Làm vợ lính Trường Sa
(Cadn.com.vn) - Theo lời giới thiệu của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Hòa Phước, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, chúng tôi đến thăm cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình, có chồng là thượng úy Trương Hữu Vũ, đang công tác tại đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, ở Tổ 16C, P. Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ, vào một ngày đầu xuân. Thật bất ngờ, hôm đó là kỷ niệm tròn 5 năm ngày cưới của vợ chồng cô giáo. Đôi mắt đỏ hoe, cô giáo trẻ cười hạnh phúc: “5 năm cưới nhau nhưng chúng em chỉ được gần nhau vào cái tết năm đầu tiên. Hôm qua thằng cu Minh mới gọi điện cho ba, hỏi: “Ba ơi ba có nhớ ngày mai là ngày gì không? Ba cố gắng công tác cho tốt nhé...”. Ảnh trả lời: “Ba nhớ chứ, con với mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, ba sẽ về thăm 2 hai mẹ con”... Cô Bình bảo, ngôi nhà nhỏ này vừa mới mua được 6 tháng nay bằng tiền lương dành dụm của chồng và vay mượn thêm. Còn mấy năm trước mẹ con cô phải ở nhà thuê... Cùng quê ở Lý Nhân, Hà Nam, tình yêu nảy nở từ thời học cấp ba với nhau, rồi Bình thi đậu vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, còn Vũ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Bình ra trường trước Vũ một năm, được nhận về làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thủ đô, cuối năm 2010, khi công việc của Bình đã bắt đầu ổn định, cũng là lúc Vũ tốt nghiệp ra trường. Những tưởng sẽ được gần nhau nhưng Vũ được điều động nhận công tác tại vùng 3 Hải quân tại Đà Nẵng. Xác định nhiệm vụ của mình sẽ rất vất vả, xa xôi, Vũ đã lựa lời nói với Bình: “Hay là chúng mình chia tay...”, Bình bảo: “ Từ lâu em đã xác định mình là vợ lính, đã là vợ lính sẽ là gian nan, vất vả, dù anh nhận nhiệm vụ ở đâu, em cũng theo anh...”. Đám cưới của đôi trai gái trẻ được tổ chức trước ngày Vũ lên đường nhận nhiệm vụ mới.
Tác giả trong lần tới thăm Đảo Nam Yết, Trường Sa năm 2012. |
Khi làm cán bộ huấn luyện tại Tiểu đoàn 355, vùng 3 Hải Quân, đơn vị đóng quân tại xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng. Mới mang bầu cu Minh hai tháng, Bình đã lặn lội vào với chồng. Cô xin được dạy tiếng Anh hợp đồng ngắn hạn tại Trường THCS Hòa Khương và thuê ở nhờ một nhà người dân bên doanh trại đơn vị chồng. Bình kể, những ngày đầu cô không thể ngờ cuộc sống vợ chồng lại gian nan như vậy. Nơi đơn vị Vũ đóng quân ngày ấy còn heo hút, thưa thớt dân cư, mà một cô gái đã làm việc ổn định ở thủ đô như Bình lại có thể chịu đựng nổi! Chỉ có tình yêu mới giúp Bình vượt qua tất cả... Cuối năm 2011, khi Bình vừa sinh cu Minh, cũng là lúc Vũ lại nhận lệnh điều động nhận nhiệm vụ mới tại Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải Quân tận Cam Ranh, Khánh Hòa. Tết năm 2012 là cái tết đầu tiên vợ chồng được gần nhau kể từ đó tới nay. Vũ vào nhận nhiệm vụ ở Khánh Hòa, khi con trai mới vừa hơn 2 tháng, lại đang mắc chứng viêm ruột cấp. Bình tất tả vừa chăm sóc con, vừa lo đi dạy kiếm sống. Vì nhiệm vụ, tết năm 2013, Vũ cũng không thể về thăm vợ con, tháng 4-2013, anh xuống tàu nhận nhiệm vụ tại đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa. Vậy là biền biệt biển trời cách trở...
Tháng 6-2014, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho các gia đình thân nhân ra thăm bộ đội ngoài Trường Sa, cô giáo Bình cũng được ra thăm chồng trong đợt này. Ra Trường Sa, được thấy cuộc sống và chiến đấu của những người lính còn vô cùng gian nan, vất vả, Bình càng thấy tình yêu của mình lớn lao vô cùng, cô hạnh phúc vì mình đang là điểm tựa, là hậu phương vững chắc của những người lính, trong đó có chồng mình, đang ngày đêm canh giữ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc. Tháng 8-2014, Vũ về phép, sau hơn 2 năm mới gặp được con, thời gian nghỉ phép ngắn ngủi chỉ kịp cho bố con “làm quen” nhau. Được cái cu Minh rất quấn bố, mới học mẫu giáo, nói còn chưa sõi, nhưng nó bi bô “khoe” với mọi người: “Bố cháu là bộ đội Hải quân ở Trường Sa...”.
Mẹ con cô giáo Bình, vợ Thượng úy Trương Hữu Vũ - đang công tác tại đảo Nam Yết, Trường Sa. |
Tôi đã từng đọc biết bao những vần thơ của lính ở Trường Sa: “Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển/ Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết/... Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi/ Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi/Để con chúng mình nghe tiếng biển khơi/ Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ/ Gửi tiếng biển về ru giấc con thôi...”. Sau lần Vũ về phép ấy, đã thêm 2 cái tết nữa vợ chồng Bình và Vũ không được gần nhau. Cô Bình kể, hàng ngày vợ chồng chỉ gặp nhau 2 lần qua điện thoại, cu Minh mỗi lần gọi điện cho bố cũng bi bô đủ chuyện, những hôm thời tiết xấu, biển động, sóng điện thoại chập chờn, chỉ nghe tiếng được tiếng mất, chuyện của vợ chồng đúng như lời thơ của lính “Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi/... gửi tiếng biển về ru giấc con thôi...”.
Chia tay cô giáo trẻ, điều khiến chúng tôi băn khoăn, day dứt mãi là hiện nay Bình vẫn chưa có điều kiện công tác ổn định. Hiện cô vẫn đang là giáo viên dạy theo chế độ hợp đồng tại Trường Tiểu học Hòa Phước. Qua bài báo này, chúng tôi rất mong muốn chính quyền và ngành giáo dục TP Đà Nẵng, huyện Hòa Vang xem xét, giúp đỡ, tạo điều kiện để cô giáo Bình có được nơi công tác ổn định hơn để chồng yên tâm công tác nơi đảo xa.
Ở Đà Nẵng, tôi đã gặp nhiều người vợ lính Trường Sa như cô giáo Bình, dù khó khăn đến mấy họ vẫn tần tảo, lo toan mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái để chồng yên tâm công tác. Những người lính ngoài đảo xa có một hậu phương vững chắc luôn lạc quan, chắc tay súng bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Xin kết thúc bài viết bằng những vần thơ của lính: “ Anh biết đất liền đang lo lắng khôn nguôi/ Đâu riêng vợ yêu mà hàng triệu triệu người/ Hướng về phía Đông lặng nghe tiếng biển/ Mong bình yên cho tàu cá ra khơi/ Vợ yêu ơi... anh phải đi trực rồi/ Phút chào nhau tiếng biển bỗng mặn môi/ Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn/ Gọi để vợ yêu nghe tiếng biển... tiếng yêu đời”.
Hồng Thanh