Làng chài giữa phố

Thứ bảy, 04/04/2015 10:56

(Cadn.com.vn) - Đã 9 năm, 9 tháng tròn trịa khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết bài thơ "làng Phao Võng": "Đã lâu vạn đò không mấy ai thả lưới... Đã lâu trên mặt sông rạng sáng/Không còn nghe tiếng lanh canh gõ thuyền /Dỗ giấc mơ tang bồng những đứa trẻ làng Vỹ Dạ". Làng chài Phao Võng, bây giờ là khu vực 5A, tổ 14B, Phường Vĩ Dạ (TP Huế) và cũng là cái làng chài đúng nghĩa chứ  không như nhà thơ đã ví.

Mưu sinh trên làng "Phao Võng"

Hình ảnh đầu tiên làm tôi chú ý khi ghé thăm khu làng chài giữa phố này, chính là 4 mái đầu trắng phơ đang chụm vào nhau chung một ván cờ úp rất hăng say. Đợi ván cờ tàn, tôi mới dám bắt chuyện một ông cụ trạc 70 tuổi. Ông cụ nói: "Khu này, toàn người làm nghề chài lưới. Khoảng 40 đến 50 hộ, hết đời cha rồi lại đến đời con. Nếu không học hành chi thì cũng chỉ có độc một nghề gia truyền là chài lưới này thôi, phận chài rớ như tre mọc. Mấy ông già như tui là tre già, còn bọn trẻ đó là măng đang mọc, rồi con cái chúng nếu không có điều kiện học hành thì lại tiếp bước cha mẹ chúng thôi".

Đời vạn chài luân phiên nối tiếp nhau như tre mọc, con thuyền là người bạn tri kỷ.

Những ngôi nhà nhỏ nằm sát bờ sông, lợp quanh là những tấm pờ-rô xi măng, nhà của dân miền sông nước có khác, chỉ độc một ngôi nhà nằm trơ trọi không vườn tược. Anh Võ Văn Tuấn, 36 tuổi, tâm sự: "Tui bám nghề ni được gần 25 năm, cũng cực lắm. Hai vợ chồng lấy nhau sinh được 3 đứa con rồi mà vẫn chưa cất nổi một căn nhà cho chắc chắn để ở, rứa là biết đời vạn chài khổ tới mức mô rồi. Với lại ở đây mỗi lúc lũ lụt thì nước cứ mặc sức ngập. Cũng may chính quyền cấp đất và tạo điều kiện cho lên bờ, nhưng bây giờ để lên bờ làm nông hay thợ nề thì chúng tôi chịu thua, đành bám sông mãi thôi". Im lặng một lát, anh Tuấn chỉ tay ra ba đứa con dại đang vọc đất bên bờ sông rồi tếu táo: "Làm quanh năm, suốt tháng chỉ dư được mỗi ba mụn con kia thôi!".

Những vạn chài nơi đây quanh năm bồng bềnh với  sông nước. Con cá mỗi lúc một hiếm dần, vì vậy con đường đánh bắt mỗi ngày một dài ra, xa ra và càng khó khăn hơn. Như lời anh Tuấn, 10 năm trở lại đây con sông Như Ý này đã hết nhẵn cá nên từng đoàn thợ lưới lại sắm máy tìm vùng nước mới để đánh bắt. Buổi sáng đoàn của anh Tuấn gồm 6 người khởi hành lúc 5 giờ và phải đi gần 20 cây số mới tới, có những hôm đi xa hơn nữa. Họ đi khắp nơi, nay sông này mai sông khác, có khi về các con sông ở thị trấn Phú Đa hay về đến huyện Phú Lộc, sông Hà Tâm, Hà Tự...  Chúc, sinh năm 1994, cùng đoàn với anh Tuấn cho biết: "Thường thì những đoàn ở đây người ta đi rất sớm, nếu có cá thì về sớm còn không thì phải 1 đến 2 giờ chiều mới về. Mỗi ngày trừ chi phí xăng dầu, mỗi người cũng kiếm được khoảng 2 đến 3 trăm nghìn, nhưng ăn được lộc sông cũng đau răng lắm anh à!".

