Làng đá Non Nước - điểm đến ấn tượng của APEC 2017

Thứ bảy, 21/10/2017 10:11

Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng đã đến gần, công tác chuẩn bị đang được hoàn tất. Làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng (LĐMNNN) đã sẵn sàng tham gia APEC, mong muốn giới thiệu với bạn bè thế giới về nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam được các nghệ nhân thổi hồn, tạc niềm đam mê vào những tác phẩm lạ, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc...

Chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tiến Hiếu 3 với hàng trăm sản phẩm nhỏ
mang đậm nét văn hóa Việt Nam phục vụ APEC. 
   Ảnh: H.Nhật

Nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam

Đối với LĐMNNN Đà Nẵng, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là cơ hội để làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước này quảng bá với bạn bè quốc tế, để thương hiệu LĐMNNN Đà Nẵng không ngừng vươn xa. Nắm bắt cơ hội này, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mấy tháng qua, LĐMNNN Đà Nẵng tất bật chuẩn bị ra mắt nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, mới lạ và đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tiến Hiếu 3, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn là một trong những điểm đến tham quan du lịch, văn hóa phục vụ APEC 2017, đã thật sự làm du khách choáng ngợp bởi sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của sản phẩm. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống của cơ sở như đá mỹ nghệ, đá phong thủy, đá sinh vật cảnh, nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam cuốn hút du khách đến chiêm ngưỡng.

Các sản phẩm được trưng bày bắt mắt, theo từng chủ đề, mỗi sản phẩm mang một nét đẹp văn hóa dân tộc gắn với từng vùng, miền, tạo cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng. Từng hoa văn, họa tiết trên sản phẩm đều đậm nét văn hóa Việt. Hình ảnh làng quê Việt Nam yên bình với tiếng cánh võng kẽo kẹt mẹ ru con, các liền anh liền chị hát câu quan họ, những thiếu nữ Huế thướt tha với tà áo dài và chiếc nón Huế nên thơ, hình ảnh Ngũ âm phục vụ nhã nhạc cung đình Huế, chợ Đêm, những con Nghê, chú Voọc Chà Vá, cây cầu quay Sông Hàn, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn... đều hiện diện một cách sinh động, đặc sắc trên các sản phẩm được trưng bày tại cơ sở. Có khoảng 300- 400 sản phẩm lớn và hàng trăm sản phẩm nhỏ độc đáo đưa vào phục vụ APEC. Các nghệ nhân, nhà điêu khắc LĐMNNN rất tinh tế khi "thổi hồn" đất nước, quê hương vào các sản phẩm nhỏ, mới lạ như những trống đồng xách tay nhỏ xinh; hộp đựng đồ trang sức có hình Chùa Cầu (Hội An), ông Địa, chú Tễu... Ông Phạm Tiến- chủ cơ sở Tiến Hiếu 3 chia sẻ: "Bình thường, mỗi tháng có hơn 1.500 lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm tại cơ sở. Dự kiến lượng khách sẽ tăng nhiều trong tuần lễ APEC, vì đây là một trong những điểm đến của các tour du lịch phục vụ APEC. Cơ sở đã chủ động trang bị đồng phục cho nhân viên bán hàng; được các cơ quan chức năng tập huấn cho nhân viên bán hàng về kỹ năng giao tiếp; niêm yết và bán đúng giá... nhằm tạo ấn tượng đẹp cho du khách".

Hình ảnh quê hương đất nước được tạc vào hàng trăm sản phẩm mới
của LĐMNNN phục vụ APEC.
    Ảnh: H.Nhật

"Khởi nguyên" và "Vườn tượng APEC"

Đá Non Nước đã từng nổi tiếng cả nước và trên thế giới gắn liền với các tên tuổi của các nhà điêu khắc đam mê, tâm huyết với nghề. Năm 2002, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà Điêu khắc (NSND, NĐK) Nguyễn Long Bửu- người con của LĐMNNN đã được cả thế giới biết đến khi anh giành giải Bạc cuộc thi sáng tác điêu khắc quốc tế bằng chất liệu sáp ong tại Thái Lan. Hội nghị APEC lần thứ 14 tổ chức tại Hà Nội, NSND, NĐK Nguyễn Long Bửu đã tham gia tổ chức triển lãm 30 bức tượng nghệ thuật trong khuôn khổ APEC. Đến với APEC lần này ngay tại quê hương, là cơ hội để anh cống hiến nhiều hơn, tiếp tục đem niềm đam mê nghề nghiệp và sự sáng tạo không ngừng cho "Vườn tượng APEC 2017"... Anh là nghệ nhân vinh dự được thực hiện tác phẩm "Khởi nguyên" đại diện cho Việt Nam tham gia "Vườn tượng APEC 2017". Trong tình hình thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ miền Trung, anh đã vất vả ra Thanh Hóa chọn lựa khối đá granite xanh nâu đúng chất lượng và ý tưởng sáng tác của tác giả Lê Lạng Lương. Trong thời gian gấp rút, tác phẩm "Khởi nguyên" với chất liệu đá cứng, có rất nhiều họa tiết nhỏ, đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ, khéo léo, công phu của nghệ nhân. Vì thế, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu và 6 thợ điêu khắc phải làm việc cần mẫn không kể ngày đêm, suốt 1 tháng rưỡi. Sau đó, người có ý tưởng sáng tác và cũng là tác giả của "Khởi nguyên" Lê Lạng Lương đã cùng anh chỉnh sửa, hoàn tất cho kịp ngày 15-10 đưa vào trưng bày tại "Vườn tượng APEC 2017"; tác phẩm được làm từ đá granite nguyên khối, nặng hơn 20 tấn, kích thước 3mx 1,6m x 1m.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ, tác phẩm của ông lấy ý tưởng từ sự hội tụ của những khối cây cổ thụ. Những khối cây này biểu tượng cho sự cộng hưởng sức mạnh tổng hợp. Hình tượng là một khối hạt mầm lớn. Ở bên dưới kết tập bằng hình tượng cây đại thụ, cây đa, cây đề... đại diện cho truyền thống. Các cây xếp lại, đan xen với nhau gợi cho người ta sự gắn bó, đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp, như thông điệp của APEC 2017. Chất liệu đá tự nhiên, chính màu đá xanh tạo cảm giác rất Việt...

Được biết, công viên tượng APEC nằm phía tây cầu Rồng, rộng hơn 3.000 m2, trong đó phần cây xanh và thảm cỏ khoảng 2.300 m2. Tại đây trưng bày 21 tác phẩm nghệ thuật của 21 nền kinh tế tham gia APEC. Đến nay, đã có 14 nền kinh tế gửi tác phẩm tham gia "Vườn tượng APEC", gồm Hồng Kông, Australia, Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan, New Zealand, Mỹ, Canada, Malaysia, Brunei, Mexico, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.

HỒNG NHẬT