Kyrgyzstan và nguy cơ lặp lại kịch bản “Cách mạng hoa Tulip”

Thứ tư, 07/10/2020 12:41

Tối 5-10 (giờ địa phương), sau khi có kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Kyrgyzstan, hàng nghìn người tụ tập biểu tình và tràn vào chiếm giữ nhiều khu vực, cơ quan của chính phủ ở thủ đô Bishkek nhằm phản đối kết quả bầu cử.

Người biểu tình cố gắng đột nhập vào trụ sở chính phủ trong cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tối 5-10. Ảnh: Reuters

Đụng độ với cảnh sát, phóng thích cựu Tổng thống

Cuộc biểu tình bắt đầu tại quảng trường trung tâm Bishkek tối 5-10 với sự tham gia của khoảng 2.000 người. Những người tham gia biểu tình, trong đó có lãnh đạo các đảng thất bại trong cuộc bầu cử, đã kêu gọi cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả bỏ phiếu bầu quốc hội.

Một số người biểu tình di chuyển tới tòa nhà Quốc hội gần quảng trường và tìm cách phá hàng rào bảo vệ. Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng vòi rồng, lựu đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. Đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, khiến nhiều người bị thương. Tân Hoa Xã dẫn nguồn Bộ Y tế Kyrgyzstan cho biết có 16 ngươi bị thương trong các vụ đụng độ, trong đó có 2 cảnh sát và 1 nghị sĩ. Trong khi đó, hãng AFP đưa tin có ít nhất 120 người bị thương.

Ngay tối 5-10, người biểu tình đã chiếm giữ tòa nhà Quốc hội, vốn cũng là nơi tọa lạc của Dinh Tổng thống, hay còn được biết đến với biệt danh “Nhà Trắng” tại thủ đô Bishkek. Những người biểu tình đã ném bom xăng vào cảnh sát bảo vệ tòa nhà. Cuộc đối đầu trước tòa nhà Quốc hội diễn ra trong hơn 1 giờ. Sau đó, đám đông quá khích đã dùng xe tải đâm sập cổng chính và tràn vào tòa nhà này lúc rạng sáng ngày 6-10. Một đoạn băng được Sputnik đăng tải trên Twitter cho thấy, ngọn lửa đã bắt nguồn từ một số tầng cao của tòa nhà, trước khi lan xuống những tầng thấp hơn. Ngay sau khi nhận được tin báo Dinh Tổng thống gặp hỏa hoạn, cơ quan cứu hỏa thành phố Bishkek đã được điều động tới hiện trường. Trong khi đó, hầu hết quảng trường trung tâm Ala-Too ở thủ đô Bishkek cũng đã bị người biểu tình chiếm giữ. Một đoạn băng được đăng tải cho thấy, đám đông đối đầu với lực lượng an ninh. Một xe chở người bị bắt của cảnh sát lao thẳng vào đám đông.

Sáng 6-10, một nhân chứng cho biết, người biểu tình đã tràn vào tòa nhà ủy ban an ninh quốc gia, nơi giam giữ cựu Tổng thống nước này Almazbek Atambayev và phóng thích ông vào 4 giờ 30. Adil Turdukuov, một nhà hoạt động và là đồng minh của ông Atambayev cho hay, người biểu tình đã phóng thích chính trị gia này "mà không cần vũ lực hay sử dụng bất kỳ vũ khí nào", đồng thời lưu ý, các quan chức an ninh quốc gia không có bất kỳ kháng cự nào.

Phản đối kết quả bầu cử

Cuộc bầu cử Quốc hội Kyrgyzstan diễn ra ngày 4-10 với 1.957 ứng cử viên đại diện cho 16 đảng chính trị tham gia tranh cử 120 ghế nghị sĩ. Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử trung ương Kyrgyzstan công bố, có 4 trong tổng số 16 đảng giành được số phiếu ủng hộ quá 7% - tỷ lệ tối thiểu để giành được ghế trong Quốc hội. Đó là các đảng thân chính phủ gồm đảng Đoàn kết (Birimdik 24,54%), đảng Tổ quốc (Mekenim Kyrgyzstan 23,9%), Kyrgyzstan (8,74%) và Butun Kyrgyzstan (7,09%).

Sau khi kết quả được công bố, các đảng không giành được ghế trong quốc hội đã khởi xướng nhiều cuộc biểu tình. Những người phản đối chính phủ và ủng hộ các đảng thua cuộc cáo buộc cuộc bầu cử quốc hội là gian lận và Tổng thống Sooronbay Jeenbekov mua phiếu bầu. Ông Jeenbekov cũng từng thừa nhận việc mua phiếu đã diễn ra trong kỳ bầu cử. Kết quả bầu cử cho thấy, số phiếu bầu cao nhất thuộc về đảng Birimdik của em trai Tổng thống Sooronbay Jeenbekov. Ông Jeenbekov nắm ghế Tổng thống từ năm 2017, kế nhiệm ông Atambayev. Đến tháng 8-2019, ông Atambayev bị bắt tại nhà ở làng Koi-Tash. Ông Atambayev nhận mức án 11 năm tù vì tham nhũng và còn bị giam chờ ngày xét xử các cáo buộc liên quan đến vụ bắt ông tại nhà năm 2019 gây đụng độ khiến một nhân viên an ninh thiệt mạng.

Kyrgyzstan nằm ở Trung Á, trở thành quốc gia độc lập năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Hỗn loạn ngày 5-10 là lần thứ 3 kể từ năm 2005 người biểu tình đổ ra đường phố yêu cầu thay đổi chính quyền. Năm 2005, Cựu Tổng thống Askar Akayev bị lật đổ trong “Cách mạng Tulip” sau 15 năm cầm quyền. Người kế nhiệm ông Akayev - Kurmanbek Bakiyev cũng rời Kyrgyzstan 5 năm sau đó. Nữ Tổng thống đầu tiên của Kyrgyzstan – bà Roza Otunbayeva thay thế ông Bakiyev trong tháng 4-2010 nhưng bị cấm tham gia bầu cử năm 2011.

AN BÌNH