Làng rèn vùng trung du

Thứ bảy, 05/12/2015 11:01

(Cadn.com.vn) - Quế Sơn, vùng đất trung du của xứ Quảng từng nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như gốm Quế An, nón lá Quế Minh, phở sắn Đông Phú, rèn Quế Châu... Sản xuất thủ công theo phương cách gia truyền, sản phẩm của những làng nghề này đã phục vụ đời sống cho người dân từ bao đời nay tại địa phương và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, hiện nay có những làng nghề đã mai một dần, để lại biết bao sự trăn trở của những người đã từng theo nghề...

Tôi đến xã Quế Châu–nơi có nghề rèn nổi tiếng của đất Quế Sơn. Con đường bê tông quanh co rợp bóng tre xanh bao bọc lấy những ngôi nhà hiền hòa, thoáng mát. Giữa làng quê trung du thanh bình, lò rèn nhà ông Hà Thanh Hùng vẫn vang tiếng đe, tiếng búa và những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn tung tóe. Ông Hùng cho biết, nghề rèn ở Quế Châu hình thành cách đây hơn ba thế kỷ, khi những cư dân xứ Thanh– Nghệ trên đường Nam tiến đến khai khẩn đất đai, lập làng. Tại đây, hầu hết con cháu của các họ tộc Hà, Nguyễn, Lê, Phạm... đến lập nghiệp, chủ yếu sống bằng nghề nông. Tại Quế Châu, chắc hẳn ai sinh ra và lớn lên cũng quen mắt, quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng. Ban đầu, người dân rèn những vật dụng gia đình và dụng cụ lao động như dao, kéo, liềm, cuốc, rựa, xẻng, lưỡi cày...  rồi dần dần, những lúc nông nhàn, họ rèn thêm nhiều sản phẩm để trao đổi buôn bán với các vùng lân cận. Vì vậy, nghề rèn ở đây phát triển mang tính tự phát, chủ yếu phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp và sinh hoạt thường nhật.

Trước đây, khi hàng gia dụng chưa nhiều và phong phú như bây giờ và nghề nông chưa có máy móc hỗ trợ thì sản phẩm rèn tại xã Quế Châu cung cấp nhu cầu tiêu thụ ở Quế Sơn và các huyện lân cận như Duy Xuyên, Thăng Bình... Làng nghề này nổi tiếng một thời, các sản phẩm được các thương lái bỏ bán các chợ đầu mối như Nam Phước, Hương An, Hà Lam, Bà Rén... để phân phối đi các nơi. Xưa nay, sản phẩm của nghề rèn Quế Châu rất được ưa chuộng đảm bảo độ bén, bền, và không bị “rỉ sắt” trong quá trình sử dụng. Tại xã Quế Châu, chợ Đàng-một trong những chợ lâu đời ở xứ Quảng trước đây là một trung tâm buôn bán sản phẩm của làng rèn này. Hai nguyên liệu chính của nghề rèn là than và sắt, thép đều bán ở đây cho các hộ làm nghề trong vùng.

10 năm trước, làng rèn Quế Châu có khoảng 50 lò rèn đỏ lửa thường xuyên, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nghề rèn là nghề nặng nhọc, thường người đàn ông “sức dài vai rộng” đảm đương, còn phụ nữ thì chỉ thuận việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Ông Nguyễn Dũng, một trong những chủ lò lớn nhất một thời ở Quế Châu cho biết: “Tôi học và theo nghề rèn từ cha tôi. Cái nghề rất vất vả nhưng đã là nghề gia truyền, tôi vẫn giữ và duy trì đến ngày nay”.



Người dân Quế Châu vẫn luôn “giữ lửa” nghề rèn truyền thống của cha ông.

Ông Hùng đưa tôi đi “thị sát” một vòng quanh xã Quế Châu. Bây giờ, chỉ còn khoảng 15 hộ duy trì hoạt động. Nghề rèn ở đây được coi như nghề “cha truyền con nối” với những kinh nghiệm quý báu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo “thương hiệu” một thời cho làng nghề. Quá khứ hưng thịnh là thế, nhưng hiện nay nhiều lò rèn trong làng đành “tắt lửa” hoặc chuyển đổi nghề bởi nhiều lý do. Càng ngày, những sản phẩm gia dụng phong phú, “bắt mắt”, những dụng cụ lao động cũng ít được sử dụng hơn do có máy móc hỗ trợ nên đầu ra sản phẩm nghề rèn cũng thu hẹp dần. Hơn nữa, những người thợ rèn có tay nghề cao, yêu nghề nay đã già yếu và lớp trẻ thì không mấy ai “mặn mà” theo nghề nặng nhọc này. Ông Hùng tâm sự: Các hộ làm nghề rèn bây giờ đã chuyển sang trồng rừng, chăn nuôi. Những người theo giữ nghề rèn cũng đã cao tuổi, ngày ngày quai búa, đánh đe cầm chừng thôi. Không làm, không được, vì nó ăn sâu trong máu thịt.

Đến lò rèn của nhà anh Hà Cảnh ở thôn 2, chứng kiến sự miệt mài với các thao tác nhanh nhẹn của “gia chủ”, tôi không khỏi thán phục người thợ trẻ này. Anh Cảnh bảo, người dân nơi này vốn “ăn chắc, mặc bền” nên những sản phẩm của làng rèn Quế Châu vẫn có chỗ đứng vững chắc dù số lượng sản phẩm có ít hơn. Lò của anh hiện cung cấp chủ yếu là các loại dao cho các lò giết mổ gia súc, các hàng quán kinh doanh ăn uống và các dụng cụ lao động như rựa, cuốc, xẻng... Cũng theo anh Cảnh, bây giờ ở Quế Châu còn ít nhà theo nghề rèn nhưng làng nghề này cũng “sôi động” thường là từ tháng mười âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này cả làng rèn lại được nghe những “bản hòa thanh” chí chát vui tai, chủ yếu là rèn dao cho dịp Tết nên những người theo giữ nghề cảm thấy được an ủi phần nào khi lại nghe tiếng quai búa rền vang và họ có mức thu nhập “kha khá” hơn trang trải trong gia đình, bù lại những ngày “tắt lửa” trong năm...

Lửa làng rèn Quế Châu vẫn còn âm ỉ cháy, mang theo sự hoài cảm sâu xa của những người cả đời theo nghề rèn như ông Hùng, ông Dũng... một thời trai tráng tay búa tay quai. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, người xưa nói có sai đâu với nghề rèn trên mảnh đất trung du Quế Sơn nổi tiếng một thời. Và hy vọng vào những cánh thợ trẻ hôm nay như lời anh Cảnh, rằng: “Lửa nghề rèn với tôi là lửa lòng, cháy hết mình với nghề của ông cha trao truyền lại...”. Và đó cũng chính là trăn trở và mong ước của những người muốn “giữ lửa” cho nghề rèn truyền thống ở Quế Châu hôm nay.

Thảo Nguyên