Làng chạy bão

Thứ tư, 30/10/2019 18:00

Đã nhiều năm nay, cứ trước mỗi mùa mưa bão đến, người dân thôn Trà Hoa, xã Trà Lâm (H. Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) lại chuẩn bị tư thế chạy trốn... bão. Nỗi khổ này lặp đi, lặp lại, riết thành... quen và người làng ví von, làng của họ là làng chạy bão.

Nhiều ngôi nhà ở Trà Hoa bỏ hoang sau bão. 

Đi qua những mùa bão

Người dân ở Trà Hoa không rõ từ khi nào và vì sao cha ông họ ngày xưa lại chọn ngọn đồi cao chót vót làm nơi dựng cây nêu, lợp cái nhà, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Ngôi làng có thể thiếu thốn đủ bề, nhưng nắng, gió thì không hề thiếu, còn khi bão "về" thì chẳng chừa làng ra.

Tôi lên thôn Trà Hoa vào một ngày trời đẹp, nhưng những cơn gió mạnh vẫn thổi vùn vụt, quần thảo liên hồi. Gió vít những ngọn cây răng rắc, quật vào tay lái khiến chiếc xe máy của tôi luôn chệnh choạng. Đến cuối con đường gập ghềnh sỏi đá, thôn Trà Hoa hiện ra giữa một khoảng xanh bao la, với những ngôi nhà san sát.

Già làng Hồ Yên là người cao tuổi nhất làng, bước những bước chân chậm rãi đến từng nhà nhắc nhở con cháu tranh thủ phơi lúa cho khô, xay gạo cho nhiều, để dành chống bão. Già Yên bảo: "Gần như năm nào dân làng cũng chạy bão. Bão nhiều thì chạy nhiều. Mùa mưa bão ở nhờ nhà người khác nhiều hơn ở cái nhà của mình. Bão ít thì còn ở lại làng chăm con gà, nuôi con bò. Bão nhiều bỏ nó chạy trốn miết. Bão tan, về đến nhà thì nó đã chết sạch".. Già Yên mời chúng tôi vào nhà uống nước chè xanh hái trên núi cao, ăn cái bắp nướng trồng dưới khe suối rồi chậm rãi kể về những mùa bão quét qua thôn Trà Hoa.

Ông nhớ lại: Năm 2009, cách đây đúng 10 năm, bão bất ngờ ập đến trong đêm. Những cơn gió to khủng khiếp dỡ sạch những mái nhà bằng tôn trong làng. Khi ấy đôi chân còn khỏe, tôi chạy đến từng nhà báo bão, rồi lũ lượt cõng trẻ con, cáng người già "hỏa tốc" theo lối mòn hạ sơn trốn bão. "Tôi khom người gào lên trong gió rít ra hiệu cho cả làng tìm cách trốn chạy.

Đêm tối, mưa to, gió lớn, tôi cõng cha và ôm đứa nhỏ hàng xóm trước ngực chạy xuống núi. Đường trơn, người làng ngã lia lịa...", già Yên tiếp mạch chuyện. Cuộc chạy bão lần ấy kéo dài 3 ngày người dân mới trở về làng. Cả làng khi ấy không còn lấy một nóc nhà nào. Bão đã san bằng tất cả. Phải nhờ bộ đội, thanh niên về dựng lại nhà cho cả làng, để bắt đầu khôi phục lại cuộc sống mới và để tiếp tục đối phó với những cơn bão chẳng chịu buông tha làng...

Thường thì nơi người dân Trà Hoa di tản trú bão là thôn Trà Khương. Thế nhưng năm 2013, khi Trà Khương nứt núi, sạt lở giữa đêm, làng này phải bỏ chạy thoát thân thì người làng Trà Hoa hoang mang tột độ. Họ không còn "làng bên" để sang tá túc nữa, đành phải chọn nơi xa hơn và phải gần một tuần sau mới trở về làng. Sau cơn bão cách đây 6 năm, người thì bị thương, có cả những đứa trẻ trong bụng vì người mẹ chạy bão trượt chân sẩy thai mà vĩnh viễn không có cơ hội được cất tiếng khóc chào đời. Không ít người già, sau chạy bão, trở về làng ốm liệt giường, không qua nổi đã phải "về với Giàng"...

