Lặng thầm trên phố mưu sinh

Thứ năm, 05/03/2015 08:42

Bài 1: QUANG GÁNH, ĐỜI NGƯỜI…

(Cadn.com.vn) - Năm này qua tháng khác, bất kể nắng hay mưa, họ lầm lũi vật lộn với cuộc mưu sinh. Với họ, khái niệm về ngày phụ nữ rất đơn giản, bởi nó cũng giống như bất kỳ ngày nào khác trong năm. Cũng phải thức khuya dậy sớm, phải trăn trở, đối diện với chuyện cơm áo hàng ngày. Khi được hỏi về ước mơ của mình trong ngày 8-3, chẳng ai mong được tặng hoa, quà, hay những lời chúc mừng như bao nhiêu người khác, mà với họ, mong ước duy nhất là được làm việc, có thu nhập để vun vén cho gia đình...   

Giữa phố thị ồn ào và dòng đời hối hả, đôi khi ta bắt gặp những hình ảnh chậm rãi, tưởng như xa lạ nhưng hóa ra lại thân thuộc quá chừng. Đó là bóng dáng của những người phụ nữ với gánh hàng rong nặng trĩu cuộc mưu sinh. Hành trang của họ nghèo nàn, cả vật chất lẫn kiến thức. Họ trụ lại thành phố, bám mặt đường kiếm sống bằng chính sức lao động của mình...

Hơn 30 năm qua, gánh chuối mưu sinh của bà Chợ đã trở nên thân quen trên đường phố Đà Nẵng.

Nhiều người cho rằng hình ảnh những phụ nữ lam lũ với quang gánh kiếm kế sinh nhai là hình ảnh lãng mạn của đời thường. Không hẳn như vậy. Đã gánh đã gồng thì chỉ nhìn thôi cũng thấy oằn thắt những lo toan, mệt mỏi. Suốt một ngày, lang thang khắp thôn cùng ngõ hẻm, quang gánh rong ruổi như cái chợ di động cung cấp thực phẩm, hàng hóa đến tận từng nhà. Có người gánh gồng nông sản quê mình lên phố thị theo mùa, nhưng cũng không ít người suốt đời trông vào một gánh hàng rong làm phương tiện mưu sinh. Không thiếu những người mà hết thảy vốn liếng của gia đình được chất lên đôi quang gánh rồi được gánh đi khắp phố phường kiếm thêm thu nhập ít ỏi.

Hàng chục năm nay, những ai hay qua lại trên đoạn đường từ cầu Sông Hàn qua Bạch Đằng Đông và xuôi về cầu Thuận Phước (Đà Nẵng), không khó để gặp một cụ bà đã ngoài 70 tuổi, bước chân chậm rãi cùng gánh chuối chín trên vai bán cho khách qua đường. Bà bảo, cuộc đời của bà là chuỗi ngày dài gắn bó cùng gánh chuối, bất kể nắng mưa, chỉ trừ những ngày ốm đau hay lễ, Tết mới tạm nghỉ... Không biết có phải do “duyên trời định” hay không, đã gắn đời bà với cái nơi mà mỗi khi nhắc đến, ai cũng liên tưởng đến nỗi vất vả mưu sinh. Chỉ cái tên thôi cũng đã nói lên tất cả: bà là Huỳnh Thị Chợ (76 tuổi), ở P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà. Tôi biết đến bà, được nghe bà kể về đời mình cũng qua một lần dừng lại trên đường để... mua chuối! Bà không nhớ rõ vì sao mình làm nghề buôn chuối. Chỉ nhớ, nó gắn với một sự kiện bi thương của gia đình. Bà bảo, khoảng những năm 1980 thì phải, khi 7 người con của bà, 4 trai 3 gái đã bắt đầu biết bươn chải kiếm sống. Trong số 4 người con trai lúc bấy giờ, có 3 người tìm cách lên tàu vượt biển đi tìm “miền đất hứa” ở bên kia nửa vòng trái đất. Tuy nhiên, họ đã phải dừng lại chuyến hành trình khổ ải cùng với ước mơ đổi đời của mình giữa biển khơi, khi chiếc tàu bị sóng đánh chìm... Bà đứt từng khúc ruột. Khó có ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi mất mát, đau thương ấy. Hàng ngày bà thất thểu ôm nải chuối cùng bó hương ra ngoài cửa biển cầu khấn những mong linh hồn các con được yên nghỉ. Thời gian cứ thế trôi qua, hình ảnh người mẹ ngày ngày quỳ gối trước biển cầu khấn cho các con cũng quen dần trong mắt nhiều người. Rồi nỗi đau trong lòng bà cũng nguôi bớt. Và “định mệnh” gắn đời bà với nghiệp buôn chuối cũng có thể xuất phát từ những ngày mang chuối, mang hương cầu khấn ấy.



