Làm đẹp đón Xuân

Thứ bảy, 14/02/2015 11:28

(Cadn.com.vn) - Khi cái Tết đang thập thò trước ngõ mỗi nhà, cũng là lúc các tiệm làm đẹp “vào vụ”. Trong vai người đi làm đẹp, tôi  ghé vào nhiều tiệm, lúc thì làm móng tay, lúc gội đầu, lúc thì cạo mặt, cắt tóc..v.v.. Và tôi phát hiện, phía sau nụ cười niềm nở chào đón khách, nhã nhặn phục vụ theo yêu cầu của khách là những nỗi niềm rất tết.

LÀM ĐẸP “VÀO VỤ”

Thấy tôi bước vào tiệm, người phụ nữ trạc 30 tuổi đang nằm nghỉ  trên ghế vội bật dậy, đon đả mời ngồi rồi nhẹ nhàng hỏi ý định làm đẹp của tôi. Lân la hỏi “vì sao Tết đang đến cận kề mà tiệm lại vắng khách?”, chị cười nhẹ: “Những tiệm có quy mô nhỏ như tiệm của chị, khách chủ yếu là những người sống xung quanh khu vực hoặc chỗ thân quen. Vì thế, phải đến cận Tết mới đông hơn ngày thường”. Để “giữ chân” khách, chị cho biết, giá cả những ngày giáp Tết dành cho khách quen không tăng đáng kể. Đối với khách vãng lai, giá có nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng so với nhiều tiệm làm đẹp có quy mô lớn thì... vẫn rẻ chán. Nhìn tiệm được trang hoàng, bài trí khá sơ sài, rồi nhìn xuống nền nhà còn vương vãi tóc, tôi tưởng tiệm chị không có người phụ giúp nên hỏi: “Chỉ có một mình liệu phục vụ kịp không nếu đông khách?”, chị đáp: “Có người phụ chứ. Chẳng qua, giờ đã trưa, chưa có khách nên các em ấy tranh thủ đi ăn trưa. Nghề này cũng thất thường lắm. Có lúc khách vào đông, làm không ngơi tay. Nhưng có lúc lại vắng vẻ, thưa người, chỉ biết nằm, ngồi chơi rồi tự làm đẹp cho nhau. Khách thì em biết rồi đó. Phần đông đều đi làm, tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc cuối tuần mới ghé vào làm đẹp. Mình phụ thuộc khách, chứ khách đâu có phụ thuộc mình...”.

So với tiệm của chị, không khí ở nhiều tiệm làm đẹp tại Q.Hải Châu,  địa bàn trung tâm TP,  tấp nập, nhộn nhịp hơn nhiều, khiến tôi có cảm giác như Tết đang về thật gần. Bước vào các tiệm làm đẹp này mới thấy được nhu cầu làm đẹp, gu thẩm mỹ và thời trang làm đẹp của phái đẹp ngày nay thật phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc, nhiều sắc màu, không biết đâu mà lần. Có tiệm, khách đến chờ vài tiếng mới đến lượt là chuyện thường... Để đáp ứng nhanh nhu cầu làm đẹp của khách trong những ngày cận Tết, các tiệm làm đẹp phục vụ luôn trưa. Nhiều tiệm, khách phải ngồi đợi đến hơn 2 giờ liền mới đến lượt được làm đẹp. Sự kiên nhẫn của khách khiến tôi...bái phục. Thế mới biết, để có được mái tóc ưng ý trong dịp Tết đâu chỉ có tốn tiền mà còn mất rất nhiều thời gian... Đa phần khách đến làm đẹp là nữ giới ở nhiều độ tuổi khác nhau, tùy theo độ tuổi mà người thợ tư vấn xu hướng làm đẹp hiện nay cho khách. Đặc biệt, ở những tiệm làm đẹp có thợ là nam giới, lượng khách vào ra tấp nập hơn. Một khách nữ được tôi hỏi, vì sao lại chọn tiệm làm đẹp nam giới, chị cười, giải thích: “Phụ nữ làm đẹp đâu phải chỉ vì bản thân mà còn để người khác ngắm nhìn, đặc biệt là người khác giới. Thường thì, thợ làm đẹp là nam giới có đôi mắt tinh tế, phát hiện ưu điểm, nhược điểm của phái nữ hơn nên khi làm đẹp cho mình, họ sẽ biết che lắp đi những khiếm khuyết và làm nổi bật được ưu điểm của mình hơn. Không làm thì thôi, nhưng nếu họ đã chọn nghề thợ làm đẹp thì thường rất khéo tay, có nhiều sáng tạo, ý tưởng độc đáo, sáng tạo nhiều phong cách mới giúp người phụ nữ rạng rỡ hơn”...

