Lắm tiền cũng... khổ!

Thứ tư, 10/07/2013 11:32

 

(Cadn.com.vn) - Dự án thủy điện Đăkđrinh được xây dựng trên địa bàn H. Sơn Tây (Quảng Ngãi) và và Kong Plong (Kon Tum) với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Công trình đang gấp rút, công tác đền bù, hỗ trợ người dân tái định cư cũng đang tập trung triển khai. Người dân cũng đã nhận tiền, rất nhiều tiền... và phát sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt.

 

Ngày lái xe bạc tỷ, tối ngủ nhà rách nát

 

2 tháng qua, ở xã Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi) xuất hiện một ô-tô Innova mới cáu được anh Đinh Văn Trãi, 26 tuổi, tậu về. Có xe mới gần tỷ đồng, suốt ngày anh Trãi lái xuống phố ăn chơi khiến  giới có tiền cũng lác mắt.

 

Được biết, anh Trãi được nhận tiền đền bù, hỗ trợ hàng tỷ đồng. Sẵn số tiền lớn, Trãi mặc sức ăn chơi, mua sắm. Song tìm đến ngôi nhà của Trãi, không ai tin nổi nó tồi tàn, tạm bợ, rách nát đến thế. Cũng không cần quan tâm chuyện nhà cửa, ngoài mua ô-tô, Trãi còn chơi ngông tiếp tục lấy em ruột của vợ, sinh một người con. Bây giờ hai chị em ruột có chung một chồng, 4 con. Trãi thổ lộ: "Chắc tiếp tục có vợ nữa, chứ ngán cũ rồi". Không những thế, Trãi xuống miền xuôi ăn chơi còn cặp nhiều "đào", sẵn sàng mua cho "em út" iphon cả chục triệu mà không một chút lưỡng lự. Tuy nhiên, khi về lại Sơn Liên, Trãi chui vào ngôi nhà tồi tàn, tạm bợ cùng vợ con nheo nhóc.

 

Những người chơi "ngông" như anh Trãi khi có tiền đền bù, hỗ trợ từ thủy điện Đăkđrinh không hiếm. Hình ảnh người dân ở đây nhận tiền đền bù thủy điện Đăkđrinh suốt ngày ăn nhậu, vui chơi đã quá quen thuộc. Hệ lụy này kéo theo lười làm nương rẫy, tiền bạc ngày càng hết, dần dần bán tài sản, nương rẫy.

 

 

 

 Người dân vừa nhận tiền đền bù ra phải trả tiền một lúc cho nhiều con nợ

 

Vừa nhận tiền tỷ, chủ nợ vây quanh

 

76 hộ dân và cá nhân bị ảnh hưởng lòng hồ xã Sơn Liên được đền bù, hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng. Dự báo lắm tiền sinh lắm tật, cùng với công tác đảm bảo ANTT, CAH Sơn Tây và lãnh đạo huyện vận động người dân gửi tiền tiết kiệm ngay khi vừa nhận tiền. Tuy nhiên, tại các địa điểm chi trả, đầu nậu đất, chủ nợ của người dân bao quanh. Vừa nhận tiền, người dân đã bị... bắt trả nợ. Sự việc xuất phát từ trước, biết được sẽ nhận tiền đền bù, hỗ trợ, các lái thương đã gạ gẫm người dân thỏa thích vay tiền mua sắm, ăn tiêu. Hoặc có người dân đứng tên đất, nhưng thực tế đất đã bán trước đó cho nhiều người...

 

 

 

Các chủ nợ, chủ đất giành giật túi tiền "con nợ" 

 

Anh Đinh Văn T. (Sơn Liên) nhận gần 2 tỷ đồng nhưng từ UBND xã về đến nhà chưa đầy 2 km, anh đã bị các chủ nợ xiết sạch. May mà trước đó, CAH vận động anh đã gởi được một ít vào ngân hàng. Ông Đinh Văn Ninh (Sơn Liên) được gần 150 triệu đồng. Khi vừa cầm túi tiền ra ngoài đã bị các chủ nợ, chủ đất lấy sạch. "Tôi cũng không biết nữa, nhận tiền ra khỏi UBND xã thì bị họ lấy hết tiền. Họ cho lại tôi 50 nghìn đồng".

 

Tại buổi đền bù, hỗ trợ, có hàng chục chủ nợ với đủ thành phần chờ chực tại UBND xã. Nhiều người có trên chục "con nợ" được nhận tiền đền bù, hỗ trợ lần này. Bên cạnh đó, một đội ngũ tiếp thị bán xe máy, hàng điện tử cũng túc trực ngày đêm. Người dân vừa nhận tiền ra về, họ bám theo gạ gẫm mua bán.

 

 

 

 Những đứa trẻ này rồi sẽ ra sao khi công trình thủy điện tích nước thì cũng là lúc tiền đền bù cha mẹ đã tiêu hết, đất sản xuất không còn nữa.

 

Tại buổi nhận tiền, không ít vụ xô xát, tranh giành nhau tiền nợ ở phía ngoài đã bị lực lượng CA kịp thời ngăn chặn. Trung tá Trần Minh Thành, Phó trưởng CAH Sơn Tây cho hay: "CAH lập kế hoạch bảo vệ, bố trí nhiều cán bộ đảm bảo ANTT. Tuy nhiên một số trường hợp do tranh chấp việc mua bán đã dẫn đến xô xát. Chúng tôi sẽ đề nghị tạm dừng chi trả những trường hợp nào tranh chấp. Còn đối tượng nào có hành vi cưỡng đoạt hoặc lừa lấy tiền người dân thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm".

 

 

 

 Ngôi nhà tồi tàn lay lắt của anh Trãi bên sườn núi.

 

Chính quyền lo lắng

 

Ông Đinh Văn Rít, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Liên cho biết: "Khi nhận được một số tiền quá lớn, người dân ở đây thực sự choáng ngợp. Tâm lý muốn tiêu xài, được hưởng thụ cũng từ đó bắt đầu nảy sinh. Các lái thương, người miền xuôi về tận làng lừa phỉnh người dân bán, cầm cố đất được đền bù, hoặc cho người dân thoải mái tiêu xài nợ. Chúng tôi cũng tuyên truyền để dân gửi tiền tiết kiệm, dùng tiền để sản xuất nhưng nhiều hộ không nghe".

 

Hiện tại, tổng số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của dân xã Sơn Liên gửi tiết kiệm khoảng 19 tỷ đồng, xã Sơn Dung khoảng 10 tỷ. Trong khi đó tổng số tiền dự án đã chi trả cho dân lên đến hàng trăm tỷ đồng. "Số này có lẽ đã chi tiêu hết rồi. Còn số tiền ngân hàng đang giữ hộ cho dân cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Huyện đang nghĩ cách giúp dân sử dụng đồng tiền còn lại sao cho hiệu quả mà vẫn chưa tìm ra" - ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND H. Sơn Tây thổ lộ.

 

Hậu thủy điện Đăkđrinh, nhiều người sẽ không còn đất, hàng ngàn hộ ở Sơn Tây không còn phải ra ruộng, lên rẫy như xưa... Không có việc làm ắt sẽ kéo theo bao hệ lụy và "nhàn cư vi bất thiện" sẽ là tất yếu. Rồi tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nếu cứ để "nằm im" trong ngân hàng thì chẳng thể mang lại cho người dân việc làm, tinh thần yêu lao động. Rõ ràng là điều đáng lo ngại! Bài toán giữ lại tiền cho dân khó một thì tìm việc làm cho dân sau dự án có lẽ khó gấp trăm ngàn lần... và đến nay vẫn chưa có lời giải.

 

T. Sự