Lãi suất huy đông USD về 0%/năm: Thêm nỗ lực ngăn chặn “đô-la hóa” nền kinh tế

Thứ ba, 29/09/2015 11:06

(Cadn.com.vn) - Kể từ ngày 28-9-2015, lãi suất gửi  USD với tổ chức là 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm), lãi suất tiền gửi của cá nhân tối đa là 0,25%/năm (mức cũ là 0,75%/năm). Có thể nói, đây là động thái bất ngờ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015. Một điều đáng chú ý khi gửi tiết kiệm bằng đồng đô la Mỹ, khi hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định này.

Trước đó, khi nhận được thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ quyết định chưa nâng lãi suất USD, NHNN đã tái khẳng định không điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm, thậm chí cả đầu năm 2016. Theo cơ quan này, dư địa của tỷ giá đủ lớn để NHNN có thể điều hành linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa.

Một vấn đề được đặt ra, liệu với mức lãi suất thấp như vậy, ai sẽ là người tiếp tục gửi USD vào nhà băng? Làm sao ngân hàng có đủ nguồn vốn đảm bảo cho doanh nghiệp vay mua hàng nhập khẩu? Thật ra, trên thực tế, trong vòng 10 năm nay, kể từ năm 2005, Chính phủ và NHNN đã thực hiện lộ trình hạn chế sử dụng đồng USD (tiền gửi và tiền vay) trên lãnh thổ Việt Nam. Việc xuất hiện nhiều đồng tiền trong một nền kinh tế sẽ gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ.

Với quyết định này, NHNN vẫn giữ được chênh lệch lãi suất hai đồng tiền trên 5%, tạo lợi thế cho VND ở mức đủ hấp dẫn cho người gửi tiền trong điều kiện lạm phát hiện tại chưa đến 1%. Cùng với cam kết của nhà điều hành không phá giá VND từ nay đến đầu năm 2016, thời gian đến, các tổ chức, cá nhân sẽ bán đi một phần tiền gửi USD để chuyển dịch sang VND trong bối cảnh hệ thống ngân hàng có đủ nguồn cung USD dồi dào để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi lãi suất huy động USD hạ sẽ kéo theo lãi suất cho vay giảm, điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp vay USD nhiều hơn trong khi nguồn huy động USD của các nhà băng suy giảm. Đến kỳ trả nợ, doanh nghiệp không có nguồn thu đối ứng, cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tăng mạnh, gây áp lực lên tỷ giá kỳ hạn trong tương lai, khiến NHNN buộc phải tiếp tục can thiệp bằng cách giảm dự trữ ngoại tệ hoặc tiếp tục sử dụng các công cụ tiền tệ khác.

Nhận định về động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD, một chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, với chính sách giảm trần lãi suất, NHNN đang chấp nhận đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hạn. Nói khác đi, NHNN đang "tạm ứng" không gian tỷ giá tương lai để làm tăng thêm không gian tỷ giá trong hiện tại.

Mặc dầu bất ngờ nhưng NHNN đã cân nhắc, tính toán cẩn trọng để đưa ra quyết sách điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD một cách hợp lý nhất. Với quyết định này, NHNN sẽ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm nhưng cũng có thể kích hoạt những rủi ro về cung cầu ngoại tệ. Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn cần một thời gian mới có thể đánh giá rõ hơn tác động của đợt giảm lãi suất lần này đối với thị trường.

Văn Khoa