Lá ngón, hủ tục và những hệ lụy

Thứ tư, 26/10/2016 10:45

* Kỳ 1: Lá ngón và những hủ tục

(Cadn.com.vn) - Một số nơi ở vùng cao H. Nam Trà My (Quảng Nam) cuộc sống người dân còn nghèo khó, lạc hậu, kéo theo đó sự nhìn nhận về cuộc sống có vẻ rất đơn giản. Đối với họ, trong cuộc sống có những việc bức bách, không giải quyết được, không biết tâm sự cùng ai thế là họ tìm đến lá ngón. Hậu quả, hằng năm địa phương này có hàng chục trường hợp chết vì ăn lá ngón. Những người cha, người mẹ mất đi để lại những đứa con nheo nhóc không nơi nương tựa...

BUỒN ĐAU TÌM ĐẾN LÁ NGÓN

Thôn 3, xã Trà Cang (H. Nam Trà My) nằm lưng chừng trên dãy núi Ngọc Linh. Mới 13 giờ nhưng sương mù đã giăng khắp lối khiến trời tối rất nhanh. Nóc Tắc Long là một trong những nóc mà những năm gần đây người dân ăn lá ngón tự vẫn rất nhiều. Khi chúng tôi đến đầu thôn thì gặp chị Hồ Thị Nếu (1974) cầm con gà trên tay đến quán tạp hóa đầu làng. “Cầm gà đi đâu rứa chị?” -chúng tôi hỏi. Chị Nếu nói: “Mình đem đi đổi lấy con gà khác về cúng, chứ con gà này có lông màu trắng nên không cúng được”. “Cúng ai vậy?”. “Cúng thằng Thá, nó mới ăn lá ngón chết nên cả làng phải cúng” - chị Nếu nói thêm.

Trò chuyện với chị Nếu, chúng tôi được biết, cách đó một ngày, em Hồ Văn Thá (2000) trong lúc nghĩ quẩn đã tìm đến lá ngón để tự vẫn. Do quan niệm đây là “cái chết xấu” nên dân làng ngay lập tức đưa đi chôn. “Mình chôn em Thá có quan tài gì không chị?”. “Đây là cái chết xấu nên không được đóng quan tài, mọi người cho vào tấm chiếu rồi đưa ra bìa rừng vùi lấp lại. Chôn xong không ai quay lại đó nữa. Những người đưa đám khi về cũng không đi về đường cũ mà tìm đường khác để về vì sợ con ma đi theo. Về đến làng, họ tổ chức lễ rào cổng làng lại để con ma không có đường tìm vào làng” - chị Nếu cho biết.

Được biết, chị Nếu là dì của em Thá. Trước khi đưa gà đi đổi để cúng, chị Nếu cùng một phụ nữ trong nóc đã “lai rai” hết hơn 1 lít rượu gọi là “chia buồn” cùng với gia đình đứa cháu. Đối với việc đổi gà, theo quan niệm của người dân nơi đây thì khi cúng người chết không được cúng gà có lông màu trắng. “Con gà này màu vàng nhưng cũng có vài cọng lông màu trắng nên không được, vì thế nên phải đổi con gà màu đen hay màu chi cũng được, miễn sao nó đừng có cái lông màu trắng” - chị Nếu nói.

Dân làng tổ chức lễ rào cổng làng lại để “con ma mới” không có đường tìm vào làng.

Cầm trên tay con gà nhỏ hơn gà của mình, tuy nhiên chị Thương (chủ tiệm tạp hóa Nam Thương) vẫn vui vẻ đưa con gà có lông màu đen của mình cho chị Nếu. “Quan niệm của người dân nơi đây là vậy. Gà có nhỏ hơn nhưng không sao, mình nuôi nó sẽ lớn lên. Còn hiện tại dân làng đang cần gà để cúng nên mình đổi cho họ cũng được thôi” - chị Thương chia sẻ.

