Làn sóng Covid-19 thứ hai: Quốc gia châu Á nào có nguy cơ cao nhất?

Thứ hai, 22/06/2020 14:18

Một số quốc gia Châu Á đang chứng kiến sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 mới khi các nước này mở cửa trở lại nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, dù nhiều nước hiện đã được trang bị tốt hơn để xử lý đợt bùng phát dịch mới, thì nguy cơ lây nhiễm tại địa phương vẫn là điều đáng lo.

Một phụ nữ đạp xe về nhà trong giờ cao điểm ở Bắc Kinh hôm 18-6. Ảnh: EPA-EFE

Đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 ở Trung Quốc khiến thế giới lo sợ, đặc biệt là các quốc gia đã có một số thành công trong việc kiểm soát đại dịch và đang tiến lên để mở cửa trở lại nền kinh tế vốn đã bị vùi dập trong đợt dịch vừa qua.

Một số quốc gia Châu Á nới lỏng các hạn chế đi lại và nối lại một số hoạt động kinh tế, bao gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong tháng trước đã báo cáo hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Các thủ đô là nơi có nhiều ca nhiễm mới nhất, một phần do lưu lượng người cao. Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai của Trung Quốc tập trung ở Bắc Kinh, với ít nhất 184 trường hợp nhiễm mới được báo cáo kể từ tuần trước, buộc các nhà chức trách phải hủy bỏ các chuyến bay nội địa, cấm đi du lịch nước ngoài và áp dụng lệnh phong tỏa một phần.

Thách thức vẫn còn đó

Về triển vọng đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai, các chuyên gia cho rằng các chính quyền khu vực dường như đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó sau những trải nghiệm thực tế mà họ đã trải qua trong đại dịch ban đầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng các thách thức vẫn còn, đặc biệt là việc duy trì cảnh giác và đảm bảo rằng các ổ dịch nhỏ nhanh chóng được dập để chúng không biến thành các ổ lớn hơn và không thể kiểm soát.

Paul Ananth Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Nhiễm trùng lâm sàng Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia và cộng đồng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng bởi làn sóng Covid-19 thứ hai là những nước có các ca lây nhiễm tại địa phương, với số lượng lên tới hàng trăm hoặc hàng ngàn ca mỗi ngày. Theo ông Tambyah, Ấn Độ là nước có nguy cơ cao, với 13.586 ca mới chỉ trong ngày 19-6. Số người tử vong hiện ở mức 12.573 người. Ở nước láng giềng Pakistan, 136 trường hợp tử vong đã được báo cáo trong ngày 19-6, đưa tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 lên 3.229 ca và tổng số ca nhiễm bệnh lên 165.062. Tại Indonesia, dù đã tăng cường xét nghiệm nhằm đáp ứng mục tiêu 20.000 người được xét nghiệm mỗi ngày của Tổng thống Joko Widodo, nước này đã báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm mới hôm 18-5, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trong khi đó, các quốc gia vượt qua làn sóng đại dịch đầu tiên hiện đang chuẩn bị để ngăn chặn sự xuất hiện của làn sóng thứ hai. Hàn Quốc có thêm 49 ca nhiễm mới hôm 19-6, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 12.306 người. Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, 26 trường hợp được báo cáo ở thủ đô Seoul đông đúc và các khu vực đô thị lân cận. Theo ông Lee Hoan-jong, Giáo sư danh dự tại Bệnh viện Nhi đồng Đại học Quốc gia Seoul, tình trạng virus lây lan rộng hơn và nhanh hơn là không thể tránh khỏi sau khi Hàn Quốc nới lỏng giản cách xã hội khoảng một tháng trước đó.

Các nhà chức trách y tế Hàn Quốc cho biết, nước này phải tự chuẩn bị cho nhiều ca nhiễm theo cụm ở Seoul và các khu vực khác, đồng thời cảnh báo, đại dịch lan rộng có thể kéo dài trong mùa hè này. Giáo sư Dịch tễ học Ki Moran cho rằng, “Hàn Quốc phải thắt chặt giãn cách xã hội, nếu không, chúng ta có thể có 800 ca nhiễm mới mỗi ngày trong một tháng tới”. Tình hình cũng rất đáng lo ngại ở Nhật Bản, nơi các chuyên gia y tế cho rằng, có khả năng cao đợt dịch thứ hai sẽ tấn công nước này. Các quan chức ở Tokyo đã xác nhận 41 trường hợp nhiễm mới hôm 18-6, đánh dấu lần thứ ba trong tuần qua thủ đô Nhật Bản có hơn 40 ca nhiễm mới trong một ngày. Tổng số ca nhiễm hiện tại ở Tokyo lên tới 5.674 ca.

Theo ông Kazuhiro Tateda, chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID), nhiều trường hợp nhiễm mới gần đây ở Tokyo có thể được truy nguyên từ cuộc sống về đêm của thành phố. Để bảo vệ chống lại làn sóng thứ hai, các nhà chức trách Nhật đã đưa ra một loạt các hướng dẫn đối với ngành công nghiệp giải trí về đêm. Tuy nhiên, Yoko Tsukamoto, giáo sư kiểm soát nhiễm trùng tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido, cho biết thật khó để các doanh nghiệp tuân theo.

Tình hình cũng không khả quan lắm ở Australia, nơi hàng chục trường hợp mới được ghi nhận trong tuần qua, phần lớn từ bang Victoria. Hôm 17-6, tiểu bang đã ghi nhận mức tăng hàng ngày cao nhất trong hơn một tháng qua với 21 ca nhiễm mới.

Làn sóng thứ hai sẽ như thế nào?

Làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ như thế nào, nhiều chuyên gia không chắc chắn.

Michael Baker, Giáo sư Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington cho rằng, khả năng xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ thay đổi tùy thuộc vào các chiến lược mà các quốc gia sử dụng. “Chẳng hạn, New Zealand đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa rất thận trọng khi đất nước không còn trường hợp nhiễm bệnh nào, vì vậy nước này rất khó xuất hiện đợt bùng phát mới”, ông Baker nhận định. “Một số quốc gia khác ở Châu Á cũng kiểm soát rất tốt tình hình theo cách tương tự, vì vậy họ không có thêm nhiều ca nhiễm mới sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa”, ông Baker nói thêm. Ngược lại, tại Mỹ, một số bang sắp dỡ bỏ lệnh phong tỏa có thể chứng kiến sự gia tăng lớn các trường hợp nhiễm bệnh mới vì vẫn còn rất nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, và có thể bắt đầu các chuỗi lây truyền mới.

Về những bài học mà Châu Á có thể rút ra được từ làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, ông Baker đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang để giảm lây nhiễm, cũng như tăng cường xét nghiệm và áp dụng hệ thống theo dõi hiệu suất cao. Theo ông Baker, khả năng lãnh đạo tốt và ứng phó nhanh với đại dịch cũng quan trọng không kém.

AN BÌNH

>> Trung Quốc “khóa chặt” Bắc Kinh vì Covid-19

>> Trung Quốc thông báo nguồn gốc ổ Covid-19 mới ở Bắc Kinh, WHO nói 'chưa chắc chắn, cần điều tra'

>> Dịch Covid-19 có thể khiến số người “siêu nghèo” tăng sốc