Lặng thầm ghi chiến công trên sông nước

Thứ ba, 01/08/2017 11:47

Đầu năm 2013, để phù hợp với tình hình phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Đà Nẵng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông được thành lập. Quãng thời gian từ đó đến nay chưa phải là dài, nhưng những chiến công thầm lặng mà cán bộ chiến sĩ (CBCS)  đơn vị đã làm được rất đáng nghi nhận và biểu dương.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng-Huỳnh Đức Thơ động viên, trao xuồng cao tốc cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông.     Ảnh: Cảnh sát PCCC Đà Nẵng

Sau 4 năm thành lập, nhiều vụ cháy nổ trên sông, nhiều mạng người đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông cứu sống. 4 năm qua, đơn vị đã nhận thông tin 7 vụ cháy, 44 vụ CNCH, qua đó đã cứu sống 13 người, vớt 25 thi thể và CNCH 5 tàu du lịch, tàu cá của ngư dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 6 tin báo cháy và CNCH trên địa bàn, kịp thời cứu sống 2 người, vớt 3 thi thể bàn giao cơ quan chức năng xử lý.

Một vụ việc điển hình nhất cho công tác CNCH đó là vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn lúc 20 giờ 30 ngày 4-6-2016. Sau khi nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông xuất 2 ca nô cùng 15 CBCS theo tuyến đường sông và 3 CBCS theo tuyến đường bộ nhanh chóng đến hiện trường tham gia CNCH. Sau khi xác định còn người mất tích, Phòng nhanh chóng tổ chức tìm kiếm nạn nhân xung quanh khu vực tàu bị chìm bơi, lặn tìm xung quanh con tàu xem còn nạn nhân nào còn mắc kẹt,  tổ chức vớt các vật dụng và tài sản của những nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý… Công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn được đơn vị phối hợp với các ngành chức năng khác duy trì tổ chức tìm kiếm nạn nhân trong suốt đêm hôm đó và 1 ngày hôm sau. Đến 16 giờ 30 ngày 5-6, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông phát hiện những thi thể nạn nhân còn lại và phối hợp với BĐBP đưa thi thể nạn nhân lên bờ và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Với những người lính làm công tác PCCC và CNCH trên sông nước, ngoài khó khăn về điều kiện tự nhiên, thời tiết thì đôi khi còn gặp phải những khó khăn chính từ các nạn nhân. Thượng úy Lê Tuấn Anh- Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông nhớ lại, khoảng 11 giờ 45 ngày 6-1, Phòng nhận tin có một thanh niên đang đứng trên cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) chuẩn bị nhảy cầu tự tử nên xuất 2 ca nô cùng 10 CBCS và cử thêm 2 CBCS đi theo tuyến đường bộ đến hiện trường. Khi ca nô đơn vị vừa đến nơi thì nạn nhân đã nhảy xuống sông Hàn. Từ thông tin nhận được, nạn nhân này dù đã nhảy cầu nhưng trên tay có cầm theo một dao nhọn và có biểu hiện kích động nên sẽ rất nguy hiểm. Thế nhưng với tinh thần "cứu người như cứu hỏa", các CBCS của Đội không quản cái lạnh của thời tiết, nhanh chóng xuống nước tiếp cận nạn nhân. Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận, nam thanh niên này dùng dao đe đọa đồng thời tiếp tục bơi ra xa bờ. Trước thái độ bất hợp tác của nạn nhân, các CBCS vừa làm công tác tư tưởng đồng thời nhanh chóng sử dụng biện pháp nghiệp vụ khống chế gọn nạn nhân và đưa lên ca nô rồi đưa vào phía bờ Đông cầu Thuận Phước bàn giao cho CAP Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Sau khi đưa được nạn nhân lên bờ, qua kiểm tra, có 2 chiến sĩ trong đơn vị bị thương nhẹ do hàu dưới sông cắt đứt chân trong quá trình khống chế, tước dao của nạn nhân. Qua xác minh thông tin ban đầu, nam thanh niên nhảy cầu nói trên là Nguyễn Đức Hải (1994, trú P. Mân Thái, Q. Sơn Trà). Nạn nhân trước khi nhảy cầu có sử dụng ma túy. "Nguy hiểm là thế nhưng vẫn chưa ăn thua gì với những lần trục vớt các thi thể trôi dạt trên sông Hàn. Bởi đa phần các anh em trong đơn vị còn trẻ nên đôi lúc sau khi cứu được nạn nhân hay vớt được thi thể và trở về đơn vị tỏ ra rất lo lắng, tâm lý bất an. Tuy nhiên, nhờ sự động viên kịp thời của lãnh đạo đơn vị, các chiến sĩ trẻ ngay sau đó đã lấy lại tinh thần và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao"- Thượng úy Lê Tuấn Anh tâm sự.

Đại tá Lê Hồng Tư- Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông cho biết, địa bàn Đà Nẵng có 13 tuyến sông chính với chiều dài hơn 260km, trong đó có 98km sông đang khai thác cùng với 8 cảng biển và hàng ngàn phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân, tàu du lịch, tàu chở dầu… nên công tác PCCC, CNCH trên sông có nhiệm vụ rất đặc biệt. Đi đôi với việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, thời gian qua đơn vị cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ các phương tiện tàu, thuyền trên sông nâng cao ý thức PCCC, phối hợp với BQL Âu thuyền và cảng các Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Thủy đoàn II- Bộ Công an, Đội CSGT đường thủy, Biên phòng cửa khẩu Cảng Đà Nẵng ký kết Quy chế phối hợp, nâng cao sức chiến đấu. "Hiện nay đơn vị đã được bố trí xây dựng trụ sở tại khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, một trạm vệ tinh tại khu vực đường Chương Dương và sắp tới có một trạm tại khu vực cầu Thuận Phước. Tuy điều kiện phương tiện còn nhiều thiếu thốn, địa bàn rộng… nhưng CBCS trong đơn vị luôn thể hiện quyết tâm cao nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của mình"- Đại tá Lê Hồng Tư nhấn mạnh.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu và tinh thần phục vụ nhân dân đó, đơn vị và các cá nhân CBCS đã nhận được nhiều Giấy khen của Giám đốc PCCC thành phố và các cấp khác. Đây là nguồn động viên to lớn cho CBCS đơn vị ngày càng cố gắng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN TUẤN