Làng văn hóa Bồ Bản

Thứ tư, 22/01/2014 10:52

(Cadn.com.vn) - Đã thành lệ, sáng mồng Một Tết hằng năm, người dân làng Bồ Bản (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đều tập trung ở đình làng với các nghi lễ trang trọng, thành kính tri ân các bậc tiền nhân và những ai đã từng gắn bó với mảnh đất này... 

Dịp làng Bồ Bản được Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen “Làng văn hóa 20 năm”, tôi đã gặp và chuyện trò với lão nông Tán Tuấn. Trong ngôi nhà nhỏ trông ra cánh đồng mờ sương, ông nhắc tôi về hình ảnh doi đất hẹp nằm ở ngã ba sông Yên-Túy Loan quê ông, mỗi mùa mưa lũ, nước dâng trắng xóa nhưng người dân vẫn khăng khít nghĩa tình. Với tôi, làng Bồ Bản không xa lạ nhưng mỗi khi có dịp ngang qua, tôi lại ngẩn ngơ nhìn, từ cánh đồng trĩu nặng hạt lúa đến dáng người chịu thương, chịu khó trên từng thửa rau xanh.

Theo ông Tuấn, người Bồ Bản xa quê từ bao đời nay vẫn còn lưu giữ tấm lòng thơm thảo mỗi khi trở về. Những làn khói bay lên từ bếp củi của mỗi ngôi nhà đụn thành từng lớp mỏng quyện lấy các mái nhà ken dày chạy dọc sông khiến người Bồ Bản khi nhìn thấy đã muốn hà hít, đi mau về nhà mà chui ngay vào bếp lửa ấm áp đó... Buổi sáng, từ trên QL14B nhìn xuống ngôi làng nhỏ, những đám khói mỏng tang như sương, bảng lảng, sóng sánh trên mặt nước, hay quấn quýt lưng chừng trên các bụi tre, hàng lộc vừng quanh làng. Hình ảnh ấy dễ khiến người ta bồi hồi lắm... “Thương cho trái mướp cù queo/Lấy chồng Bồ Bản dẫu nghèo cũng ưng”. Những câu thơ mộc mạc thể hiện phong thái “thuận hòa” của gái, trai trong làng; vì thế người Bồ Bản luôn biết cách vượt qua khó khăn, vươn lên trong  cuộc sống.

Trai làng Bồ Bản đua thuyền khai hội đầu năm.

Làng Bồ Bản không mấy rộng nhưng lại có bề dày lịch sử 500 năm, ngôi đình làng là di tích cấp Quốc gia đã được nhiều người biết đến. Nhìn những con đường bê-tông kiệt hẻm chạy ngoằn ngoèo trong thôn, vươn ra các cánh đồng, cùng với những ngôi nhà khang trang hôm nay trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, ít ai ngờ rằng, nơi đây từng là vùng bị đạn bom tàn phá; người dân đấu tranh không vào khu dồn để đến đêm thắp sáng những ngọn đèn làm tín hiệu cho bộ đội, du kích về bám địch.

Chuyện các cụ Tán Nghiệp, Hồ Mạo, Nguyễn Cấm, Nguyễn Nhã tham gia tải thương, vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội về đánh Mỹ tại xóm Đình trong suốt 3 ngày đêm; chuyện bà Đặng Thị Hồng cùng nhiều phụ nữ khác chặn đường, không cho xe tăng địch băng qua các cánh đồng mà chạy lòng vòng trên các con đường đã được du kích đặt sẵn mìn, cài quả nổ... Sau chiến công xóm Đình, dân làng đã xướng vè: “Xóm Sau, Mặt Cát, Cây Dừng/Xóm Đình tiếp sức ùn ùn tấn công/Trẻ già, trai gái một lòng/Mở ra trận đánh diệt trăm quân thù”... vẫn được lưu truyền đến thế hệ trẻ hôm nay.

Khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới thì doi đất hẹp ven sông này cũng bắt đầu hồi sinh, người dân tiếp tục cần mẫn trên vùng đất loang lổ hố bom, từng bước cải thiện cuộc sống. Chính quyền cùng với nhân dân đồng thuận trong “cuộc chiến” chống đói nghèo, lạc hậu. Cũng từ đó, dân làng nung nấu thêm dự định, Bồ Bản phải phấn đấu trở thành một làng văn hóa. Những người có uy tín, tâm huyết trong làng được đề cử vào Ban vận động với những tiêu chí cụ thể về kinh tế, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường...

Nói về kinh nghiệm xây dựng làng văn hóa, bà Trần Thị Duẫn - Bí thư chi bộ thôn cho biết: “Điều cốt yếu trong công tác xây dựng Làng văn hóa là phải phát huy dân chủ trong nhân dân gắn kết với việc thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên cơ sở “lấy sức dân xây dựng đời sống cho dân” đã được 24 tộc họ trong thôn cam kết thi đua, thực hiện”... Vì vậy, kẻ ở quê nhà cùng người ra đi đã đồng tâm phục dựng lại ngôi đình đổ nát, tu sửa các ngôi mộ tiền hiền để giữ gìn bản sắc văn hóa làng quê. Kẻ góp công, người góp của cho dù cuộc sống của họ chưa phải no đủ. Trong lúc không phải làng nào cũng có điều kiện làm lại các di tích, thì việc dân làng Bồ Bản đã biết vận dụng cái tâm làm nội lực, thôi thúc bao trái tim hướng về cội nguồn, nhớ ơn tiền nhân mà dồn mọi tài lực để xây dựng các công trình nhiều ý nghĩa này thật đáng trân trọng biết bao.

Nhiều lão nông khác còn khẳng định: “Thế hệ chúng tôi rồi sẽ qua đi nhưng những tấm lòng thơm thảo ở ngôi làng nhỏ ven sông đầy ắp khói sương, đầy ắp tình người này sẽ mãi mãi tồn tại với lịch sử, với dân tộc; mãi còn soi bóng bên các dòng sông như minh chứng với thời gian rằng, người dân làng Bồ Bản sẽ không ngừng góp công sức để tạo nên những tầng vỉa văn hóa dân gian bền vững, luôn tuôn chảy trong suối ngàn yêu thương, giữ gìn truyền thống quê hương để không hổ thẹn với lớp người đi trước”.

An Dương