Làm thế nào để tác phẩm đến với người đọc?

Thứ bảy, 17/08/2019 12:36

Sáng 16-8, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Vấn đề quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng", nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm, tìm kiếm cơ hội để công chúng tiếp cận giá trị các tác phẩm, nâng cao tình yêu cuộc sống, thị hiếu thẩm mỹ và năng lực cảm thụ… góp phần đưa tác phẩm đi vào cuộc sống. Theo ông Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng: "Do yếu tố gì mà trong thực tế Văn học nghệ thuật "quê nhà" đang có nguy cơ trở thành Văn học nghệ thuật "nhà quê" hiểu theo nghĩa chỉ hát cho nhau nghe, vẽ cho nhau xem, viết cho nhau đọc bên bờ sông Hàn". Nhân Hội thảo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có bài viết liên quan.

Nhà nghiên cứu phê bình Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng trong buổi hội thảo.

Sản phẩm của các loại hình văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có văn chương, một khi được công bố, in thành sách, tác phẩm ấy đương nhiên trở thành hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì có mua có bán. Hàng hóa có tốt mấy mà chẳng ai biết thì cũng như không (ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ). Công chúng yêu nghệ thuật mỗi thời đều có những đặc trưng khác nhau. Việc đọc sách và thưởng thức tác phẩm cũng vậy, rất cần sự quảng bá truyền thông sâu rộng đến công chúng.

Hội Nhà văn Việt Nam có cả ngàn người, nhưng nếu rà soát lại, các tác giả có viết lách đều đặn ở từng địa phương cũng chẳng bao nhiêu, các nhà văn có tên tuổi mà công chúng bạn đọc trong nước biết đến càng hiếm, ngay cả nhà văn đọc tác phẩm của nhà văn thời nay cũng khác xưa nhiều. Mà điều đó cũng chẳng xa lạ gì, vì Hội Nhà văn cũng chỉ là nơi hoạt động xã hội nghề nghiệp, chủ yếu là có nơi chốn để những người đam mê yêu thích văn chương được gần gũi nhau, chia sẻ với nhau là chính, còn công việc sáng tác là của mỗi người. Hơn nữa giá trị đích thực của văn học xưa nay vẫn thường hiếm hoi như vậy. Không riêng gì địa phương nào, ở đâu chẳng thế, tác phẩm hay, gây dư luận cho công chúng thường rất ít, chính vì thế sức lan tỏa thường không sâu rộng là đương nhiên. Các Nhà xuất bản mỗi ngày cho ra đời hàng trăm tập sách, đặc biệt là thơ. Phần nhiều là thơ các câu lạc bộ, đa số là họ in để tặng nhau, để bỏ tủ sách gia đình lưu kỷ niệm, ít ai nghĩ đến chuyện phải mang sản phẩm của mình ra "chợ sách" để tiêu thụ như một thứ hàng hóa, thậm chí họ cũng chẳng màng truyền thông giới thiệu tác phẩm đến với công chúng. Những tác phẩm thường thường bậc trung, không mơ màng rao bán thì đã đành, ở đây có những tác phẩm hay, giá trị, đôi khi tác giả cũng chẳng biết cách nào để mang "đứa con tinh thần" của mình đến với bạn đọc.

Cả nước vẫn hiếm sách hay. Vấn đề là chúng ta đừng bỏ quên, hờ hững với những đầu sách hay hiếm hoi ấy. Không ai hiểu đúng về "đứa con" được mang nặng đẻ đau bằng chính tác giả, cũng không ai thương "con mình" bằng mình. Vậy thì, tại sao tác giả của những quyển sách mới lại không PR cho tác phẩm của mình? Chính đó là sự kết nối giữa người viết với đồng nghiệp, với độc giả yêu văn học cả nước. Nhưng cũng cần nói thẳng, nếu chỉ PR mà sách không ra gì thì cùng lắm chỉ qua mắt độc giả được một lần. Vì thế tôi nghĩ trước hết, đầu tiên tác phẩm phải có chất lượng. Người đọc cũng như mấy bà đi ra chợ, họ biết hàng thật hàng giả, biết ngon biết dở, không dễ gì lừa họ. Còn văn chương là thứ hàng hóa đặc biệt, được sản xuất bằng trí tuệ, bằng trái tim, bằng tài năng lại càng khó mà đổi đen thành trắng. Mọi thứ tô vẽ, son phấn, bồng bế đứa con mình cao hơn, to hơn giá trị đích thực với tầm vóc vốn có của nó, PR như thế khác nào tác giả không chỉ làm hại đứa con tâm huyết của mình mà đôi khi còn triệt tiêu con đường sáng tạo của chính mình.

Giới thiệu tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tại Hà Nội, năm 2018.

Vậy có cần PR, giới thiệu tác phẩm? Đành rằng, việc lôi kéo độc giả đến với văn học là cần thiết và rất đáng hoan nghênh, nhất là khi văn hóa đọc đang bị xâm lấn bởi văn hóa nghe nhìn khốc liệt như hiện nay. Nhưng PR thế nào đây để đưa tác phẩm của mình đến với người đọc. Một khi đã đặt sách ra nhà sách để bán (ngoại trừ một số tác giả chỉ in tặng cho vui), thì bất kỳ một quyển sách nào cũng là một vật phẩm kinh doanh. Đã kinh doanh, thì phải tuân thủ quy luật của nó. Quy luật là sách phải hay, chất lượng vẫn là điều kiện then chốt nhất của tác phẩm. Ngoài chính tác giả tự giới thiệu tác phẩm của mình, các nhà văn có thể nhờ những người có khả năng trong lĩnh vực này hỗ trợ. Vấn đề ở đây không còn là PR hay không, mà là PR như thế nào cho đúng để quảng bá sản phẩm, truyền đạt chính xác thông điệp và tôn lên giá trị tác phẩm đến với mọi người. Vì thế theo tôi, nếu in sách để tặng bạn bè nội bộ cho vui thì tùy, còn lại sách của các tác giả đã cưu mang đầu tư để phát hành rộng rãi thì cần được tổ chức giới thiệu bài bản, truyền thông sâu rộng đến công chúng. Trước hết thông qua báo đài, bạn đọc trong nước ít nhiều biết đến để họ tiếp cận với tác phẩm của các nhà văn.

Đặc biệt, Hội Nhà văn là nơi đáng tin cậy, cần đánh giá thật chuẩn mực các tác phẩm của hội viên, không nên bè phái thiên vị, làm xô lệch giá trị tác phẩm. Nếu cần nên mời thêm các nhà văn có uy tín để thẩm định lại trước khi đề xuất trao thưởng hằng năm... Đồng thời Hội đồng nghệ thuật nên chọn các tác phẩm nổi trội đó để giới thiệu một cách bài bản với độc giả, Hội nên dành kinh phí để tổ chức, PR một cách xứng đáng cho tác phẩm hay, tạo dư luận rộng rãi cho bạn đọc cả nước. Các báo đài, các nhà phê bình văn học đến tham dự sẽ có tiếng nói ủng hộ, khen chê..., qua đó chắc chắn các tác phẩm tiêu biểu ấy của các nhà văn  sẽ có sức lan tỏa, mới hy vọng sách sẽ đi vào cuộc sống, đến với bạn đọc cả nước.

NGUYỄN NGỌC HẠNH