Khi thấy bà Chợ ngồi bên vỉa hè nghỉ ngơi, nhiều người qua đường đã dừng lại
để mua chuối của bà.

Hơn 30 năm qua, hành trình bán chuối của bà Chợ vẫn đều đặn như vậy. Mỗi ngày thức dậy từ sáng sớm, sau khi qua loa bữa sáng đạm bạc, bà rời khỏi nhà ở P.Nại Hiên Đông và đến chợ Hàn. Đôi quang gánh đã phải thay đi thay lại nhiều lần, đôi vai của bà ngày càng chai sạn, đôi chân không còn nhanh nhẹn như xưa nhưng vẫn bền bỉ đưa bà qua từng con phố. Bà kể, ngày xưa khi chưa có cầu Sông Hàn, lúc trời còn nhá nhem tối, bà thức dậy, lặng lẽ bước trong bóng đêm, đến chợ Hàn cũng là lúc tỏ mặt người. Tại đây, bà tìm đến mối quen, là những người lái buôn chở chuối cũng vừa từ Quảng Nam ra. Mua, xếp chuối vào gánh cẩn thận, bà lại tất tả với hành trình bán chuối của mình. Hỏi bà, sao không tìm nghề gì khác có thu nhập khá hơn, mà lại chọn cái nghề cơ cực vậy? Bà bảo, nó vận vào thân rồi chú ạ, có muốn cũng không được! Cơ cực là vậy, nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu, chỉ là lấy công làm lãi. Vậy mà, chỉ với gánh chuối trên vai, bà cũng đắp đổi, vuông tròn cho cả gia đình với 6 miệng ăn. Sau này, khi các con đã trưởng thành, có gia đình riêng, đỡ đi phần nào nỗi lo cơm áo; cộng với việc gia đình có công với cách mạng nên được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng khoảng 1,3 triệu đồng (khoảng 4 năm trở lại đây), chồng và các con khuyên bà nên nghỉ ngơi. Bà khoát tay từ chối. Bà nói, đến khi nào đôi chân không chịu bước, đôi vai không còn gánh được nữa mới dừng. Lại hỏi bà, thực tế là sẽ có ngày bà phải “nghỉ ngơi”, vậy bà tính sao? Bà bảo, tôi đang lo cho... tương lai đây. Và cách bà lo cho “tương lai” của mình là mỗi ngày cố dành dụm, tiết kiệm vài ba chục ngàn đồng từ tiền bán chuối. “Để lỡ khi về già còn có cái mà lo”, bà Chợ cười hóm hỉnh.

 Thỉnh thoảng, cuộc trò chuyện giữa tôi và bà Chợ phải ngắt quãng vì người đi đường dừng lại mua chuối. Gánh chuối nặng trĩu vai vơi dần và hết sạch, cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Bà cười hiền bảo, hôm nay gặp chú có vẻ hên, chứ mọi ngày dễ phải đến chiều mới được về nhà. Nói rồi bà chào tạm biệt. Nhìn bà lão dáng người nhỏ thó với đôi quang gánh trên vai điềm nhiên rảo bước, tĩnh tại, bình yên trên đường phố ken dày xe cộ ngược xuôi, tôi thẫn thờ giây lát, thầm nghĩ, phải chăng đây là hình ảnh lam lũ, chịu thương, chịu khó đã được “đóng khung” của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại...

Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)