Làng biển xuất hành đầu năm
Chuyện xuất hành đầu năm với người Việt luôn là một yếu tố quan trọng trong văn hóa tâm linh. Và với những người làm nghề biển thì việc xuất hành không chỉ gắn liền với quan niệm "có kiêng có lành" nữa mà còn là cả cơ nghiệp bởi mỗi chuyến đi biển họ đều phải đặt cược cả số phận, gia sản của mình.
Mồng 6 tết, tìm đến bến cá Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam) không khí vẫn còn rất im ắng. Những chiếc tàu công suất lớn vẫn còn nằm bờ, đây đó một vài con tàu nhỏ chòng chành ra khơi. "Năm rồi biển động nhiều dân biển chúng tôi làm ăn khó khăn lắm. Có tháng chỉ ra khơi được đúng 3 ngày còn đâu ngồi nhà chơi không. Nói thật chứ tết này nhiều người không có tiền mà sắm sửa cái gì", bà Quý (45 tuổi, làm nghề cào ruốc) cho hay. Bà Quý cho biết xuất hành đối với người làm nghề biển vô cùng quan trọng và quyết định đến chuyện "hên, xui" cả năm. Năm nào cũng vậy đến 12 tháng giêng là bà con nghề biển nơi đây lại góp tiền để làng tổ chức lễ cúng. Thế nhưng ngoài lễ chính thì mỗi chủ đều phải có lễ riêng cho thuyền của mình.
Những chiếc ghe nhỏ xuất hành ra biển đầu tiên. |
Loay hoay sửa soạn mỏ neo, anh Nguyễn Văn Hòa (trú thôn 3 Bình Minh) cho hay lễ cúng của ngư dân có nhiều khác biệt so với cúng đất đai thông thường. Trước khi bắt đầu soạn lễ cúng lưới được giặt sạch nhuộm kỹ, xem ngày giờ đại lợi xuống dọn thuyền để ngày sau khởi sự đi làm. Năm nay mồng 6 tết được xem là ngày tốt để xuất hành. Sau khi xuất hành thì đến lễ cúng được tổ chức riêng cho mỗi thuyền. Lễ cúng do chủ thuyền làm chủ có hai mâm cúng, một để cúng Bà Thủy gồm bình bông đĩa quả, đĩa bánh, bốn chén chè, một đĩa xôi, một con gà giò, một xị rượu trắng, tất cả mâm cúng đều được đặt trước mũi thuyền. Bên cạnh mâm cúng chính còn có một mâm nữa được đặt ở giữa thuyền để cúng Quý Bác là những người đi biển chết sóng, chết gió, vì thiên tai nghề biển, bị mất xác trôi sông lạc biển. "Sở dĩ phải cúng Quý Bác và mời họ về thọ lễ cúng là để họ phù hộ cho bổn chủ và đồng nghiệp được bình an, may mắn trong mùa vụ sắp ra quân. Lễ cúng thường là cặp gà trống luộc, thịt heo, chè xôi, bánh trái", anh Hòa cho biết. Một món cúng quan trọng nhất đi kèm mâm cúng đó là "tợ". "Tợ" theo quan niệm của người dân là miếng thịt dùng để cúng những loại cá to, cá sống lâu năm dưới biển. "Tợ" thường là một tảng thịt heo lớn để nguyên khổ đã được luộc. Cúng xong người chủ lễ lấy một cành bông nhỏ nhúng vào ly rượu cúng rồi rảy khắp cả ghe nghề, còn lại tưới trên xỏ mũi, để tẩy uế trước giờ ra khơi. "Sau khi cúng kiếng xong xuôi chủ thuyền sẽ điều khiển thuyền ra làm lễ nhúng nước. Tất cả mọi đồ nghề đều sẽ được nhúng ướt nước biển rồi mới khởi hành".
Nếu như cánh đàn ông lo sửa soạn việc cúng bái thì tại những bến cá những người phụ nữ cũng đang sửa soạn cho mẻ cá đầu năm. Bà Mai (56 tuổi) chia sẻ bí quyết giữ cá tươi trong những ngày tết ít tàu thuyền ra khơi đó là rửa cá bằng nước biển trong. Theo đó ngay từ những ngày cuối năm bà Mai đã đặt hàng cho những chiếc tàu cuối cùng cập bến mang về nước biển được múc tận ngoài khơi. Theo bà Mai đây là kinh nghiệm mà chỉ có dân vùng biển mới biết được. "Ngày tết những cơ sở làm đá cũng nghỉ tết, xe đông lạnh thì không có, nguồn cá lại khan hiếm nên chúng tôi phải trữ cá từ những ngày 29,30 tết để ra tết là có bán ngay. Cá lúc này muốn được tươi lâu thì phải rửa qua bằng nước biển trong thì không sợ ươn, hôi". Những chiếc ghe vừa cập bến bà Mai vội vàng trút vào những con cá đầu tiên rồi xếp vào thùng đợi chuyển đi. "Sau mồng 5 thì cá bán chạy lắm vì lúc này người ta ngán thịt heo bánh tét quá rồi. Lúc này tàu thuyền cũng chưa ra khơi nên tôm cá chủ yếu là ghe nhỏ, ít cá lớn", bà Mai cho biết... Trên vùng biển xanh biếc đầu năm những lá cờ bay phần phật trong gió. Đây đó tiếng hò nhau í ới cột buồm, giăng lưới. Một năm mới lại bắt đầu, những chiếc ghe quay đầu hướng về phía biển chờ đón những chuyến lộc biển đầu tiên của ngư dân xứ Quảng.
Đồng dao