Làng gốm khởi sắc

Thứ năm, 07/04/2016 09:23

(Cadn.com.vn) - Sau hơn 1 năm mở cửa đón khách du lịch, Công viên đất nung tại làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã tạo nên bước đột phá cho du lịch làng gốm. Không chỉ giúp những nghệ nhân gốm tồn tại với nghề mà công viên đất nung còn hiện đại hóa nghề gốm, đưa gốm truyền thống gắn liền với cuộc sống hiện đại. Từ chất liệu đất thô sơ những công trình mang tầm vóc thế giới đã được tái hiện lại, những sản phẩm thủ công cũng chuyên nghiệp hơn, phù hợp với thị hiếu bạn bè năm châu.

Nghề gốm Thanh Hà lại bật lên đầy sức sống.

Công viên Đất nung, hay còn được gọi là Bảo tàng gốm Thanh Hà, được khởi công xây dựng cách đây 4 năm tại Làng gốm Thanh Hà 500 năm tuổi, thuộc địa bàn P. Thanh Hà, TP Hội An. Công viên gốm này được kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế và làm chủ bao gồm hai tòa nhà chính biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà. Tòa nhà bên trái biểu trưng cho “lò úp” dùng để trưng bày lịch sử, các hiện vật cổ của làng gốm Thanh Hà với ý nghĩa bảo tồn và giữ gìn truyền thống. Tòa nhà bên phải biểu trưng cho "lò ngửa" - nơi trưng bày và triển lãm các sản phẩm gốm Thanh Hà và của một số làng nghề khác như Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long... Hiện nay, công viên Đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng là Bảo tàng gốm “độc” nhất cả nước. Không gian công viên được cấu trúc gồm 9 khu riêng biệt: khu lò gốm, khu Bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh- Chăm, khu các làng nghề truyền thống, và khu triển lãm.

Từ khi công viên đất nung ra đời, gia đình bà Nguyễn Thị Hai như sống lại khoảng thời gian thịnh vượng nhất của làng gốm. “Du khách đến đông hơn, họ thích thú với những sản phẩm mới mà chúng tôi làm ra. Tại đây chúng tôi còn hướng dẫn du khách tự tay làm gốm. Làng nghề tưởng đã mai một nay lại đầy sức sống”, bà Hai vui mừng. Còn gia đình anh Nguyễn Chung trước nay phải chào hàng tận ở những nơi xa xôi thì nay chỉ chuyên làm heo đất để phục vụ du khách. “Có thời gian mỗi ngày bán không được 5 con heo đất nhưng nay chúng tôi mạnh dạn làm heo to hơn với giá khoảng 50 nghìn đồng/con. Khách đến tham quan công viên đông thì bà con làng gốm cũng được nhờ”, anh Chung chia sẻ.

Những công trình tinh xảo tại công viên đất nung.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Bảo tàng gốm Thanh Hà, cho biết: “Nghề gốm là nghề truyền thống nhưng để tồn tại với thời gian thì cần phải chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp hơn. Du khách ngày nay có nhu cầu được lựa chọn và chúng ta phải đáp ứng vì vậy tôi xây dựng nên làng gốm này bằng chất liệu thủ công nhưng hình thức phương Tây. Những sản phẩm tò he, lợn đất sẽ đi kèm với những bình gốm, đĩa tinh xảo, hiện đại. Có bảo tàng,  các cơ sở sản xuất gốm trong làng được tiếp cận nhiều hơn với sự đổi mới từ định hướng sản xuất sản phẩm đến việc liên kết, sắp xếp sản xuất mẫu mã phù hợp với thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, bảo tàng gốm này như một cẩm nang của làng nghề, giới thiệu đến du khách những thăng trầm, đổi thay và tinh hoa của những sản phẩm qua các thời kỳ. Ở đây, khách đến tham quan có thể hình dung được cuộc sống xưa và nay của người dân làng gốm Thanh Hà”.

Không chỉ là địa điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước mà một điều đặc biệt nữa là nơi đây đã trở thành một địa điểm chụp hình cưới đầy lý tưởng đối với các bạn trẻ. Hàng chục bộ ảnh cưới đã ra đời tại đây. “Không gian được bài trí đẹp mắt, công phu, vừa truyền thống vừa hiện đại đã thu hút rất đông các bạn trẻ đến đây chụp hình cưới. Đây cũng là điều kiện lý tưởng để chúng tôi quảng bá hình ảnh của mình. Sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm nhiều gói tham quan du lịch hấp dẫn hơn nữa. Những lò gốm mini sẽ ra đời để du khách có thể được tự tay làm thợ gốm”, anh Nguyên cho biết.

Đồng Dao