Chị Nếu mang gà ra về, chúng tôi có ý định muốn vào làng để xem việc cúng bái của người bản địa nơi đây. Thế nhưng khi đến đầu làng, một số thanh niên đang làm “lễ rào cổng” chặn lại không cho vào. “Ở đây có người mới chết nên mấy anh không được vào. Còn muốn chụp hình cũng chụp ít thôi. Chụp nhiều con ma nhìn thấy lại tìm đường về” - một thanh niên đang chặt cành phục vụ cho lễ rào cổng làng tại đây nói. Qua quan sát cho thấy, chiếc cổng được rào ngay đầu đường rẽ vào khu vực rừng ma - nơi em Thá vừa được chôn. Cổng được làm bằng 2 cây lau, mỗi cây chỉ để lại 5 lá cuối cùng. Những lá này được buộc chặt lại và tạo thành hình cánh cung. Sau khi cổng rào “chặn ma” được làm xong, dân làng bắt đầu tổ chức lễ cúng để xua đuổi “con ma mới” không được trở về hại dân làng…

Cuối năm 2015, ở nóc Tắc Long này, anh Hồ Văn Bân (30 tuổi) cũng vì buồn chuyện gia đình mà ăn lá ngón tự vẫn để lại vợ và 4 đứa con nhỏ. “Người dân nhìn nhận cuộc sống còn rất đơn giản. Họ có chuyện gì buồn không giải quyết được là nghĩ đến việc ăn lá ngón tự vẫn. Thậm chí, có người còn dùng thử lá ngón để xem có chết thật không. Đó là trường hợp của chị Hồ Thị H. Chị H. không ăn lá ngón trực tiếp mà đưa về nấu lấy nước uống nhằm thử nghiệm. Sau khi uống được 5 phút, thấy mình vẫn bình thường nên H. khoe với gia đình rằng lá ngón nấu nước uống thì không chết. Tuy nhiên một lúc sau, chất độc thấm vào người, chị H. lăn đùng ra chết. Ở đây có những cái chết rất kỳ lạ…” - ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết.

Chị Hồ Thị Nếu (trái) đổi con gà lông trắng lấy gà lông đen để về cúng.

 HỦ TỤC DAI DẲNG

Ở vùng núi cao này, ngoài những cái chết bất ngờ bởi ăn lá ngón thì còn tồn tại cái chết kinh hoàng hơn đó chính là nếu người mẹ sinh con ra không may chết đi thì đứa bé mới sinh ra đó phải chôn theo mẹ. Bởi người dân ở đây quan niệm, nếu không chôn con theo mẹ, thì hồn ma người mẹ sẽ về đòi con và bắt phạt người dân trong làng. Còn nhớ tháng 9-2011, do bị mất máu quá nhiều, sản phụ Hồ Thi Yên (trú xã Trà Cang) qua đời khi vừa sinh bé trai kháu khỉnh. Theo tục lệ người Xơ Đăng, một cuộc họp làng diễn ra và thống nhất đám tang chị Yên phải tổ chức ngay hôm đó, đứa trẻ mới ra đời phải chôn sống cùng mẹ. Lúc này, nữ y tá Hồ Thị Hiếu (Trạm y tế xã Trà Cang) đang ở trung tâm H. Nam Trà My nghe được tin, chị băng rừng suốt mấy tiếng không kịp, Hiếu điện thoại cho em gái đến cướp đứa trẻ bế đứa trẻ xuống trung tâm y tế cứu chữa.Vì dám vượt qua lệ làng, chị Hiếu sau đó phải đối mặt với những lời buộc tội, sỉ vả của dân làng. Một thời gian sau, khi đứa trẻ đã lớn, Hiếu quyết định đến gặp già làng, gặp những người vẫn còn tin vào hủ tục đó để tuyên truyền, giải thích không có con ma nào cả, cộng với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cuối cùng người dân mới bỏ qua.

Qua vụ việc trên, cứ tưởng hủ tục đó ở nơi này đã được xóa bỏ, thế nhưng vừa qua, chị H.T.T. vợ anh Hồ Văn Ch. (trú nóc Kiếp Xoan, thôn 2, xã Trà Cang) bị băng huyết sau khi sinh. Lúc này đứa bé vẫn còn sống, nhưng vì tập tục nên cả dân làng đều sợ không dám cho đứa bé bú, do vậy khoảng 8 tiếng sau khi chào đời, vì đói, lạnh nên cháu bé đã tử vong…

Bão Bình
(còn nữa)