Làng "triệu phú" giữa đại ngàn...
(Cadn.com.vn) - Những năm qua, khi người dân nhiều ngôi làng ở vùng cao của Quảng Nam được nhận tiền đền bù từ thủy điện chỉ vài ba năm đã tiêu hết, sau đó nghèo lại hoàn nghèo. Thế nhưng có một ngôi làng của xã Zuôih (H. Nam Giang) nằm ẩn mình bên những cánh rừng xanh không lặp lại "vết xe đổ" đó. Họ biết giữ tiền, biết chi tiêu đúng cách, và cuộc sống của họ đang ngày một giàu có hơn xưa...
Làng Pà Rum khang trang như một điểm nhấn giữa đại ngàn. |
Làng Pà Rum nằm ở thượng nguồn thủy điện (TĐ) Sông Bung 4 và nằm ở hạ lưu của TĐ Sông Bung 2. Do bị ảnh hưởng của dự án TĐ Sông Bung 4, hơn 100 hộ dân nơi đây nhường đất cho TĐ để chuyển về nơi ở mới. Sau 3 năm về khu tái định cư (TĐC) mới, cuộc sống của người dân nơi đây đã khác xưa nhiều. Cũng như nhiều ngôi nhà khác trong làng Pà Rum, nhà ông A Viết Trọng (63 tuổi) mới được làm lại từ khi về khu TĐC mới này. Với lối kiến trúc nhà sàn của người vùng cao, chỉ nền nhà lót bằng gạch men, còn lại toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ. Thấy chúng tôi trầm trồ khen nhà đẹp, ông Trọng hồ hởi cho biết: "Do bị ảnh hưởng bởi TĐ nên mình được Nhà nước cho vào rừng lấy gỗ về làm nhà. Gỗ không phải đi mua, nhưng tiền công và các vật liệu khác để làm ngôi nhà này hết hơn 300 triệu đồng. Từ tiền đền bù TĐ, dựng nhà xong, tôi mua cho con trai một chiếc xe máy, số còn lại tôi gửi ngân hàng". Ông Trọng cho biết thêm, hồi mới chuyển về, cả làng Pà Rum chỉ là những căn lều tạm, dọc theo vạt đất được cấp sẵn. Khi làm xong hết nhà cửa, họ cùng làm lễ ăn mừng chung cho cả làng. "Từ khi có dự án TĐ, cả làng được đền bù tiền rẫy, tiền nhà do phải di dời nhường cho công trình. Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến cả tỷ đồng. Đây là số tiền rất đáng quý, bao nhiêu đời nay người dân mới được có số tiền lớn như vậy, thế nên phải biết trân quý giữ gìn, không tiêu pha phung phí"- ông Trọng nói.
Bên kia, cách nhà ông Trọng một quả đồi, nhà anh Bhling Nhước (30 tuổi) cũng thuộc loại khá giả trong thôn bởi ngôi nhà gỗ to kiên cố. Nhà có 3 thế hệ ở, nhưng nhìn ngôi nhà sạch bóng từ trong ra ngoài cho thấy ý thức của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Gia đình mình giờ còn tiền gửi ngân hàng không? Tôi hỏi, Nhước cười bảo rằng: "Còn nhưng không nhiều, vì gia đình được nhận tiền TĐ cũng ít. Nhưng đó là tiền dành dụm lúc ốm đau. Giờ mình cần có thêm đất rẫy để sản xuất thôi. Tiền cho mấy mà không biết để dành thì tiêu cũng hết"-Nhước nói. Có tiền trăm, thậm chí tiền tỷ trong tay, nhưng người dân nơi đây hằng ngày vẫn đi nương, đi rẫy như cuộc sống vốn có bao đời nay. Ngoài gia đình ông Trọng, Nhước, hàng chục hộ dân nơi đây đang còn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Ông Pơloong Nhiêu-Trưởng thôn Pà Rum xác nhận, không chỉ ông Trọng, mà nhiều nhà trong làng vẫn đang cất tiền, gửi ngân hàng cẩn thận. Chỉ có vài ba hộ không giữ được, nhưng không phải vì tiêu xài hoang phí mà số tiền trên đã chữa bệnh hiểm nghèo cho con cái. "Đã 3 năm từ khi nhận được tiền TĐ, người dân vẫn đi rẫy, vẫn đều đặn đốt trỉa lúa, bắp mỗi mùa. Hết việc thì rủ nhau bứt đót, bứt mây... Giờ nhà ở đã kiên cố, họ không còn du cư nữa. Hiện tại chỉ thiếu đất sản xuất vì đất cấp cho dân chỉ hơn 1ha mỗi hộ, nhiều nhà tách hộ, thêm người, cần thêm đất để làm rẫy vì không ai dám xâm lấn vô rừng phòng hộ"- ông Nhiêu bộc bạch.
