Làm gì để điện ảnh Đà Nẵng cất cánh!

Thứ sáu, 28/12/2018 10:08

* Đại hội đã bầu ra BCH mới do ông Trà Xuân Phương làm Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2018-2023)

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, những điều chưa làm được trong nhiệm kỳ qua, Đại hội Hội Điện ảnh TP Đà Nẵng lần thứ III khép lại chiều 27-12 đã để lại nhiều dư âm lắng đọng về tinh thần trách nhiệm, sự trăn trở của những người thật sự yêu điện ảnh, mong muốn điện ảnh Đà Nẵng khởi sắc đúng nghĩa.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Bùi Văn Tiếng tặng hoa chúc mừng BCH Hội Điện ảnh nhiệm kỳ mới 2018-2023.

 Mạnh về phim tài liệu

Điểm nổi bật của Hội Điện ảnh TP Đà Nẵng đạt được trong nhiệm kỳ qua chính là sáng tạo tác phẩm và sản xuất chương trình. Trong đó, thể loại về phim tài liệu, phóng sự tài liệu là thế mạnh của các hội viên Hội Điện ảnh Đà Nẵng. Theo đánh giá của Hội Điện Ảnh TP Đà Nẵng, ngoài các đề tài quen thuộc về quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa vùng miền, nghệ thuật truyền thống và hiện đại, nhiệm kỳ qua, các hội viên đã mạnh dạn đề cập các vấn đề nóng, nhạy cảm được dư luận quan tâm.

Đơn cử như phim tài liệu "Lời cuối của cha" của Đoàn Lê- Xuân Quang nói về sự va đập giữa lý tưởng và hiện thực; hay đánh giá lại nhân vật lịch sử qua các phim tài liệu: "Sóng cửa Hàn", "Con mắt còn có đuôi" của Huỳnh Hùng-Lê Hoàng Nam- Nguyễn Lê Minh, hoặc khẳng định lại một sự thật qua bộ phim tài liệu "Người Đà Nẵng trong Dinh Độc lập ngày đại thắng" của Đặng Quốc Phồn. Và mới đây nhất là phim tài liệu "Những thanh niên Làng Nam Ô" của Hồng Liên đề cập đến những vấn đề bất cập trong công tác quản lý đất đai ở Đà Nẵng. Một điểm đáng ghi nhận khác, trong quá trình tác nghiệp, các hội viên đã mở rộng địa bàn để thực hiện các bộ  phim tài liệu như "Phù sa Mê Kông", "Ba tôi" của Trương Vũ Quỳnh- Đoàn Lê thực hiện tại Campuchia.

Mặt khác, nếu như trước đây, các hội viên chủ yếu làm phim ngắn, phim một tập thì nay đã sản xuất theo seri dài tập, điển hình như "Ký sự sông Lam" (20 tập) của Đoàn Lê, Nguyễn Hồng Phong hay "Theo chiều dài đất nước" của Trương Vũ Quỳnh, Trọng Hoàng, Đoàn Lê với thời lượng 60 tập, Ký sự Bolero của Đoàn Lê (10 tập). Không chỉ đạt các giải thưởng cao trong nước, một số phim tài liệu của các hội viên mang đi tham dự tại các liên hoan phim (LHP) nước ngoài và giành được giải thưởng như phim "Chiếc chiếu của bà Bứa" của Dương Mộng Thu dự LHP tài liệu Jean Rouch tại Pháp, LHP tài liệu Đông Nam Á (Indonesia), LHP tài liệu Blacl Movie (Thụy Sĩ) hay phim tài liệu "Lời cuối của Cha" của Đoàn Hồng Lê dự và đoạt giải thưởng cho Dự án Phim tài liệu dài của Quỹ Điện ảnh Hàn Quốc, đồng thời đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP tư liệu Dehong (Trung Quốc). Bộ phim này còn mang đi dự tại các liên hoan ở Ý, Đức, Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ, hay bộ phim tài liệu "Gần mà xa khu rừng tổ tiên" dự LHP tư liệu Salaya (Thái Lan), Freedom Fest (Malaysia), IAWRT (Ấn Độ)...

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Bùi Văn Tiếng, tuy nhiệm kỳ qua Hội Điện ảnh TP sản xuất không nhiều phim, nhưng "có một số phim đủ sức "xuất ngoại", "mang chuông đi đánh xứ người" và quan trọng hơn là được quốc tế đánh giá cao". Đó là điều đáng được trân trọng, ghi nhận và biểu dương.

Để hoạt động điện ảnh Đà Nẵng khởi sắc

Ngoài việc thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc tập hợp đội ngũ, xây dựng hội trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Huỳnh Hùng trăn trở: "Trong khi các thể loại phóng sự, phim tài liệu, khoa giáo, ca nhạc, thiếu nhi được chú trọng đúng mức thì các thể loại phim truyện, phim khoa học, phim hoạt hình, công trình nghiên cứu không được quan tâm, thiếu vắng hoàn toàn".

