Lan tỏa văn hóa từ lớp tiếng Nhật miễn phí

Thứ tư, 28/12/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Lớp dạy tiếng Nhật miễn phí dành cho trẻ em được TTVHTT và Phòng GDĐT TP Hội An phối hợp với đoàn nghệ thuật Nhật Bản tổ chức hơn hai tháng qua tại số 39-Nguyễn Thái Học (TP Hội An, Quảng Nam) không chỉ là cơ hội để học tập mà đây còn là nơi lan tỏa nhiều những giá trị văn hóa, lễ nghi... vốn giàu bản sắc của con người Nhật Bản. Bắt đầu bài học mới thầy Abe Toru (77 tuổi) không vội đi thẳng vào vấn đề chính, mà kể về câu chuyện hình thành nước Nhật với nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp hài hòa giữa cái mới và cái cũ. Rồi thầy lấy bộ trang phục truyền thống Kimono của đất nước mình ra làm dẫn chứng, phân tích những nét độc đáo trong thiết kế của bộ trang phục và giải thích vì sao bộ trang phục lại gắn liền với lịch sử nước Nhật cho học trò của mình. Lý giải điều đó, thầy bảo: “Việc dạy tiếng Nhật cho các học trò phải dạy một cách nhẹ nhàng thì học trò mới hiểu. Cũng như văn hóa Nhật Bản, tất cả đều phải chậm rãi. Với việc kể những câu chuyện liên quan như thế học trò sẽ hứng thú hơn từ đó việc học tiếng Nhật mới đạt hiệu quả cao nhất”.

Lớp dạy tiếng Nhật miễn phí dành cho trẻ em do thầy Abe Toru và những người bạn của mình đến từ Nhật Bản trực tiếp đứng lớp. Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản được UBND TP Hội An phát động vừa qua. Lớp học được mở, duy trì chính từ tấm lòng của những người bạn quốc tế dành cho Việt Nam. Thầy Abe Toru chia sẻ: “Tôi vốn là một doanh nhân làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm. Đến tuổi về hưu, Hội An đã níu chân và tôi quyết định sẽ cống hiến một phần nào đó để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Và, mở lớp dạy tiếng Nhật chính là hoạt động hữu hiệu nhất”. Chính từ tình cảm đó, đúng 17 giờ, thầy Abe Toru lặn lội đạp xe đến lớp để truyền dạy cho những học trò nhỏ. Từ việc học cách đánh vần, phát âm, cách viết cho đến những cấu trúc, phương pháp sử dụng tiếng Nhật hiệu quả… đều được thầy tận tình chỉ bảo. “Bảng chữ cái tiếng Nhật gồm 46 chữ nhưng chỉ mất một buổi là các học trò có thể tiếp thu và đọc thuộc lòng. Nhiều em còn phát âm rất chuẩn, thậm chí còn hay hơn một số người bản địa”, thầy Abe Toru nói. Ngoài thầy Abe Toru, còn có thầy Hyrotara - trưởng đoàn Nghệ thuật Tokyo Shirubakai và thầy Suzuki thay phiên nhau đứng lớp từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Tất cả những bài học từ cơ bản đến nâng cao đều được các thầy giảng dạy chi tiết, cụ thể. Điều đặc biệt ở lớp học tiếng Nhật chính là những bài học về văn hóa luôn được các thầy lồng ghép vào để giáo dục học trò. “Trước đây những phong tục tập quán, phong cách ăn nói, đi đứng... của con người Nhật Bản vốn “vang khắp năm Châu” nhưng chúng em chỉ được nghe qua sách, báo. Thế nhưng, học với các thầy những tinh hoa đó các em đều được chứng kiến tận mắt, được học tập, tiếp thu là niềm vinh dự lớn đối với các em. Trong mỗi tiết học các thầy luôn tổ chức những trò chơi hấp dẫn, bổ ích khiến không khí bao giờ cũng tràn ngập niềm vui”, em Trần Thị Sương (học sinh lớp 5, trường THCS Phù Đổng) bộc bạch.

Thầy Abe Toru luôn lồng ghép những trò chơi, câu chuyện gắn liền với văn hóa Nhật
vào mỗi bài giảng của mình.

Hiện số lượng học sinh theo học là 40 em chia làm hai lớp, chắt lọc từ những học sinh ưu tú nhất của hai trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Phù Đổng. Ngoài ra, với mong muốn tạo điều kiện học tiếng Nhật cho học sinh các trường khác, thầy Abe Toru còn dành hẳn không gian chật hẹp trong phòng khách tại căn nhà thuê của mình để mở thêm lớp học ban ngày. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hội An nhận xét: “Hiệu quả mà lớp học mang lại rất cao. Ngoài việc học các kỹ năng tiếng Nhật các em còn có cơ hội tiếp cận với một trong những nền văn hóa giàu bản sắc của khu vực. Hơn nữa, lớp học chính là sợi dây gắn kết, minh chứng cho tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Phi Nông