Lại lỡ hẹn với RCEP

Thứ tư, 06/11/2019 09:55

Dù đã có những bước đột phá lớn trong quá trình đàm phán, nhưng cuối cùng lãnh đạo các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đã ra tuyên bố chung lùi thời hạn ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau khi Ấn Độ quyết định rút lui.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị RCEP tại Thái Lan, lãnh đạo các quốc gia tham gia đàm phán cam kết sẽ ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2020. 15 quốc gia tham gia đàm phán, không bao gồm Ấn Độ, đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong hiệp định và hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường hướng đến mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020.

RCEP bao gồm các nước thành viên ASEAN - Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ấn Độ vào những phút cuối cùng đã quyết định không tham gia hiệp định do lo ngại về việc mở thị trường cho Trung Quốc khi nước này đang phải chịu thâm hụt thương mại lên tới 60 tỷ USD.

Việc Ấn Độ quyết định không tham gia thỏa thuận này thật ra không có gì bất ngờ bởi New Delhi lâu nay vẫn tuyên bố chưa sẵn sàng ký kết. Phát biểu sau đó, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, Ấn Độ không tham gia RCEP vì các cuộc đàm phán không giải quyết được các vấn đề nổi cộm và những quan ngại của New Delhi. Trong tuyên bố lý giải cho việc rút lui này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal ngày 5-11 cho biết, RCEP đi ngược lại các lợi ích kinh tế và ưu tiên quốc gia của nước này. Ông ca ngợi Thủ tướng Modi và nói thêm rằng, nhà lãnh đạo này đã bày tỏ mối quan tâm đối với người nông dân, ngành sữa, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và hoạt động sản xuất trong nước. Điều này sẽ thúc đẩy sáng kiến “Make in India”.

Việc New Delhi rút khỏi RCEP xuất hiện khi Ấn Độ đang phải chiến đấu với việc sản xuất và tiêu thụ chậm lại. Hiệp ước sẽ tăng khả năng tiếp cận của Ấn Độ tới các thị trường Châu Á khác, nhưng New Delhi lo ngại các ngành công nghiệp trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu đất nước này tràn ngập hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, đặc biệt là trong các lĩnh vực việc làm chính như nông nghiệp và dệt may.

THANH VĂN