Lá chắn ngăn đại dịch
(Cadn.com.vn) - Qua 8 năm triển khai, dự án phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh tài trợ đã thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nỗi lo với đại dịch này.
Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn căn bệnh thế kỷ. |
Năm 2005, với mục tiêu góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam dưới 0,3% và năm 2010, giảm tác hại của HIV/AIDS đối với phát triển KT-XH. Bộ Y tế đã triển khai thực hiện dự án phòng chống HIV/AIDS với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh. Năm 2005, dịch HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng với hơn 60% người nhiễm là đối tượng nghiện ma túy, người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai cũng tăng mạnh...
Điều đó gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam. Trước thực trạng này, dự án được triển khai ở 32 tỉnh thành trong cả nước với 5 mục tiêu cụ thể. Qua 8 năm triển khai, dự án đã có những đóng góp quan trọng trong kiểm soát lây nhiễm HIV tại Việt Nam. Số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện giảm từ 24.914 trường hợp năm 2006 xuống còn 12.748 trường hợp năm 2011. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao giảm mạnh. Dự án góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Y tế triển khai thành công mô hình thí điểm điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Hải Phòng, sau đó được triển khai ở 7 tỉnh/thành phố.
Tại Hội nghị tổng kết dự án mới diễn ra tại Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Thanh Long–Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết các mục tiêu Dự án đề ra đều đạt kết quả tốt. Thông qua dự án, nhiều bài học đã được đúc kết và chia sẻ nhằm góp phần thực hiện chiến lược phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc duy trì, nhân rộng các mô hình can thiệp sau khi dự án kết thúc. Bởi lúc này, nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ sẽ không còn, đồng nghĩa với việc các chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su cho người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Các mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm chưa đa dạng, độ bao phủ chương trình phân phát bơm kim tiêm tại nhiều địa phương còn thấp.
Nhóm đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng. |
Ngoài ra hành vi của các đối tượng nguy cơ, đặc biệt là hành vi tình dục an toàn chưa bền vững, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và bán dâm còn cao ở một số tỉnh thành là thách thức lớn đối với chương trình can thiệp giảm các tác hại nói riêng và hệ thống phòng chống HIV/AIDS nói chung. Vì thế, dù chương trình phòng chống HIV/AIDS tại các tỉnh tham gia dự án đã thành công nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn hiện hữu. Vì vậy những người thực hiện dự án đã kiến nghị cần có các giải pháp duy trì can thiệp cho các nhóm có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV/AIDS. Thực hiện đa dạng các mô hình can thiệp giảm tác hại, trong đó nỗ lực duy trì nhóm đồng đẳng viên. Tiếp tục mở rộng chương trình điều trị Methadone ở các tỉnh/ thành phố.
Duy trì và nhân rộng các mô hình can thiệp cho nhóm dân tộc thiểu số của dự án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. “Nhờ nỗ lực quyết liệt của Nhà nước và từng địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, những năm qua HIV/AIDS đã được ngăn ngừa có hiệu quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, những năm đến chúng ta cần kiên trì thực hiện những giải pháp phòng chống HIV/AIDS một cách đồng bộ. Các nhà tài trợ cần xem xét tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về kinh phí và kỹ thuật để triển khai các hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS, có như thế chúng ta mới từng bước ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này” – ông Long nói.
H.A