Lại "nóng" tình trạng xây nhà trái phép trong vùng dự án

Thứ tư, 27/05/2020 17:47

Nhiều ngày qua, dư luận tại Quảng Nam lại "nóng" vì tình trạng người dân P. Điện Dương, TX Điện Bàn xây dựng nhà ở trái phép tại các dự án đã được cơ quan tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Mặc dù bị chính quyền địa phương nhắc nhở, lập biên bản vi phạm hành chính nhưng người dân vẫn bất chấp.

Dự án làng chài được công bố hàng chục năm nhưng đến nay mới đổ được vài xe đất.

Ông Trần Tài - Đội phó Đội Quy tắc đô thị TX Điện Bàn, trao đổi: Tại các khối phố Hà My Đông A, Hà My Đông B, Quảng Gia, Hà Quảng Bắc hiện có 18 công trình nhà ở của người dân được xây dựng trái phép và bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, lập hồ sơ đề nghị UBND thị xã ban hành quyết định xử phạt. Số công trình trên nằm trong dự án vệt cây xanh đường ĐT603 và một số dự án, như: làng chài, thiên đường Cổ Cò, khu nghỉ dưỡng Tổng liên đoàn lao động... đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi lập biên bản, một số người dân vẫn tiếp tục thực hiện công trình nhà ở.

Tại sao một số người dân P. Điện Dương bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi xây dựng trái phép? Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết là các dự án được công bố quá lâu (từ 15 đến 20 năm) nhưng chủ đầu tư chưa thể thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng vì giá đền bù quá thấp so với giá thị trường. Cụ thể, giá đất ở do Nhà nước đền bù hơn 8 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp là 225.000 đồng/m2 nhưng giá thị trường khoảng 25 triệu đồng/m2. Sự chênh lệch quá lớn này đã ảnh hưởng đến quyền lợi nên người dân không chịu nhận tiền, giao đất cho chủ dự án. Một vấn đề khác là quỹ đất tái định cư tại Điện Dương không đủ để bố trí nên không thể ban hành quyết định thu hồi đất của người dân. Một lý do khác là một số chủ dự án gặp khó khăn về vốn nên chậm triển khai, thực hiện dự án như cam kết ban đầu... Do thời gian quá lâu (kể từ ngày công bố dự án) nên nhiều ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng, buộc phải xây dựng mới để đối phó với thiên tai nên người dân tự ý thực hiện khi không có giấy phép xây dựng.

Theo tìm hiểu, tại P. Điện Dương hiện có gần 2.000 hộ dân phải di dời hẳn để các chủ đầu tư xây dựng dự án song Nhà nước chưa ban hành quyết định thu hồi đất và họ vẫn cất giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đây. Trong đó, có nhiều gia đình vì bức xúc về chỗ ở nên trước khi khởi công xây dựng nhà ở có làm hồ sơ xin cấp phép nhưng không được giải quyết. Thế là, mặc dù không có giấy phép nhưng họ vẫn làm càn.

Nhà ông Trương Văn Mẫn và ông Nguyễn Qua được xây dựng không phép tại P. Điện Dương.

Theo ông Đinh Phúc Nam - Phó Chủ tịch UBND P. Điện Dương: việc người dân bức xúc về chỗ ở là có thật nhưng vì đất nằm trong vùng quy hoạch nên không thể cấp giấy phép. Vì thế, khi phát hiện sự việc UBND phường phối hợp cùng Đội Quy tắc đô thị TX Điện Bàn tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ cho UBND thị xã xử lý theo thẩm quyền. Bức xúc chỗ ở bị xuống cấp song không được phép sửa chữa, xây dựng mới nên nhiều hộ dân tại Điện Dương gửi đơn xin được giải tỏa, nhận đất tái định cư để an cư lạc nghiệp nhưng vẫn không được giải quyết.

Còn ông Trương Văn Mẫn - đối tượng vi phạm, cho biết: hiện tại gia đình tôi vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với lô đất (vì Nhà nước chưa ban hành quyết định thu hồi đất) nhưng do bức xúc về chỗ ở nên buộc chúng tôi phải thực hiện việc xây dựng. Tương tự, ông Nguyễn Qua, trú khối phố Hà My B, cho hay: đất gia đình tôi đang xây dựng nhà nằm trong dự án vệt cây xanh đường ĐT 603 được công bố từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì nhưng nhà bị xuống cấp nên phải xây dựng lại để chống chọi với mưa bão.

Cũng theo tìm hiểu: ngoài những nguyên nhân về vốn, giá đền bù quá thấp so với thực tế... còn có nguyên nhân khác là do mật độ dân cư quá đông nhưng các nhà đầu tư gần như không có quỹ đất tái định cư để bố trí cho người dân. Nếu thực hiện dự án như cam kết ban đầu sẽ đẩy người dân vào cảnh không nhà. Nên chăng, UBND tỉnh Quảng Nam cần thay đổi quy hoạch, đảm bảo sự hài hòa về quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, với những khu vực đông dân cư nên tiến hành chỉnh trang, sắp xếp lại dân cư theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tránh việc cùng một lúc di dời hàng ngàn hộ dân sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, phát triển kinh tế của người dân và tránh việc Nhà nước hoặc doanh nghiệp tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng cho việc đền bù cho người dân. Mong rằng các cơ quan chức năng tại Quảng Nam sớm có giải pháp hữu hiệu để giải "bài toán" vẫn dai dẳng tồn tại này.

M.T

>> Vụ tranh chấp hợp đồng giữa Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam: Bao giờ hiện thực hóa các phán quyết?