Làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa
Ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Kiến trúc. Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (SGK).
Điều 31 dự thảo Luật quy định: Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đề cập điều này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc các trường lựa chọn dạy bộ SGK nào sau khi tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh... là quá phức tạp. Bên cạnh đó, làm nhiều bộ sách sẽ xảy ra tình trạng các đơn vị biên soạn “chạy” để bộ sách của mình được sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng khẳng định, đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có một bộ SGK thống nhất trong cả nước. Các nghị quyết của T.Ư và QH đã thể hiện tinh thần đổi mới theo hướng xã hội hóa biên soạn SGK, nhưng về chất lượng thì Bộ GD&ĐT vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc trao quyền lựa chọn SGK cho nhà trường, cha mẹ học sinh là để đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt trong giảng dạy, đặc biệt là để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của mỗi vùng, miền và cộng đồng dân cư.
Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù ai biên soạn SGK thì vẫn có Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Vì vậy, sau khi được thẩm định, các SGK đưa vào lưu hành đều là sách giáo khoa chuẩn quốc gia.
Chiều cùng ngày, với 100% phiếu tán thành, các thành viên UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Cũng trong phiên họp, các thành viên UBTVQH đã xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc H. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
T.T