Làm phim về thảm họa máy bay rơi trên núi Ô Kha
(Cadn.com.vn) - Hàng loạt tai nạn thảm khốc của các hãng hàng không trên thế giới trong thời gian qua đã gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến nhiều người đã gọi năm 2014 là năm của thảm họa máy bay rơi... Những sự kiện ấy đã thôi thúc bà Annette Herfkens, quốc tịch Hà Lan ra mắt độc giả Việt Nam cuốn tự truyện: "192 giờ - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh".
Bà là người duy nhất sống sót trong thảm kịch cách đây 22 năm, khi liên tiếp 2 chiếc máy bay đã rơi xuống đỉnh núi Ô Kha, xã Sơn Trung, H. Khánh Sơn, Khánh Hòa. Sự xuất hiện của bà Annette và cuốn sách này tại Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua là ý tưởng khởi đầu để hình thành bộ phim tài liệu "Ánh sáng giữa tầng không" do hai đạo diễn Hồ Nhật Thảo - Đài PTTH Quảng Ngãi và Trần Thanh Hưng - TTTHVN Phú Yên cùng các cộng sự thực hiện.
Tác giả phim tài liệu "Ánh sáng giữa tầng không"-đạo diễn Hồ Nhật Thảo (bên phải) và tác giả kịch bản, Trần Thanh Hưng. |
Câu chuyện sau 22 năm...
Vào năm 1992, chiếc máy bay Yak40-VN474 gặp nạn tại đỉnh núi Ô Kha khiến 30/31 hành khách thiệt mạng, người sống sót là Annette. Ngay sau đó, chiếc trực thăng Mi-08 chở 8 người nhận nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cho chiếc máy bay này cũng tiếp tục gặp thảm cảnh khi rơi xuống đỉnh núi và toàn bộ phi hành đoàn tử nạn...
Ban đầu, những người làm phim có ý định sẽ khai thác câu chuyện xung quanh người phụ nữ đã thoát chết một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, bước ngoặt đã xuất hiện ngay tại buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện của bà Annette. Hôm ấy 4 người phụ nữ Việt Nam, là vợ của phi công và tổ lái trên 2 chuyến bay gặp nạn năm 1992 có mặt tại buổi họp báo và họ đã tạo ra một cuộc hội ngộ đầy cảm động. Chính từ lý do này, đạo diễn Hồ Nhật Thảo và tác giả kịch bản, đạo diễn Trần Thanh Hưng đã đổi hướng cho câu chuyện: thay vì tập trung vào bà Annette, sẽ thể hiện cách đối diện với nỗi đau đớn, mất mát của những người phụ nữ trong chuyến bay định mệnh.
Trong bộ phim này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM được chọn làm người dẫn chuyện bởi lý do: ông là người theo sát vụ tai nạn này khi còn là phóng viên của Báo Lao Động, và đặc biệt hơn nữa là ông đã may mắn thoát chết vì người chỉ huy trên chiếc trực thăng cứu hộ từ chối không cho ông lên chuyến bay, dù ông đã một mực năn nỉ để có thể tới hiện trường vụ tai nạn.
Cuộc hội ngộ giữa những người phụ nữ sau thảm kịch cách đây 22 năm. |
Những số phận trong thảm kịch
Bộ phim chỉ được quay trong 5 ngày, buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện của bà Annette và chuyến đi trở lại đỉnh núi Ô Kha để tưởng niệm những người xấu số... đã tạo nên những trường đoạn xúc động. Trong buổi họp báo, bà Annette đã gặp những người phụ nữ Việt Nam có chung số phận éo le, đó là nỗi đau mất chồng. Cuộc hội ngộ giữa những người phụ nữ ấy không thể nói thành lời mà mang đầy nước mắt, ngậm ngùi, nhưng hơn hết là sự cảm thông, chia sẻ.
Trong chuyến đi đến đỉnh núi Ô Kha, bà Annette gặp lại những ân nhân đã cứu giúp bà sau khi bị nạn. 22 năm sau, những người dân nơi đây vẫn còn nhớ đến người phụ nữ Hà Lan đã thoát chết, họ vui mừng nhìn thấy những vết thương trên người bà đã liền sẹo. Họ càng vui mừng hơn khi gặp con gái bà Annette, bởi ngày đó nếu bà không sống sót thì cô con gái đã không thể có mặt trên đời...
Bên ngoài cuộc gặp gỡ đầy tiếng cười đó, những người phụ nữ mất chồng lặng lẽ gạt nước mắt, bước đi trên con đường hút mắt dẫn lên đỉnh Ô Kha. 22 năm trước họ đã như sét đánh ngang tai, khi nhận được thông tin báo về từ nơi này. Người thì ngã qụy bởi đang mang thai đứa con 5 tháng, người thổn thức ghì chặt chiếc áo khoác mà chồng không kịp mang theo trong chuyến đi vội vã...
Bộ phim được đặt tên "Ánh sáng giữa tầng không" đã thể hiện cái nhìn nhân bản và hy vọng của những người làm phim khi khắc họa về những số phận trong thảm kịch. Những số phận, trước thảm kịch, dù đau đớn đến tột cùng khi vĩnh viễn mất đi người thân hay hạnh phúc tột cùng vì được sống sót, sau 22 năm, họ đều trở nên mạnh mẽ và trưởng thành, để kết nối với những điều tốt đẹp hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan đã nói: "Ô Kha đã ném vào tôi bao đau thương mất mát. Đó là những thứ không bao giờ có thể bù đắp được. Nhưng, trong đau thương mất mát đó, tôi đã trưởng thành". Còn bà Annette Herfkens tâm sự: "Tôi đã có trải nghiệm thật đẹp ở Ô Kha, trải nghiệm khi cận kề với cái chết. Tôi nhận ra cái chết thật đẹp. Tôi luôn ghi nhớ điều đó trong lòng để sau này có thể kết nối lại với những ân nhân của mình. Tôi cảm thấy rất vui vì giúp con gái kết nối được với con người và thiên nhiên nơi đây"...
Hải Quỳnh