Chúc nghỉ học sớm nên bám nghề được 4 năm rồi.  Đất Sài Gòn Chúc đã vào thử vận làm ăn nhưng rồi thấy ngao ngán quá nên về. "Thà bồng bềnh, tự tại với con nước này còn bớt cực hơn sống kiếp làm thuê ở Sài Gòn, làm mấy cũng chỉ đủ ăn thôi"-Chúc bộc bạch. Các chuyến vươn xa đánh bắt này họ thường bắt được  các loại cá to như cá gáy, cá rô phi, cá tràu...Đối với dân vạn chài thì mùa lụt lại là mùa "vừa khóc lại vừa cười". Khóc vì nước ngập. Cười vì trúng mùa cá, có khi chỉ cần một mẻ lưới hay một mẻ rớ giàn bắt được cả mấy yến cá.  Khi đã nhận dạng ra vùng cá mới, họ sẽ đánh bắt ở đó tới lúc thấy cá vơi dần thì lại tiếp tục tìm miền khác.

Để tung được những pha chài như thế này rất khó, vì thế chỉ có những tay chài dân gốc có thâm niên lâu năm trong nghề thì mới tung được.

Trên dòng "sông huy chương"

Dòng sông Như Ý được những nhiếp ảnh gia trong tỉnh cũng như một số nhiếp ảnh gia trên khắp mọi miền đất nước mệnh danh là con "sông huy chương". Nguyên nhân nào mà họ gọi sông Như Ý với cái tên cao cả như vậy. Như lời bác Phạm Văn Tràm, 57 tuổi, lý giải: "Gọi thế là bởi vì, dòng sông này đã mang lại cho họ rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật đoạt huy chương. Mà đa số cũng từ loại hình nghệ thuật tung chài, cất vó này thôi". Bác Tràm là một diễn viên tung chài nghiệp dư, khi tôi nói đến hai chữ nghiệp dư này thì bác lại không ưng bụng cho lắm. Vì bác cho rằng mình đã gần mấy chục năm chuyên tung lưới, cất vó cho người ta chụp và gia đình 4 đời làm nghề này, nói đến tung lưới bác dám chắc như đinh đóng cột là sẽ không thua bất cứ một ai.

Như tâm sự của bác, thì để tung được một pha lưới đẹp rất khó cũng như diễn võ vậy, phải có sức khỏe, kỹ thuật và phải là người có thâm niên với nghề thì mới tung được. Bác Tràm khoe: "Tui được mời đi diễn bên Thái Lan lận! Những ngày hội lễ công việc cứ đều đều, thu nhập cũng kha khá. Còn không thì chẳng ăn thua gì". Là người đầu tiên trong làng chài theo diễn loại hình nghệ thuật này, từ lúc 16 tuổi bác đã tung được lưới cho đến bây giờ đã 57 tuổi. Hỏi bác có dự định gì trong tương lai, bác bảo: "Tương lai chi nữa hả chú, tra (già) rồi, ai kêu thì diễn rứa thôi chứ bây giờ muốn phát triển tụi tui cũng chịu".

Chiều hôm đó lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh diễn cảnh quăng chài trên sông. Mặt trời buổi chiều đỏ ửng như quả cau chín, rọi vào mạn thuyền và tấm lưng đám thợ thuyền đang diễn, tạo thành những điểm nhấn sóng sánh màu đỏ ối. Nghe hiệu lệnh của bác Tràm, những đường lưới tung ra từ đôi bàn tay của các ngư dân-diễn viên không chuyên. Những vòng lưới bay lên, một vòng cung ánh sáng huyền ảo, bay lên nơi thượng nguồn sông Như Ý, đẹp đến mê hồn bay nơi thượng nguồn sông Như Ý.

Thanh Đàm