Đã thành nếp, mỗi khi đón bão người Trà Hoa dự trữ lương thực đủ dùng 15 ngày.

Nguyện gắn bó với làng

Trai gái, già trẻ ở Trà Hoa chẳng lạ gì với chuyện chạy bão cả. Mỗi khi thấy trời chuyển, họ tự xúc gạo vào bao, gói thêm ít muối, xếp vài bộ quần áo cũ để sẵn. Đó là hành trang chạy bão của bất kỳ người dân nào sinh ra và lớn lên ở ngôi làng này. Chạy bão lặp đi, lặp lại mỗi năm, nên họ đã quen với cách ứng phó.

 Anh Hồ Văn Đông, người làng Trà Hoa, nói như chấp nhận sống chung với bão: "Chỉ tội những người già, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh xong, sức họ yếu chạy không nổi, còn với người khỏe, chạy bão để bảo vệ tính mạng.

Từ giờ đến tết Nguyên đán là thời điểm mà người làng Trà Hoa lo lắng nhất trong năm. Gặt lúa xong là tranh thủ phơi khô, cất giữ ở chỗ đảm bảo, kể cả là cõng đến nhà khác gửi. Anh Hồ Văn Dũng, ở thôn Trà Hoa, cho biết: "Mình biết giữ lúa cho tốt thì mới còn đủ ăn. Giữ không tốt đến giáp hạt sẽ không còn, khi đó lại mưa bão suốt, không đi làm thuê được thì chỉ có đói".

Ở Trà Hoa có khoảng 40 nóc nhà, người làng chia thành hai khu là Trà Hoa trên và Trà Hoa dưới. Trà Hoa trên là nơi hứng bão, Trà Hoa dưới là nơi đón lũ, vì một ở chót vót trên cao, một nằm ẩn khuất dưới chân núi. Những mái nhà ở nơi đây vì thế cũng có sự khác biệt rất lớn.

Trà Hoa trên với 100% hộ đồng bào dân tộc Cor, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một ngôi nhà sàn truyền thống nào. Toàn bộ là nhà tường xây, mái ngói thấp. Đây là "nhà chống bão" được hỗ trợ xây dựng từ năm 2012. Người làng rất quý những căn nhà tường vững chắc này, vì gió khó lòng quật đổ.

Kể từ khi được hỗ trợ xây nhà, năm nào bão lớn cùng lắm là bay đi mái ngói, việc sửa chữa ít tốn công, tốn của hơn trước nhiều. Còn Trà Hoa dưới vì ở vùng thấp, họ phải làm toàn bộ nhà sàn để không bị nước lũ từ trên cao đổ về tràn vào nhà. Chúng tôi về Trà Hoa đúng lúc người dân chuẩn bị cho việc chống bão sắp tới. Cánh đàn ông trong làng thì khẩn trương làm cáng để sử dụng cáng người già, phụ nữ mới sinh chạy bão. Còn đàn bà thì xay gạo, phân vào từng bao nhỏ, rồi thêm vào gói muối, chai mắm chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình rời làng trốn bão.

Người Trà Hoa bảo rằng, năm nay dù sao cũng bớt lo lắng hơn, vì ngay trong làng đã có 2 ngôi nhà vững chãi có thể trú bão, không cần chạy quá xa như trước. Đó là Nhà văn hóa thôn Trà Hoa vừa được ngân sách đầu tư xây dựng và nhà của một thanh niên sáng dạ tích cóp làm ăn xây dựng khá to, đẹp và an toàn.

Mặc dù luôn hứng chịu gió to, bão lớn, nhưng không một ai ở Trà Hoa muốn bỏ làng đi nơi khác cả. Họ bảo đó là nơi mà ông bà đã sinh sống, lập nghiệp, có ruộng rẫy làm ăn. Đi nơi khác chỉ có cái nhà, không còn ruộng hoặc ruộng ở xa thì khó làm lúa, trồng keo. Bởi thế, họ mong ước được gắn bó với ngôi làng lâu đời này.

Với những người làng nằm giữa non cao này, họ chỉ mong ước được có những căn nhà vững chãi và một con đường bê tông thuận tiện đi lại để dễ bề ứng phó với bão. Đó là khát vọng lớn nhất của người Cor ở ngôi làng có cái tên thật đẹp này.

QngO