Lắng đọng "Tiếng chim về cũ"

Thứ năm, 31/12/2020 17:44

Chỉ cần đọc tên của tập thơ cũng là tên của bài thơ đầu tiên trong tập Tiếng chim về cũ (NXB Hội Nhà văn, 2020) của Mai Thìn đã thấy hiện lên rất rõ chủ đề tư tưởng của tập thơ mới ra lò này.    

Tập thơ Tiếng chim về cũ của Mai Thìn.

Khác với nhiều người, Mai Thìn có may mắn là được sinh ra, lớn lên và được làm việc suốt cả cuộc đời ngay trên mảnh đất quê hương Bình Định. Thông thường người, đi xa quê mới nhớ quê nhưng với Mai Thìn, anh nhớ quê ngay cả khi đang ở trên mảnh đất quê hương. Điều đó được thể hiện xuyên suốt trong thơ Mai Thìn kể từ khi anh biết cầm bút làm thơ cho đến nay. Đó là một điều rất đáng quý.

Tiếng chim về cũ là một tập hợp những sáng tác thơ của Mai Thìn trong 3 năm trở lại đây (2017 đến 2020), là tập thơ thứ 7 của anh được xuất bản ngoài 2 cuốn biên khảo Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành và Làng ven thành. Nói thế để thấy sức viết của Mai Thìn là mạnh mẽ và liền mạch. Người ta đi đó đi đây mới có cảm xúc để làm thơ, Mai Thìn nhiều khi ngồi yên một chỗ cảm xúc vẫn tìm đến anh để thành thơ. Gần hết một đời/Mong được đóa hoa thơm dâng tặng quê hương/Đầu đã bạc

... dưới bóng quê nhà/Tiếng chim ca về cũ (Tiếng chim về cũ).

Khổ thơ trên như một sự khái quát về cuộc đời và chí hướng của Mai Thìn. Vì thế mỗi bài thơ của anh như một đóa hoa thơm dâng tặng quê hương. Xuất bản Tiếng chim về cũ Mai Thìn bộc bạch: "Làng Vĩnh Phú, An Nhơn và Bình Định của tôi vô cùng đẹp, những vẻ đẹp mà không một nơi nào trên thế giới này có được. Nó không chỉ hiện hữu, trường tồn cùng thời gian mà còn lấp lánh trong mỗi hồn người, trong từng ký ức Tôi đã viết về quê hương mình trong nhiều bài thơ, trong nhiều cuốn sách trước đó. Và bây giờ, và cả mai sau tôi lại vẫn tiếp tục ngợi ca Người, quê hương tôi".

An Nhơn, quê hương của Mai Thìn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và đẹp như cổ tích với những ngôi tháp Chàm rêu phong hút hồn du khách và từ cả ngàn năm nay vẫn vươn thẳng lên trời xanh với chất lừ vẻ đẹp: Những viên gạch màu nâu/Những viên gạch màu hồng/Những viên gạch màu đất... suốt mấy trăm năm/Những viên gạch tháp Chàm/Dán lên thời gian/Mã vạch của vẻ đẹp vĩnh cửu (Những viên gạch tháp Chàm).

Những năm sống ở Bình Định, người viết bài này đã nhiều lần đặt chân đến những ngôi tháp Chàm nổi tiếng như Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên... và lần nào cũng mê mẩn với vẻ đẹp cổ kính trường tồn với thời gian của những công trình văn hóa lịch sử này. Đứng dưới bóng chiều đổ của những ngôi cổ tháp, không ai là không có cảm xúc, huống hồ đó là Mai Thìn, nhà thơ của quê hương những ngôi tháp cổ. Vì thế mà xuyên suốt trong những câu thơ của Mai Thìn là hình tượng uy nghi của những ngôi tháp cổ: Ba ngọn bút vẽ lên trời xanh/Vẽ lên thời gian/Vẻ đẹp của tháp (Dương Long).

Và cứ thế, những ngọn tháp quê hương như một mặc định cứ ám ảnh Mai Thìn qua những câu thơ khiến anh:  Mê mải với bóng hình ngọn tháp quê hương/Vượt năm bảy chặng đường xa ra đây gặp nàng cột lửa Linga/Cháy (Gặp vũ nữ Siva ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia). 

Nói đến quê hương cũng là nói đến hình bóng của người mẹ. Thật cảm động khi Mai Thìn viết về mẹ với những câu thơ lắng đọng: Tôi lớn lên đi khắp cùng thế giới/Mênh mông hơn, hùng vĩ hơn nhiều/Nhưng không có/Hương tóc lùa đồng lúa/Và/Bóng mẹ tôi ngồi tựa cửa xoáy trầu trưa (Làng Vĩnh Phú).

Người yêu quê hương mình hiển nhiên cũng là người rất yêu đất nước mình. Là nhà thơ, được đi đến nhiều vùng quê Tổ quốc, đi đến đâu Mai Thìn cũng có những cảm xúc rất mới lạ dù đó là những vùng đất rất xưa cũ.  Anh có thể nhìn thấy một ánh mắt cười con gái từ những năm tháng xa xăm khi đến với Hội An: Hội An trăng/Lững thững những con đường/Vương/Từ trang sách/Lật giữa cuộc đời/Rơi/Ánh mắt cười/Năm cũ (Hội An).

Và với vùng châu thổ sông Hồng: Thêm một đứa con/Thêm làng thêm phố/Thêm tiếng chuông chùa/Bình minh sóng vỗ/Lao xao trời chiều/Vàng dáng Rồng bay (Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng).

Thơ ca hay không chỉ ở câu chữ mà còn hay cả ở những ý tưởng bất ngờ. Mai Thìn có nhiều lúc như thế. Ai đã từng đến Quy Nhơn hẳn sẽ rất ấn tượng với hình ảnh chiếc xe tăng một thời nằm nửa nổi nửa chìm trên bãi biển. Đó là vết tích còn lại của một cuộc chiến tranh khốc liệt. Những chiếc xe tăng bị quân đối phương truy đuổi đến bước đường cùng, không tìm ra lối thoát đành lao mình xuống biển và chết ở đó. Nhưng từ cái chết của chiếc xe tăng trong chiến tranh, cuộc sống mới lại sinh sôi trong cái nhìn đầy phát hiện của Mai Thìn: Sáng nay/Đôi vợ chồng còng làm tổ dưới bánh răng cưa/Kể cho tôi nghe/Chuyện năm xưa/Bầy còng con/Đồng dao trên tháp pháo (Về một chiếc xe tăng trên bãi biển).
Và cứ thế, Tiếng chim về cũ của Mai Thìn đã hiện hữu trên cuộc đời này và chầm chậm đi vào lòng người đọc.

36 bài thơ của Tiếng chim về cũ là 36 lần Mai Thìn để cho cảm xúc dâng trào và tuôn ra đầu ngọn bút một cách đầy trân trọng.     

HÀ TÙNG SƠN