Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp (Quảng Trị): Càng điều chỉnh càng... teo

Thứ sáu, 26/12/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Năm 2008, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quyết định phê duyệt dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp (H. Đakrông, Quảng Trị) với tổng vốn đầu tư hơn 34 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư gần 23 tỷ đồng, Tỉnh đoàn Quảng Trị được giao làm chủ đầu tư với mục tiêu tiếp nhận 150 hộ dân, diện tích sử dụng trên 4.700 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động, trồng mới 250 ha cao su, 300 ha rừng sản xuất, 26 ha lúa nước, 13 ha cây trồng ngắn ngày kết hợp chăn nuôi, khoanh nuôi, bảo vệ trên 3.000 ha rừng tự nhiên. Các hạng mục hạ tầng nằm trong dự án là giao thông, điện, nước sinh hoạt, nhà làm việc, nhà ở tập thể, nhà văn hóa, trường tiểu học. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Gần giữa năm 2010, dự án bắt đầu thi công hạng mục đầu tiên. Qua năm 2011 đến 2012, đường đã thông, điện đã sáng. Người dân chỉ còn đợi trường học, đất đai sản xuất là  vào làng. Nhưng hết năm 2012, dự án vẫn chưa thể kết thúc.

20 hộ mới bố trí về dự án vào gần cuối năm 2014 tại trung tâm Làng  thanh niên lập nghiệp.

Tháng 11- 2013, trước những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, Tỉnh đoàn Quảng Trị quyết định điều chỉnh dự án, thời gian kết thúc sẽ là quý IV năm 2014. Theo đó, quy mô tiếp nhận hộ dân vào vùng dự án chỉ còn 90 hộ, diện tích còn 1.426,6 ha, các mục tiêu, hạng mục gắn với đó cũng giảm theo. Vì quy mô hộ dân “teo” lại, định mức cho trường học không đủ nên không thể thiết lập thêm phân trường nào, hạng mục trường tiểu học đã bị cắt. Nhiều hạng mục khác cũng bị loại là nhà văn hóa cộng đồng, khu vật tư, xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp, hỗ trợ khai hoang ruộng nước...Tuy nhiên, kinh phí dự án chỉ giảm chút ít, vẫn còn trên 33 tỷ đồng.

Mặc dù đã “bóp” lại, nhưng dự án vẫn không đúng tiến độ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quốc Thắng, Giám đốc dự án cho biết, chủ trương xây dựng làng có từ năm 2006. Lúc đó đã có khảo sát. Đến năm 2008, T.Ư Đoàn đồng ý cho lập dự án. Thời gian kéo dài, đến khi thi công thì nảy sinh khó khăn về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu. Sau khi “bóp” lại dự án vào cuối năm 2013, những khó khăn trên vẫn là cản trở lớn cho việc triển khai.

Không đủ định mức học sinh, dự án không có trường học, trẻ phải quay lại bản cũ để học.

Qua rà soát tình hình, chủ đầu tư nhận thấy quy mô dự án sau điều chỉnh là hơn 1.400 ha nhưng trên thực tế diện tích chủ yếu là đồi núi dốc, đất rừng tự nhiên, đất để có khả năng sản xuất rất ít, hầu như không có đất trống như kết quả điều tra, khảo sát ban đầu lập dự án. Khu vực Pa Loang, Đá Ngồi đất tương đối bằng phẳng nhưng tầng dưới kết cấu toàn sỏi, đá tảng rất khó cho khai hoang và canh tác sản xuất, hầu hết người dân thôn bản đang quản lý sử dụng không có đất trồng. Khu vực Khe Hiên thổ nhưỡng phù hợp với cây công nghiệp nhưng trên thực tế đất có khả năng trồng trọt dân đã khai phá (có hoặc chưa có giấy chứng nhận QSD đất)...

BQL dự án cũng phối hợp với Tổng đội TNXP Quảng Trị, Sở TN – MT, Chi cục Lâm Nghiệp, Trung tâm điều tra Quy hoạch và thiết kế nông lâm tỉnh, Phòng TN- MT huyện tiến hành điều tra khảo sát thực tế về đất đai để thu hồi, thiết kế khai hoang thì cho thấy khu vực dự kiến thu hồi là rừng tự nhiên chứ không phải là đất trống chưa sử dụng như hồ sơ thiết kế quy hoạch, dẫn đến rất khó để có đất để thu hồi và khai hoang đất sản xuất. Việc không có đất bố trí sản xuất làm ảnh hưởng đến hầu hết các công tác quy hoạch bố trí dân cư cho công tác di dân, không triển khai được các công trình nước sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn về KT – XH xuất phát từ thực tế đời sống, phong tục tập quán của người dân.

Bắt đầu cuộc sống mới dưới chân núi Pa Loang.

 Hiện chỉ mới khai hoang được 41 ha đất phục vụ cho hộ dự án. Một nhu cầu lớn đang đợi ở phía trước. Theo ông Trương Quốc Thắng, số vốn giải ngân cho dự án đã gần 23 tỷ đồng, trong đó vốn T.Ư hơn 18 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đang nỗ lực khai hoang thêm đất và đưa tiếp 10 hộ dân vào dự án, tiêu tốn thêm khoảng 400 triệu đồng. Như vậy nguồn vốn dự án còn 10 tỷ đồng không thể tiêu hết. Điều này khiến nhiều người băn khoăn: dự án ban đầu là quá xa thực tế hay do chủ quan trong quá trình lập dự án, khảo sát địa bàn dẫn đến phát sinh những khó khăn trên?

Bí thư tỉnh đoàn Quảng Trị Lê Minh Tuấn khẳng định, sau khi dự án kết thúc thì vẫn tiếp tục “hà hơi tiếp sức” hỗ trợ chứ không phải chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn đang ở phía trước đối với bà con. Đó là con em phải về bản cũ học tập, đất sản xuất, giao thông vẫn rất khó khăn...

Hướng Hiệp là xã của huyện nghèo Đakrông, nhưng giấc mơ vào dự án không phải để xóa đói mà để thoát nghèo và làm giàu. Ở đó, người dân muốn con cái đảm bảo no cái chữ, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất ngày càng được nâng cao. Ông Hồ Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp cho hay xã vừa đầu tư 70 triệu đồng để đổ cát, đá nhằm khắc phục lầy, trượt trên con đường liên bản nối vào làng dự án, cho bà con tiện đi lại, đặc biệt là sắp Tết bởi với nhiều người dự án vẫn đang... lưng chừng.

Bài, ảnh: Bảo Hà