Ông A Viết Trọng trong ngôi nhà gỗ sang trọng của mình. |
Cuộc sống của người dân nơi đây thật khác xa những "làng triệu phú" mà chúng tôi đã đi qua. Không đâu xa, thôn 2 (xã Tà Pơơ, H. Nam Giang) chỉ cách thôn Pà Rum vài quả đồi, nơi đây cũng thuộc diện TĐC của TĐ Sông Bung 4. Từng được mệnh danh là "làng tỷ phú giữa đại ngàn", những năm 2012, 2013 dân làng ở đây tiêu tiền như... lá mít. Có tiền, họ dựng những ngôi nhà gỗ hàng tỷ đồng, to như biệt phủ. Lúc đó họ chỉ có việc ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Đến nỗi trong quá trình làm nhà, mùn cưa đổ ra họ cũng bỏ tiền ra thuê người dưới xuôi lên hốt... Thế rồi, chỉ sau hai năm, họ mau chóng trở lại với quá khứ nghèo đói của mình, thậm chí còn khổ hơn xưa vì ruộng rẫy nay đã mất hết. Hết tiền, nhiều nhà trở lại cuộc sống lay lắt bằng săn bắt hái lượm và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Cuộc đời triệu phú của họ không phải giấc mơ nhưng đã nhanh chóng tàn phai như làn khói mỏng... Nói về cuộc sống người dân thôn Pà Rum "hậu thủy điện", ông Tơngôl Đa - Bí thư xã Zuôih cho biết: Cũng từ việc tiêu tiền phung phí ở các làng TĐC trong huyện, lãnh đạo xã đã mời các già làng, những người có uy tín trong làng tuyên truyền, vận động họ bằng chính câu chuyện mà người dân làng thôn 2 (xã Tà Pơơ) đã trải qua. "Tôi nói với dân, làm nhà thì cứ làm nhưng phải cất bớt tiền để phòng đau ốm và cho con cháu sau này, vì số tiền đền bù TĐ rất lớn, cả đời cũng khó kiếm được. Sau vụ "tiêu tiền" của người dân thôn 2, xã Tà Pơơ chính quyền huyện cũng xuống quán triệt xã phải hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong quá trình về làng mới, về cách tiêu tiền. Ngay cả gỗ dựng nhà, xã cũng thường xuyên cho người kiểm tra, yêu cầu người dân không ồ ạt hoặc lợi dụng làm nhà để chặt cây đem bán. Nhờ làm tốt công tác vận động, quán triệt nên giờ nhiều người ở Pà Rum vẫn giữ được tiền, để dành trong ngân hàng, biết tiêu tiết kiệm"-ông Đa nói.
Chúng tôi rời Pà Rum lúc mặt trời khuất sau ngọn núi. Dân làng từ nương rẫy trở về nhà trong tiếng nói cười vui vẻ sau một ngày lao động. Họ bước chân vào những ngôi nhà gỗ đồ sộ nhưng lúc nào lúa gạo cũng đầy chum. Nơi đây không còn cảnh nhà dột nát, bữa đói, bữa no như xưa.
Bão Bình