trung bình mỗi tháng, doanh thu từ việc trồng rau cũng được hơn 5 triệu đồng một người. Đối với vụ Tết, sức mua nhiều, giá lại tăng nên thu nhập có thể gấp đôi, gấp ba. Quan trọng hơn cả là thời tiết ổn định, không có mưa lớn, ngập lụt làm hư hại rau.

Rau Trà Quế được nhiều người ưa chuộng vì nổi tiếng tươi, sạch.

Ngoài việc trồng rau, những năm gần đây, các vườn rau cũng đã mở cửa để đón khách quốc tế. Nằm trong kế hoạch thúc đẩy du lịch, mang đến những trải nghiệm mới, thú vị cho du khách nước ngoài, người dân Trà Quế cũng đã hóa thân thành những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu từng công đoạn trồng rau đến với du khách. Thực tế, các du khách tỏ ra rất thích thú, hồ hởi với công việc này. Từ đây, người dân cũng có thêm một khoảng thu nữa để trang trải cuộc sống. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm qua người dân Trà Quế rất ít có cơ hội vào vai hướng dẫn viên.

"Làm hướng dẫn viên thích lắm. Tuy không được học hành gì với trường lớp nhưng người dân cũng biết làm thế nào để trao đổi, hướng dẫn du khách trồng rau. Từ công đoạn tưới rau, bón phân đến thu hoạch... mình chỉ cần chỉ qua một lần là du khách biết làm ngay. Bởi lẽ, trồng rau rất dễ, không cần đòi hỏi kỹ năng gì cả. Năm mới cũng mong sao dịch bệnh qua mau để làng rau mở cửa đón thêm nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm nhằm giúp cuộc sống người dân đỡ khó khăn, vất vả hơn", bà Sáu mong mỏi.

P.N