Đồng tình và đánh giá cao sự thẳng thắn của Hội Điện ảnh TP về tình hình hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đạo diễn Trương Vũ Quỳnh cho rằng, báo cáo mà Chủ tịch Hội Huỳnh Hùng trình bày tại Đại hội "không chỉ đầy đủ ở nhiều phương diện mà còn là sự nhìn nhận sòng phẳng, rõ ràng, đúng đắn về những vấn đề hội chưa làm được".

Cũng theo đạo diễn Trương Vũ Quỳnh, các hoạt động của Hội Điện ảnh Đà Nẵng "chưa thật sự liên quan nhiều lắm đến hoạt động điện ảnh. Công việc của các hội viên chủ yếu phục vụ nhiệm vụ hàng ngày của người làm báo -truyền hình". Theo đó, ông kiến nghị, cần thay đổi cách hoạt động của Hội điện ảnh Đà Nẵng, sử dụng công nghệ thông tin để chia sẻ các hoạt động liên quan đến điện ảnh, cách đánh giá của người làm phim hiện nay về xu hướng làm phim mới. Thông qua những con đường như thế để các hội viên có điều kiện chia sẻ về nền điện ảnh Việt Nam cũng như để hiểu biết về nhau nhiều hơn. Về lĩnh vực đào tạo, đạo diễn Trương Vũ Quỳnh đặt vấn đề, cần thay đổi cách đào tạo theo kiểu truyền thống.

Bởi theo ông, có cảm giác như cách đào tạo truyền thống này không còn phù hợp, không "thỏa mãn" với người làm phim trẻ hiện nay. Muốn làm phim điện ảnh thì phải hiểu biết thực sự về hoạt động của điện ảnh trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần có cái nhìn mới đối với những người làm phim độc lập hiện đại. Từ việc thay đổi trong cách nhìn này, bản thân các thành viên trong Hội Điện ảnh TP cũng cần suy nghĩ về hướng đi của những người làm phim độc lập để tạo điều kiện cho anh em hội viên thực hiện theo cách làm phim như thế. Đồng tình quan điểm này, đạo diễn Đoàn Lê-người từng mang nhiều phim tài liệu tham dự LHP nước ngoài- chia sẻ thêm suy nghĩ cùng sự tìm hiểu của chị đối với cách làm phim của các nước bạn, đặc biệt là cách làm phim độc lập. "Chúng ta nên cởi mở hơn để chấp nhận những người làm phim độc lập. Họ sẽ mang đến một luồng sinh khí mới cho hoạt động của Hội Điện ảnh TP"- đạo diễn Đoàn Lê chia sẻ.

Cho rằng "phim truyện không phải là sở trường của các nhà làm phim Đà Nẵng, hay nói đúng hơn các nhà làm phim Đà Nẵng chưa có điều kiện để "dấn thân" vào con đường làm phim truyện, thậm chí đang nói "không" với sản xuất phim truyện", phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Bùi Văn Tiếng mượn câu chuyện xảy ra hơn 110 năm trước gửi gắm đến những người yêu điện ảnh Đà Nẵng về việc cần tìm hướng đi riêng cho mình.

"Mặc dầu Đà Nẵng và Hà Nội đều trở thành TP nhượng địa của thực dân Pháp cùng một thời điểm-tháng 10-1888, nhưng người Đà Nẵng không có nhiều cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy như người Hà Nội. Tuy nhiên điều an ủi duy nhất mà cũng rất đáng tự hào đối với chúng ta là chỉ sau một năm khi hai anh em Auguste Lumière và Louis Lumière sáng chế ra máy quay phim, họ đã gửi Gabriel Veyre đến Đông Dương để quay phim ở vùng này. Và phim đầu tiên Gabriel Veyre thực hiện tại Việt Nam có tựa đề Le Village de Namo- Panorama pris d'une chaise à porteurs quay năm 1896 ở làng Nam Ô Đà Nẵng... Qua câu chuyện Nam Ô hơn 110 năm trước, có thể thấy điện ảnh Đà Nẵng có thể tự khẳng định mình theo cách thức riêng, hướng đến sự khác biệt và chất lượng - "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Điều này không phải là sản phẩm của phép thắng lợi tinh thần/ AQ chủ nghĩa trong văn xuôi Lỗ Tấn mà là một sự thật nhãn tiền đã và đang được thực tiễn hoạt động của Hội Điện ảnh thành phố nhiệm kỳ 2013-2018 chứng minh là đúng" -ông Tiếng bộc bạch!

P.Thủy