Làm gì để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng?
Những chỉ số tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2019 báo hiệu một năm đầy lạc quan của ngành du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, để du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững, hiệu quả hơn thì cần phải kết hợp nhiều giải pháp song hành trong thời gian tới.
Đà Nẵng cần đầu tư phát triển du lịch theo hướng tựa núi, hướng biển, lấy Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn làm trung tâm tạo vùng. |
Tăng trưởng ấn tượng
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, 9 tháng năm 2019, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ đạt 4,5 triệu lượt, tăng gần 24%; trong đó, khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt, tăng 26%; khách nội địa đạt 1,8 triệu lượt, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2018. Trong Top 5 thị trường khách lưu trú tại Đà Nẵng, thì đứng đầu là Hàn Quốc (chiếm 50%), Trung Quốc xếp thứ 2, chiếm 23%, và tiếp theo là Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ. Cũng theo Sở Du lịch, 9 tháng qua, du lịch Đà Nẵng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng khách từ một số thị trường mới như Thái Lan (tăng gấp 5 lần, từ 37 ngàn lượt lên 165 ngàn lượt), khách Đài Loan (tăng hơn 2 lần, từ 26 ngàn lên 59 ngàn lượt); khách Nhật, Mỹ, Malaysia tăng hơn 1,5 lần.
Về đường bay quốc tế trực tiếp, hiện có 40 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 480 chuyến/tuần (tăng 14 đường so với cùng kỳ năm 2018) và 9 đường bay nội địa với tần suất 655 chuyến/tuần. Dự kiến cuối năm 2019 sẽ có thêm một số đường bay mới từ Đài Loan, Indonesia, Haneda (Nhật Bản) đến Đà Nẵng...
Để có được những con số ấn tượng này, theo Sở Du lịch, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến, đa dạng hóa thị trường được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hoạt động hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng đến với các thị trường khách quốc tế tiềm năng như Qatar, Nam Phi, Nga, Áo, Cộng hòa Séc, Úc - New Zealand, Ấn Độ... Bên cạnh đó, môi trường du lịch được đảm bảo tốt với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, hoạt động hiệu quả của Tổ phản ứng nhanh, Trung tâm hỗ trợ du khách cũng góp phần vào việc tăng trưởng. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch trái phép cũng được triển khai thường xuyên, nên đã góp phần giữ được thương hiệu, hình ảnh du lịch Đà Nẵng. Cụ thể, Thanh tra Sở và Đoàn liên ngành đã tiến hành hơn 120 lượt kiểm tra, ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng (về các hành vi như: không hướng dẫn khách theo đúng chương trình du lịch, người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch chui...).
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Nhận định thời gian đến, du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Trên nền tảng những điều kiện thuận lợi sẵn có, như thương hiệu điểm đến của Đà Nẵng, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đạt chất lượng cao; nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp đang rất lớn và sẵn sàng... Vì vậy, để du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, ngoài việc đa dạng hóa và làm mới các sản phẩm du lịch thì Đà Nẵng cần đầu tư phát triển du lịch theo hướng tựa núi, hướng biển, lấy Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn làm trung tâm tạo vùng, bao bọc cho phần lõi là trung tâm thành phố (hạn chế không gian phát triển du lịch vùng lõi). Bên cạnh đó, cần phát triển du lịch biển với trọng tâm là Vịnh Đà Nẵng và các khu vực biển Thọ Quang, Mỹ Khê, Non Nước; lấy sông Cu Đê ở phía Bắc và sông Túy Loan ở phía Nam là ranh giới cho bán kính phát triển, kết nối với trung tâm du lịch phía Nam (Điện Bàn, Hội An) qua sông Cổ Cò để phát triển du lịch sinh thái, biển đảo, rừng núi, sông hồ, gắn với cộng đồng dân cư. Phát triển bán đảo Sơn Trà và đèo Hải Vân và phía Tây thành phố theo hướng du lịch sinh thái.
Cũng theo bà Hạnh, Đà Nẵng cần xác định phát triển 4 nhóm sản phẩm chính, gồm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm là Đà Nẵng trong liên kết với Hội An và Huế; các sản phẩm bổ trợ gồm du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh - làm đẹp...
Để hiện thực hóa ý tưởng này, bà Hạnh đề nghị, trước mắt cần tổ chức phố đêm 24/7 tại Q. Ngũ Hành Sơn với các hoạt động vui chơi giải trí, DJ, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức bar đêm tại khu vực bãi biển...; triển khai và đưa vào hoạt động phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng; chọn lọc các tài nguyên văn hóa, lịch sử có tiềm năng khai thác phục vụ du lịch tại các địa phương để kêu gọi xã hội hóa đầu tư dịch vụ hình thành điểm đến mới; khuyến khích kéo dài thời gian mở cửa phục vụ du khách đến 24 giờ đối với các trung tâm mua sắm lớn...
Về dài hạn, bà Hạnh đề nghị thành phố công bố quy hoạch cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn và 2 tuyến biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành để thu hút đầu tư hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí, trong đó có vui chơi giải trí về đêm; hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án để có sản phẩm du lịch mới, như dự án Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm; công viên Đại Dương, Khu tổ hợp pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; khu phi thuế quan và outlet tại Hòa Vang; phố đêm Nhật Bản, làng ẩm thực quốc tế (Q. Cẩm Lệ)... Cũng theo bà Hạnh, thành phố cũng nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch tập trung, phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch, dịch vụ chính như vui chơi giải trí, ẩm thực và mua sắm; cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch tại một số điểm di tích văn hóa, lịch sử của các quận, huyện; thu hút đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao với các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, bar; nghiên cứu quy hoạch dành quỹ đất cho các cụm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, phố đêm, chợ đêm riêng biệt với khu dân cư để thu hút đầu tư, phát triển các dịch vụ giải trí đêm.
Bà Hạnh cho rằng, để du lịch thành phố thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian đến, ngành du lịch mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
D.H