Làng dầu rái Đại Thạnh

Thứ tư, 18/01/2023 12:30
Cùng với xã Đại Chánh, dầu rái xã Đại Thạnh (Đại Lộc, Quảng Nam) từng nổi tiếng một thời. Dựa vào thế mạnh của cây dầu rái, khai thác dầu rái ở Đại Thạnh là công việc từ bao đời nay của người dân các thôn An Bằng, Mỹ Lễ. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc dầu rái rớt giá, không có người mua, nhưng vì màu xanh của những cánh rừng, người dân nơi đây vẫn ý thức trong việc giữ gìn nghề khai thác truyền thống để rừng dầu rái ngày một phát triển.
Thương lái mua dầu rái của người dân Đại Thạnh về sơ chế bán cho người sử dụng để trát thuyền.
Cánh rừng dầu rái tự nhiên ở xã Đại Thạnh rộng hơn 200ha.

Xã Đại Thạnh hiện có cánh rừng dầu rái hơn 200 ha được người dân bảo vệ nghiêm ngặt hàng trăm năm qua. Nhà ông Nguyễn Xuân Trình (1966), trú thôn An Bằng, xã Đại Thạnh được xem là một trong những hộ dân sở hữu số lượng cây dầu rái nhiều nhất xã. Với hơn 1.000 cây dầu rái tự nhiên, mỗi tháng khai thác 2 lần, mỗi lần thu 120 lít, giá bán 20.000 đồng/lít thì mỗi tháng gia đình ông Trình thu về gần 5 triệu đồng. Dẫn chúng tôi vào cánh rừng xanh ngút tầm mắt, ông Trình cho hay, nghề khai thác dầu rái đã có từ rất lâu đời, theo kiểu cha truyền con nối. Cây dầu rái mọc nhiều ở vùng núi Đại Lộc, nhiều nhất là ở núi Phúc Khương (thuộc xã Đại Thạnh), núi Thọ Lâm, núi Hữu Niên (xã Đại Chánh)... Xưa kia, sản phẩm dầu rái hưng thịnh, trở thành sản vật trao đổi, buôn bán ngược xuôi. Và có lẽ tên chợ Bến Dầu - niềm tự hào của những người con làng Mỹ Lễ (xã Đại Thạnh) - cũng hình thành từ đó. Nơi đây trở thành nơi giao thương, trao đổi, buôn bán của cả vùng rộng lớn phía Tây Nam Đại Lộc với các vùng có nghề đánh bắt thủy sản như Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đà Nẵng...

Cây dầu rái hay còn gọi là dầu đọt tím, loại cây nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Theo Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, dầu rái có tên khoa học Dipterocarrpusalatus Roxb. ex G.Don, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae). Dầu rái là cây gỗ lớn, cao 40-45m, thân thẳng tròn đầy, phân cành cao, vỏ lúc còn non dày, khi cây lớn vỏ mỏng màu xám vàng. Dầu rái phân bố chủ yếu ở rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng thường xanh nửa lá rụng theo mùa ở vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam dầu rái phân bố khá rộng từ Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Bình Thuận đến Quảng Bình và một số tỉnh cao nguyên miền Trung như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng nhưng không liên tục. Theo tài liệu, dưới thời các chúa Nguyễn, nghề lấy dầu rái ở Đàng Trong đã được Nhà nước phong kiến quản lý phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm từ dầu rái được sử dụng trong các công trình xây dựng, đóng đồ mộc, chế biến vecni, sơn, trét nón lá. Còn đối với cư dân miền biển, dầu rái dùng để trét thuyền nan, thúng chai, ghe bầu, bởi tính chất đặc biệt của chất liệu này là không thấm nước và tồn tại được trong những môi trường khắc nghiệt, chống mối mọt.

Cây dầu rái có tuổi hàng trăm năm, một người ôm không xuể.

Giữa cánh rừng mênh mông, cây dầu rái dày đặc nhưng có một luật lệ bất thành văn là khoảnh rừng của ai thì người nấy khai thác, không được lấn sang khoảnh rừng người khác. Ranh giới cũng được chia rất đơn giản, ai khai thác trước, chỉ cần đánh dấu bằng một đường ranh. Đời cha khai thác thì đời con tiếp nối. Mùa khai thác dầu bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 9 hàng năm, 3 tháng còn lại cây thay lá nên dừng việc khai thác. Hiện thôn An Bằng có khoảng hơn 100 hộ làm nghề khai thác dầu rái. Nghề này đôi khi cũng có nguy hiểm, gặp cây có nhiều dầu, lúc đốt không cẩn thận có thể gây bỏng cho mình và cháy lan ra cả rừng…

Đến bên cây dầu rái, ông Trình châm lửa hơ vào thân cây để dầu chảy ra. Ông Trình cho biết, nghề này có ở nhiều nơi, họ thường chặt sâu vào thân để dầu chảy ra nhiều nhưng ảnh hưởng đến cây. Với người dân Đại Thạnh thì khác, chỉ khoét một lớp mỏng ngoài thân, không tạo vết thương sâu nên cánh rừng dầu phát triển, sinh trưởng tốt. Cây dầu hơn ba năm tuổi bắt đầu khai thác, tuổi càng cao cho dầu nhiều hơn. Với cây nhỏ chỉ tạo một vết thương, cây lớn tạo hai vết thương. “Trước đây, mọi người thường dùng củi bó làm đuốc đốt lửa, song cách đây 5 năm thấy sử dụng bộ khò bằng gas tiện lợi nên nhiều người áp dụng, kiểm soát được nguồn lửa không gây cháy rừng. Sau ba ngày hơ lửa, tôi quay lại thu hoạch dầu rái”, ông Trình chia sẻ công việc.

Trước khi thu hoạch nhựa, ông Trình phát dọn xung quanh thân cây, sau đó châm lửa hơ vào thân cây cho nhựa chảy ra.

Ông Trình cho biết thêm, với giá cả hiện nay, nếu bám rừng, mỗi hộ gia đình có thu nhập vài triệu đồng/tháng từ những cánh rừng dầu là bình thường. Tuy nhiên, so với ngày công lao động nông thôn thì mức đó vẫn không đảm bảo nên người dân chỉ tranh thủ vào rừng lúc nông nhàn để kiếm thêm nguồn phụ thu. Ngày xưa dầu chẳng đẹp nhưng có mấy bán mấy, họ đến mua nườm nượp. Chừ dầu rất đẹp, bán giá thấp, nhưng lượng bán vẫn không nhiều. Làng dầu rái cũng từng phen điêu đứng khi sản phẩm rớt giá do sự xuất hiện của sơn công nghiệp, số lượng người dùng dầu rái để trét nón, ghe, thúng còn rất ít.

Thương lái mua dầu rái của người dân Đại Thạnh về sơ chế bán cho người sử dụng để trát thuyền.

Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh thông tin, khai thác dầu rái là nghề có từ rất lâu đời ở địa phương. Sản lượng khai thác, số lượng cây rái còn tồn tại đến nay vẫn chưa được thống kê chính xác. Việc khai thác cũng tự phát, chưa có sự quy hoạch để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Gần đây, làng dầu rái dần hồi sinh nhưng không còn được hưng thịnh như trước. Song dù đứng trước thăng trầm thì cây dầu rái từng là cây xóa đói giảm nghèo, một biểu tượng văn hóa vẫn được người dân chung tay bảo vệ, gìn giữ. Hằng năm, vào những ngày đầu xuân, những người làm nghề cũng tổ chức lễ khai truông, cúng rừng đầu năm để cầu mong năm mới hành nghề được thuận buồm xuôi gió...

BÃO BÌNH