Làng bán... sách

Thứ bảy, 16/08/2014 08:38

(Cadn.com.vn) - Ông V.N, cán bộ UBND xã Bình Trung, H. Thăng Bình (Quảng Nam) hóm hỉnh: "Nhờ nghề bán sách mà đời sống người dân Kế Xuyên khá hẳn lên. Song không phải ai cũng theo được nghề này". Vậy nghề "bán"... sách có gì khó mà chỉ riêng người dân Kế Xuyên mới có thể thực hiện được?

Theo cách giải thích nôm na của nhiều người, bán sách ở đây là bán sách dạo. Song nghề bán sách ở Kế Xuyên không phải nằm ở tiệm sách và nó được nâng thành "công nghệ" hẳn hoi và chẳng mấy người có thể theo đuổi nghề lâu dài. Ông Huỳnh P., trú Bình Trung, một người bán sách đã giải nghệ bật mí: "Về vốn đã có những đầu nậu lo, người bán chỉ bỏ công đi lại... Ngày nào bán được từ 3 đến 4 cuốn sách có thể bỏ túi từ 500.000 đến 600.000 đồng. Với mức thu nhập như vậy, những người lao động nông nghiệp ở Thăng Bình có mơ cũng... chẳng thấy. Song nhiều người không có duyên, bán cả tuần chưa được một cuốn".

Các chân rết bán sách dạo ở Kế Xuyên tập trung vào 3 đầu nậu chính là B. (Hời), L. (Tồ), H. (Ke). Công việc của các nậu là liên hệ với các nhà xuất bản nổi tiếng tìm mối. Cụ thể, khi nhận thông tin nhà xuất bản X., Y. tổ chức xuất bản một đầu sách mới, các đầu nậu liền liên hệ nhận sách bán, với chi phí "khá thấp" so với giá bìa. Để "xuất bản" số sách  trên, nhà xuất bản có trách nhiệm cung cấp giấy giới thiệu, còn các đầu nậu chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ các chi phí và lo công đoạn bán... sách. Theo anh C., một người bán sách lâu năm ở Kế Xuyên 1, muốn tham gia đường dây này phải có các yêu cầu: ngoại hình dễ nhìn, chấp nhận xa nhà dài ngày, tự túc phương tiện đi lại và nhất là có khiếu ăn nói. Để phù hợp với nghề bán sách, đầu nậu trang bị trang phục (tất, giày, áo, nịt...) sao cho phù hợp với từng nhà xuất bản của từng ngành. Bước tiếp theo là việc "tìm" người mua.

Theo sự phân công của các đầu nậu, mỗi tổ có từ 2-4 người thông qua các dịch vụ của ngành bưu điện, tìm hiểu địa chỉ, số điện thoại, người đứng đầu từng cơ quan để "liên hệ công tác". Do thu nhập từ nghề bán sách cao nên công việc này thu hút nhiều lao động (kể cả phụ nữ) cùng tham gia. Trưởng CAX Bình Trung Dương Thành Trí cho biết: "Ban đầu, chỉ có người dân ở 2 thôn Kế Xuyên 1, 2 tham gia bán sách, song đến nay cả 7 thôn đều có người tham gia. Thời gian cao điểm, toàn xã có đến 300 người đi bán sách.

Ông Huỳnh P. tâm sự cùng P.V.

Do thực hiện theo kiểu tự phát và mang đặc điểm "đeo bám" nên thực trạng bán sách dạo đã gây không ít khó khăn, phiền toái cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Để đối phó với tình trạng này, nhiều cơ quan đồng loạt dán ngay lối ra vào các biển "Không mua sách báo", "Không tiếp người bán sách" để từ chối. Gần đây, việc kinh doanh sách đi vào giai đoạn khó khăn, những đầu nậu chuyển hướng sang lĩnh vực... từ thiện và tổ chức sự kiện!.

Mặc dù công việc mới này chẳng khác gì chuyện bán sách song xét về thủ tục có phần "rườm rà" hơn. Do cần có tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng tổ chức các đêm văn nghệ tình thương với các hội, đoàn thể (như Hội Chữ Thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam, đoàn nghệ thuật...) nên các đầu nậu đứng ra thành lập Cty TNHH. Mới thoạt nghe giới thiệu về đêm ca nhạc, ai cũng nghĩ đây là hoạt động thuần túy mang tính  nhân đạo song khi "mổ xẻ" từ khâu tổ chức đến việc quyên tiền, mới thấy sau vẻ bề ngoài hào nhoáng vẫn là lợi nhuận. Tại những hợp đồng như vậy, ngoài những điều khoản thực hiện, như địa phương lo địa điểm, giấy giới thiệu...; đơn vị tổ chức lo nội dung buổi diễn, in ấn, phát hành vé; tỷ lệ "ăn chia" giữa hai bên là 50/50 sau khi trừ đi các chi phí.

Đồng thời, trong "nội bộ" đơn vị tổ chức cũng thỏa thuận tỷ lệ hoa hồng các bên được hưởng rất cụ thể: các đầu nậu hưởng 40% số tiền lãi; người trực tiếp bán vé, quyên góp hưởng 60%. Tuy nhiên, tỷ lệ đó cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng vé phát hành hoặc số tiền quyên góp. Sau khi có được giấy giới thiệu do lãnh đạo địa phương hoặc các hội, đoàn thể cấp, Cty tổ chức "tiếp thị" đến các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn yêu cầu mua... ủng hộ.

Tuy nhiên, do nể vì "mục đích từ thiện" và "ủng hộ" nên có không ít đơn vị, địa phương "ăn quả đắng". Thực tiễn đã xảy ra: năm 2007 tại địa phương Bình Trung, Thăng Bình, lợi dụng danh nghĩa tổ chức đêm văn nghệ từ thiện, Ban Tổ chức "ẵm" toàn bộ tiền bán vé; đêm văn nghệ quyên tiền ủng hộ chương trình mổ tim cho người nghèo tại tỉnh Khánh Hòa, đơn vị tổ chức bỏ túi ngót nghét gần chục tỷ đồng từ số tiền quyên được từ các nhà hảo tâm. Phát hiện sự việc, CA tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc, tổ chức thu hồi số tiền thu lợi bất chính trên.

"Không mua sách".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc tổ chức văn nghệ. từ thiện gây quỹ giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, một số cá nhân còn tự xưng là cán bộ ngành Thuế điện thoại yêu cầu các doanh nghiệp mua băng đĩa VCD có các nội dung hướng dẫn báo cáo, quyết toán thuế; các văn bản mới về pháp luật... Trắng trợn hơn, khi bị từ chối họ quay sang hù dọa sẽ "cử" thanh tra vào kiểm tra... Với việc làm "từ thiện" như vậy, thu nhập mỗi người từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/tháng.

Việc lợi dụng danh nghĩa phát hành sách, báo, tổ chức văn nghệ... từ thiện có thể chỉ là hành động của một nhóm người, song nó ảnh hưởng đến đội ngũ những người hành nghề bán sách dạo, làm từ thiện không chỉ của Kế Xuyên, Bình Trung mà còn đến các vùng lân cận; đến hình ảnh người cán bộ của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp đồng thời tạo ra dư luận xấu trong xã hội. Mong rằng, các cơ quan, đơn vị chức năng sớm quy định, chế tài các loại hình này nhằm ngăn chặn những ai lợi dụng danh nghĩa bán sách, làm từ thiện để trục lợi.

M.T