Nhiều lúc đông khách phải ra bên ngoài để làm tóc.

PHÍA SAU NHỮNG NỤ CƯỜI

Có thể nói, làm đẹp là nghề “làm dâu trăm họ”. Dù mệt đến mấy, nhưng hễ có khách vào là họ lại đon đả, niềm nở mời, chìu khách đến mức có thể. Gặp phải khách hàng khó tính, họ vẫn nhã nhặn chiều lòng để “giữ chân” khách... Mấy ai biết, đằng sau những nụ cười niềm nở ấy là nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai.  Qua tìm hiểu nghề này, tôi được nhiều chị có thâm niên trong nghề chia sẻ. Theo đó, thu nhập nghề làm đẹp không ổn định, tùy thuộc vào từng thời điểm. Là nghề thường xuyên tiếp xúc nhiều loại thuốc mỹ phẩm làm đẹp, để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, khi nhuộm tóc, làm móng tay, móng chân..., các chị phải mang khẩu trang. “Hồi  mới mang thai được vài tháng, khách đến yêu cầu uốn tóc, nhưng mình đã từ chối khéo vì sợ thuốc ảnh hưởng đến thai nhi”, chị T., chủ một tiệm tóc  ở Q.Liên Chiểu bộc bạch. Và điều này đã khiến chị mất không ít khách hàng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng như chị. Ở nhiều tiệm, muốn tạo cho khách sự thoải mái, có thợ đã không ngần ngại bỏ luôn việc mang khẩu trang bảo hộ...

Do đặc điểm nghề này phụ thuộc vào thời gian rảnh rỗi của khách nên lúc tiệm đông khách, nhiều chị không có thời gian để chăm sóc chuyện gia đình, đặc biệt là vào dịp Tết. Có nhiều chị phải giao hết việc chăm sóc nhà cửa, con cái cho cha mẹ và chồng quán xuyến. Chị T. cho biết, hồi mới sinh con được 4 tháng, chị nhờ bà nội chăm sóc, đến nỗi, con nhỏ quen “hơi” bà hơn cả hơi mẹ! Kể đến đây chị ngậm ngùi: “Không được chăm sóc con, mình cũng thấy có lỗi nhưng vì cuộc mưu sinh đành phải chấp nhận. Cũng may là mẹ chồng mình hiểu chuyện, thương con, thương cháu. Nếu không, mình chẳng biết nhờ ai chăm con để đi làm. Nhất là vào những ngày cận Tết như thế này, mình làm việc đến tối mịt mới về nhà, người “mềm nhũn” như “lươn”, chẳng thiết gì nữa...”. Chị H., có hai con dại không có người chăm nom đành phải bỏ việc ở tiệm, chỉ nhận làm cho những chỗ thân quen...

   Nhiều chị kể, để có thời gian chăm sóc gia đình, vào ngày 30 Tết, nhiều tiệm ra “tiêu chí” đóng cửa sớm để khỏi bị khách đến nài nỉ. Nếu không làm thì mất khách hàng, nếu làm thì phải đến gần giờ giao thừa mới có thể đóng được cửa tiệm. Về đến nhà thì đã bước sang năm mới...Những ngày cận Tết này, nhu cầu đi làm đẹp của khách tăng cao nên có không ít thợ làm tóc quên cả việc ăn uống. Vả nhất là những thợ làm tóc mới vào nghề nhà lại ở xa, gặp lúc tiệm đông khách không đi đặt vé xe để về quê. Đến khi xong việc lên bến thì vé không còn, đành đi xe đò...vét với gương mặt chưa được làm… đẹp.

Minh Phước