Làng du lịch văn hóa không hút khách

Thứ ba, 31/10/2017 10:33

Câu chuyện làng du lịch - văn hóa hàng ngàn tỷ đồng ở khu vực Tây Nguyên không phát huy tác dụng vẫn còn tính thời sự thì mới đây Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL  khẩn trương hoàn thiện đề án chuyển đổi mô hình ban quản lý Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, báo cáo thường trực Chính phủ cuối quý I-2018. Thông báo nêu rõ, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam nếu tiếp tục hoạt động theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, vì vậy sẽ không hiệu quả. Tại Quảng Nam, địa phương có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số cao thì câu chuyện giữ gìn văn hóa, làm du lịch bằng văn hóa là đề tài được bàn luận trong rất nhiều cuộc họp. Thế nhưng, tính khả thi của những mô hình du lịch văn hóa như thế nào, hiệu quả đến đâu thì đã nhìn thấy rõ.

Biểu diễn vũ điệu tung tung da dá trên đường phố Hội An.

Dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại xã Tà Bhing (H. Nam Giang) do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) - Nhật Bản hỗ trợ, bắt đầu triển khai từ tháng 4-2012, nhằm hướng đến mục đích tạo thu nhập cho người dân gắn với bảo tồn, phát huy các nguồn lực địa phương cũng như văn hóa truyền thống dân tộc. Trong một ngày, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cộng đồng Cơ Tu như xem múa tung tung da dá, thưởng thức các món ăn truyền thống, xem dệt cườm thổ cẩm tại làng Zara, cùng trải nghiệm với cuộc sống người dân... Tuy nhiên theo thống kê từ khi ra đời đến nay làng chỉ đón gần 100 đoàn khách đến thăm. Như vậy trung bình 1 tháng chỉ có 1-2 đoàn ghé thăm. Ngoài những đoàn khách thuộc diện giao lưu văn hóa thì hầu như làng không thu hút được lượng du khách tự nguyện. Đường sá xa xôi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế là những điểm trừ của dự án du lịch này, tuy nhiên theo đánh giá chung nguyên nhân cơ bản vẫn là do các hoạt động tại làng không đủ sức hấp dẫn, mới lạ đối với du khách.

Theo ông  Briu Thương - Tổ trưởng tổ du lịch thuộc Ban quản lý dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, khách đến thăm làng chủ yếu người nước ngoài, đa số là Nhật Bản. "Dù doanh thu chưa cao nhưng thành công của dự án đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về các giá trị văn hóa của dân tộc mình, nhất là với các thế hệ trẻ. Tuy nhiên về lâu dài cùng với sự phát triển dải du lịch miền núi thì làng Zara cần chuyển mình để phù hợp với thị hiếu thị trường đồng thời giữ gìn nét văn hóa lâu đời thông qua những hoạt động du lịch", ông Thương nhận định.

Bày bán, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của người dân Cơ tu.

Tương tự, năm 2008, Sở VH-TT&DL tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng làng Bhờ Hôồng (Đông Giang) thành điểm du lịch văn hóa dân tộc miền núi để phục vụ du lịch. Theo đó đã mở tour từ Hội An đến Bhờ Hôồng và lập các điểm dừng chân dã ngoại ngay tại Bhờ Hôồng. Các hoạt động văn hóa cộng đồng, các chương trình nghệ thuật dân gian và các loại hình dịch vụ khác, thể hiện nét đẹp truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc miền núi và đảm bảo tính chuyên nghiệp cao đã góp phần khôi phục văn hóa lâu đời của người dân nơi đây. Sau 10 năm đi vào triển khai hoạt động hiện nay Đông Giang đã trở thành điểm đến lý tưởng của những bạn trẻ chụp ảnh cưới, nằm trong tour Đà Nẵng - Hội An - Đông Giang. Tuy nhiên, nếu như Đông Giang đang phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, cảnh quan thì mảng du lịch văn hóa lại bị lãng quên. Anh Trí (hướng dẫn viên) chia sẻ: "Mô hình du lịch kết hợp với phát huy văn hóa là hướng đi đúng tuy nhiên do không có sự sáng tạo nên những điểm du lịch này đang dần chết yểu. Du khách đến đây chỉ ghé chừng 15 phút là hết thứ để tham quan. Người dân trong các làng không có kiến thức về du lịch nên khi gặp du khách họ không có kỹ năng giao tiếp, trao đổi văn hóa với du khách. Điều này là hạn chế lớn nhất của những điểm du lịch văn hóa".

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dù tài nguyên du lịch nhiều, nhưng những điểm đến này đang thiếu các sản phẩm du lịch thực sự mới lạ, hấp dẫn, cùng với đó là chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch. Hiện Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đang xây dựng lại quy hoạch phát triển du lịch tại các vùng phía nam và miền núi phía tây Quảng Nam dựa trên các tour, tuyến cụ thể. Trước mắt, dự kiến Quảng Nam sẽ hỗ trợ cơ chế cho các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành đưa khách đến các điểm du lịch tại khu vực này, qua đó sẽ rút kinh nghiệm để điều chỉnh, hình thành sản phẩm, thị trường du lịch cụ thể. Hướng đi của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch văn hóa mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo. Đó là "Cần xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, giảm triệt để bao cấp nhà nước." Hy vọng rằng với bước ngoặt này, Quảng Nam sẽ tìm ra hướng đi mới để mô hình du lịch văn hóa sẽ phát huy đúng thế mạnh của mình.

ĐỒNG DAO